AFP ngày 7.5 dẫn nguồn từ không quân Mỹ cho biết tàu vũ trụ X-37B sẽ được đưa lên không gian vào ngày 16.5 trong chuyến du hành thứ 6 với hàng loạt thử nghiệm. X-37B sẽ được phóng lên từ Trung tâm không gian Kennedy ở Cape Canaveral (bang Florida) và triển khai vệ tinh nghiên cứu FalconSat-8 được phát triển bởi Học viện Không quân Mỹ nhằm tiến hành các thử nghiệm trên quỹ đạo. Bên cạnh đó, lần đầu tiên X-37B sẽ mang theo một khoang dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiều thử nghiệm khác.
Các sứ mệnh trước đây của X-37B đều được giữ bí mật, trừ những thông tin ít ỏi và hình ảnh của tàu vũ trụ tại mặt đất. Tuy nhiên lần này, Bộ trưởng Không quân Barbara Barrett tiết lộ rằng Quân chủng Không gian Mỹ sẽ tiến hành sứ mệnh nhằm tối ưu hóa năng lực độc đáo của X-37B và thực hiện 2 thử nghiệm của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo đó, tàu sẽ đánh giá phản ứng của một số vật liệu trong môi trường không gian và tác động của tia bức xạ vũ trụ lên các hạt giống. Một thử nghiệm khác giúp Phòng thí nghiệm nghiên cứu hải quân nghiên cứu về việc biến năng lượng mặt trời thành năng lượng tần số vô tuyến vi ba để truyền về trái đất. “Lần phóng này còn thể hiện giới hạn mới trong việc sử dụng lại các hệ thống vũ trụ”, Bộ trưởng Barrett cho biết.
Chương trình X-37B triển khai năm 1999 với lần phóng đầu tiên vào năm 2010. Tàu vũ trụ này từng ở trong không gian tổng cộng 2.865 ngày, bao gồm 780 ngày trên quỹ đạo trong sứ mệnh gần đây nhất kết thúc vào tháng 10.2019. X-37B thuộc sở hữu của không quân, nhưng Quân chủng Không quân thành lập vào tháng 12.2019 sẽ đảm nhận sứ mệnh phóng, vận hành và hạ cánh trong lần này.
Theo trang Business Insider, bản chất bí mật của các sứ mệnh X-37B tiến hành dẫn đến nhiều đồn đoán cho rằng tàu vũ trụ này tham gia thử nghiệm công nghệ quân sự trong không gian liên quan đến các vệ tinh do thám. Một số người cho rằng tàu từng bay cách mặt đất chỉ khoảng 320 km có thể nhằm tìm cách đưa các vệ tinh do thám xuống quỹ đạo thấp hơn để ghi hình ảnh rõ nét, dù độ cao này sẽ khiến các vệ tinh tiêu hao năng lượng nhiều hơn.
Bình luận (0)