Hôm 24.11, công ty ImageSat International (ISI, Israel) đưa lên Twitter ảnh chụp vệ tinh ngày 18.11 cho thấy một vật thể có hình dạng giống khí cầu đang bay lơ lửng trên đá Vành Khăn. Đây là một trong số 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.
ISI viết trên Twitter: “Lần đầu tiên, khí cầu của Trung Quốc có thể dùng cho mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự bị ISI phát hiện tại đá Vành Khăn. Việc sử dụng khí cầu cho phép Trung Quốc có sự nhận biết tình hình một cách liên tục trong khu vực giàu tài nguyên này”.
Trong khi đó, ông Lorenzana hôm 4.12 khẳng định radar của khí cầu nói trên có tầm hoạt động hạn chế, chỉ có thể theo dõi các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trong khu vực, theo tờ Philippine Daily Inquirer. “[Khí cầu] có thể có bán kính hoạt động từ 25-30 km. Có thể họ muốn theo dõi các đảo nhân tạo, nhưng đó không phải là quan ngại lớn đối với chúng tôi”, ông Lorenzana phát biểu tại một diễn đàn ở thành phố Makati của Philippines.
Theo một báo cáo từ quân đội Philippines, trong cuộc tuần tra biển hôm 1.12, lực lượng này “không thấy” radar của khí cầu trên đá Vành Khăn. Tuy nhiên, họ phát hiện có một khinh hạm và 3 tàu khác ở phía bắc của bãi đá này.
Khi được hỏi Philippines làm cách nào để tránh vệ tinh của Trung Quốc, ông Lorenzana trả lời: “Tôi nghĩ cách duy nhất để tự bảo vệ mình khỏi tầm giám sát của họ là bắn hạ các vệ tinh, nhưng chúng tôi không đủ khả năng làm điều đó”.
Bình luận (0)