Khi đọc được thông tin Bộ GTVT đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) BOT, trong đó bao gồm giải pháp “tăng phí theo lộ trình”, rất nhiều bạn đọc (BĐ) ngạc nhiên vì giá điện, giá xăng… đang được Chính phủ “kìm cương” để kích cầu nền kinh tế sau giai đoạn giãn cách xã hội, thì phí BOT lại được đề xuất tăng.
Tại sao phải tăng phí để “giải cứu” BOT ?
Nhiều BĐ cho rằng không chỉ riêng DN BOT đang gặp khó khăn mà còn nhiều DN ở những ngành nghề khác đang cần được tạo điều kiện nhanh chóng phục hồi sản xuất. Một trong những điều kiện tiên quyết, phải nhắc đến là phí vận chuyển. Tạo sức ép lên chi phí vận chuyển đâu phải là cách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng?
Một trong các lý do “giải cứu BOT” được đưa ra, là các DN BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để “cố gắng trả nợ ngân hàng”. BĐ Ly Truong nhận xét: “BOT là lĩnh vực kinh doanh lâu dài, nếu nợ ngân hàng thì đề xuất ngân hàng giãn nợ, khi hết dịch, lưu lượng giao thông tăng, nguồn thu vượt…, sẽ ổn định”. BĐ Lê An hỏi thẳng: “Đầu tư, kinh doanh thì có lời lỗ, phải chịu rủi ro. Khi các BOT lãi thì có giảm phí cho dân không?”. Đồng tình, BĐ Phong Mai Văn cho rằng nếu cứ phải mãi đi giải cứu BOT thì kinh doanh như các DN BOT là “sướng thật, vì chẳng bao giờ lo phá sản”.
Liệu có hay không một “cam kết” rằng BOT sẽ chẳng bao giờ lỗ nên không ít DN BOT sẵn sàng “tay không bắt giặc” khi mạnh tay vay ngân hàng mà không cần màng đến phương án trả nợ đảm bảo? BĐ Thanh Le nhận xét: “Mấy ông khi quyết định đi đầu tư, chọn cách vay nợ ngân hàng, thì không thể lại lấy ngân hàng ra để nói khó này kia. Vô lý”.
Minh bạch bằng thu phí tự động
Câu chuyện lời, lỗ thực sự của các DN BOT cũng đặt ra cho BĐ Báo Thanh Niên nhiều câu hỏi. BĐ Xuan Cam Le cho rằng việc cần làm ngay của Bộ GTVT lúc này không phải là đề xuất giải cứu BOT, mà là “nhanh chóng hoàn thành thu phí tự động ngay trong năm nay - 2020. Chỉ khi nào có sự minh bạch trong thu phí thì mới đủ cơ sở tính toán tăng hay giảm mức thu”.
Nhiều BĐ cũng cho rằng phương án tài chính của một dự án BOT không thể phụ thuộc hay bị ảnh hưởng của giai đoạn ngắn - khoảng thời gian gặp khó khăn vì giãn cách xã hội mà đều phải được tính toán lộ trình vài mươi năm. Liệu “than khó” vì Covid-19 chỉ là một bước trong lộ trình tăng phí đã được chốt từ lâu?
Bình luận (0)