Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Đại học Alaska ở phía Bắc (Mỹ) vừa công bố nghiên cứu cho biết các mẫu hóa thạch của khủng long nhỏ phát hiện tại cực bắc Alaska là bằng chứng quan trọng về việc loài này đã sống quanh năm tại Bắc cực và có thể là động vật máu nóng.
Nghiên cứu phân tích mẫu hóa thạch của ít nhất 7 loài khủng long chỉ mới vừa nở hoặc còn trong trứng vào khoảng 70 triệu năm trước, theo Reuters ngày 25.6.
Ông Pat Druckenmiller, trưởng nhóm nghiên cứu nói chưa từng phát hiện tổ khủng long nào xa về cực bắc như vậy. “Nếu chúng sinh sản, vậy thì chúng đã ở đó qua mùa đông. Nếu chúng ở đó qua mùa đông, chúng phải chống chọi với điều kiện mà chúng ta không thường liên kết với loài khủng long, như thời tiết băng giá và tuyết”, ông Druckenmiller nói.
Nhà nghiên cứu cho rằng những con khủng long này có thể làm ấm cơ thể từ bên trong như những loài động vật nội nhiệt vì chúng phải sống sót qua mùa đông lạnh lẽo và tối tăm ở Bắc cực, nơi không thể phơi nắng như thằn lằn để làm ấm cơ thể.
Nhà nghiên cứu cũng giải thích rằng tuy vị trí của nơi tìm thấy hóa thạch hiện nay khác với vị trí cách đây hàng chục triệu năm, nhưng khó có thể đó từng là vùng nhiệt đới. Qua phân tích các mẫu thực vật, các nhà nghiên cứu ước tính nhiệt độ trung bình hằng năm thời điểm đó là 6 độ C.
Nhà cổ sinh vật học Tony Fiorillo tại Đại học Giám lý phương Nam (Mỹ) cho rằng nghiên cứu mới về việc khủng long làm tổ này giúp củng cố cho giả thuyết khủng long sống quanh năm tại Bắc cực và vì vậy có thể không phải là loài bò sát máu lạnh.
Bình luận (0)