Phá rừng phòng hộ để... nuôi cá?

27/10/2019 06:56 GMT+7

Dù chưa được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất, thuê rừng, nhưng Công ty TNHH Đa Phú đã xây dựng các công trình để nuôi cá giữa rừng phòng hộ.

Chưa được cho thuê đất, rừng đã xây hàng chục bể nuôi cá

Ngang nhiên nuôi cá tầm trong rừng phòng hộ

Ghi nhận của Thanh Niên tại dự án nuôi cá nước lạnh và quản lý bảo vệ rừng (gọi tắt là dự án) của Công ty TNHH Đa Phú (xã Lát, H.Lạc Dương, Lâm Đồng), cho thấy ở khu thung lũng giữa rừng phòng hộ (RPH) thuộc các tiểu khu (TK) 225 và 228 có hàng chục bể nuôi cá bằng xi măng với diện tích hàng ngàn mét vuông, cùng các công trình đường bê tông, nhà ở công nhân... Các công trình đã cũ và trong các bể xi măng này đang nuôi cá tầm gần đến kỳ thu hoạch. Dọc triền đồi đối diện con suối trong dự án là dấu vết san ủi đất còn mới và trên đó có một số diện tích đã trồng cây xanh.
Triền đồi Công ty Đa Phú mới tác động trong năm nay

Triền đồi Công ty Đa Phú mới tác động trong năm nay

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, khu vực đất RPH xung yếu công ty đã tác động có diện tích hơn 14.000 m2, trong đó có 2.500 m2 là đất có rừng (trạng thái IIa-T và T02), thuộc lâm phần do Ban Quản lý (BQL) RPH Tà Nung quản lý, để xây dựng bể nuôi cá và trồng cây xanh cảnh quan.
Số diện tích này nằm trong tổng số hơn 52 ha (thuộc địa phận 2 huyện Lạc Dương và Lâm Hà) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Đa Phú đầu tư dự án, nhưng đến nay công ty này vẫn chưa được tỉnh cho thuê đất, thuê rừng. Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trong ranh dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư của công ty này, BQLRPH Tà Nung để người dân lấn chiếm 6,58 ha đất lâm nghiệp để trồng cà phê, mít, mắc ca, quýt… nhưng không lập hồ sơ vi phạm.

Không biết đất có rừng(?)

Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, cách đây 10 năm (tháng 8.2009), Công ty TNHH Đa Phú được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất để triển khai dự án. Tuy nhiên đến năm 2013, do việc triển khai dự án không đạt tiến độ nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi đất và giao cho các BQLRPH Tà Nung, Nam Ban quản lý, bảo vệ. Đến năm 2016, công ty này xin chủ trương lập dự án trở lại và được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư (hình thức cấp lại giấy chứng nhận đầu tư) trên diện tích hơn 52 ha nói trên (trong đó có hơn 28,3 ha đất có rừng).
Nhà ở công nhân trong khu vực dự án

Nhà ở công nhân trong khu vực dự án

Ông Nguyễn Tất Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Đa Phú, cho biết tại khu vực này công ty có 2 khu nuôi cá tầm với tổng cộng 90 bể (9.000 m2) và đầu tư nhà ở công nhân, đường nội bộ… Tuy nhiên, do mua lại dự án (ông Ngà cho biết ông mua lại dự án này từ chủ trước) nên đến tháng 2.2018 mới biết UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi đất năm 2013.
Sau đó, công ty đã khẩn trương thực hiện các bước để thuê đất nhưng đến nay vẫn chưa xong. “Việc thực hiện dự án khi chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý là chưa đúng, nhưng công ty cũng có những cái khó nhất định nên mới làm. Chúng tôi nghĩ vừa làm cho đúng tiến độ, vừa thực hiện thủ tục thuê đất, nhưng không ngờ thủ tục lại lâu đến vậy. Hơn nữa, khi chúng tôi đến, khu vực này là đất trống chứ không có rừng và chúng tôi chỉ tác động trên đất trống chứ chỗ nào có cây rừng chúng tôi không động đến. Trong hồ sơ kiểm kê rừng, chúng tôi có tham gia, nhưng không hiểu sao lại thể hiện 2.500 m2 đất có rừng ở đây - chắc do nhiều việc và thiếu sót của công ty nên không để ý. Cái nào sai thì công ty chịu, nhưng mong cơ quan chức năng sớm xem xét cho công ty thuê đất để hoạt động ổn định. Chúng tôi thực sự muốn đầu tư, đến nay đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng vào đây rồi”, ông Ngà giải thích.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Bảo, Trưởng BQLRPH Tà Nung, cho hay: “Năm 2013 khi tỉnh thu hồi dự án không có biên bản bàn giao hiện trạng cho đơn vị nên chúng tôi không biết ở trong dự án đó có cái gì. Rồi dân lấn chiếm cũng không biết khi nào, trước năm 2009 hay giai đoạn 2009 - 2013. Khi kiểm kê rừng, chúng tôi cũng không được tham gia, cơ quan chức năng kiểm kê xong giao cho Công ty TNHH Đa Phú chứ chúng tôi không biết. Khi công ty có quyết định chấp thuận chủ trương dự án, họ rào cổng lại và làm, họ nói thực hiện theo dự án cũ, không cho chúng tôi vào”.

10 tháng, gần 50 ha rừng bị phá

Ngày 25.10, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong 10 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 601 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp, trong đó 278 vụ chưa xác định được người vi phạm.
Diện tích thiệt hại do phá rừng 49,6 ha; lâm sản thiệt hại 3.392 m3. UBND tỉnh liên tục có các văn bản yêu cầu các địa phương kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân người phụ trách.
Yêu cầu Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo, công chức kiểm lâm liên quan thuộc các hạt kiểm lâm: Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm.
Với UBND H.Đam Rông, yêu cầu luân chuyển công tác đối với Trưởng BQLRPH Phi Liêng... Các đơn vị nói trên khẩn trương thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và gửi về Sở Nội vụ trước ngày 30.10.
Lâm Viên - Gia Bình 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.