Phó chủ tịch Quốc hội: Rà soát kỹ nhiệm vụ, quyền hạn, trường hợp sử dụng Cảnh sát cơ động

Lê Hiệp
Lê Hiệp
31/08/2021 20:52 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần rà soát kỹ nhiệm vụ, quyền hạn, trường hợp sử dụng Cảnh sát cơ động khi xây dựng luật Cảnh sát cơ động.

Ngày 31.8, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án luật Cảnh sát cơ động.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho cảnh sát cơ động

Tờ trình về dự thảo luật Cảnh sát cơ động do Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Phạm Quốc Cương trình bày cho biết, qua 7 năm thực hiện, pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng luật Cảnh sát cơ động là cần thiết.
Theo ông Cương, dự thảo luật gồm 5 chương, 32 điều (tăng 8 điều so với pháp lệnh Cảnh sát cơ động).
Nội dung cơ bản của dự thảo luật bổ sung 1 điều quy định về hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động (điều 8), trong đó xác định các nguyên tắc và nội dung hợp tác quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cảnh sát cơ động trong thực hiện hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật các nước trên thế giới sâu rộng và hiệu quả hơn.
Bổ sung 3 nhiệm vụ cho cảnh sát cơ động (điều 10), đây là các nhiệm vụ trên thực tế cảnh sát cơ động đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi. Bổ sung thêm 2 quyền hạn cho cảnh sát cơ động (điều 11).
Bên cạnh đó, dự thảo luật còn bổ sung, làm rõ quy định về hoạt động của cảnh sát cơ động, gồm: xây dựng và thực hiện phương án; biện pháp công tác; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và huy động người, phương tiện, thiết bị (tại các điều 12, 13, 17 và 18) bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan...

Có phải là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia?

Tại phiên họp, các thành viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh tán thành sự cần thiết ban hành luật Cảnh sát cơ động; nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo luật.
Về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, có ý kiến đại biểu cho rằng, cần bỏ cụm từ “chuyên trách”, bởi điều 22 luật An ninh quốc gia không xác định cảnh sát cơ động là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; đồng thời, điều 3 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện hành cũng không xác định cảnh sát cơ động là lực lượng chuyên trách trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Do đó, đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù của cảnh sát cơ động khác với các lực lượng khác trong công an nhân dân.
Về nguyên tắc hoạt động của cảnh sát cơ động (điều 4), theo một số đại biểu, tại điều 3 của dự thảo luật thì cảnh sát cơ động thuộc công an nhân dân, nên hoạt động của lực lượng này chịu sự điều chỉnh của luật Công an nhân dân. Trong khi đó, một số nguyên tắc quy định tại điều 4 của dự thảo luật này đã được quy định tại điều 4 của luật Công an nhân dân.
Vì vậy, đề nghị cần rà soát lại, chỉ quy định những nội dung mang tính đặc thù trong hoạt động của cảnh sát cơ động, những nội dung đã được quy định tại luật Công an nhân dân thì không quy định lại, trường hợp cần thiết thì viện dẫn luật Công an nhân dân.

Đánh giá tác động thật kỹ để đưa ra chính sách đúng

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, về sự cần thiết, cần bổ sung cho thuyết phục hơn, đâu là điều cốt lõi của dự thảo luật. Về đánh giá tác động, ban soạn thảo cần đánh giá thật kỹ để dựa vào đó dự báo và đề ra chính sách đúng.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Phạm Quốc Cương trình bày dự thảo luật

Gia Hân

Ông Phương nhấn mạnh, dự thảo luật liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của nhiều lực lượng quy định tại nhiều luật chuyên ngành. Do đó, cần rà soát bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề: dự thảo luật dùng từ “chuyên trách”, hay việc dùng từ “biện pháp vũ trang” với cảnh sát cơ động có đúng hay không?
Theo ông Phương, việc dùng từ như vậy trong luật là có xu hướng tuyệt đối hóa mọi mặt, bởi lực lượng cảnh sát cơ động là lực lượng dùng rất nhiều biện pháp công tác của ngành công an, trong đó đặc trưng là biện pháp phi vũ trang chứ không phải chỉ có biện pháp vũ trang.
Về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động, theo Phó chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật còn hơi “luẩn quẩn”, nên cần rà soát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền, phạm vi hoạt động, trường hợp sử dụng. “Kể cả trường hợp cấp bách huy động như thế nào? Bên cạnh đó là rà soát kỹ quy định về tổ chức hệ thống, tổ chức quan hệ trong các cơ chế phối hợp với các lực lượng khác”, ông Phương nêu.
Ông Phương nhấn mạnh, việc xây dựng luật là “vì nước, vì dân, không phải vì anh, vì tôi”, nên bên cạnh việc đúng đường lối, quan điểm, đúng Hiến pháp, pháp luật cần bảo đảm phải tiết kiệm ngân sách trong điều kiện, khả năng của nền kinh tế.
Trên các cơ sở thảo luận, ông Phương đề nghị, sau phiên họp, ban soạn thảo nghiên cứu để có những dự kiến tiếp thu, nội dung cần giải trình và gửi tài liệu báo cáo kèm theo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu của lực lượng cảnh sát cơ động

Điều 9. Nhiệm vụ của cảnh sát cơ động

1. Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động.

2. Xây dựng, huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến, phương án tuần tra kiểm soát, bảo vệ mục tiêu theo chức năng của cảnh sát cơ động.

3. Thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật.

4. Vũ trang bảo vệ mục tiêu, sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

5. Tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tham gia thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

6. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cảnh sát cơ động và cán bộ, chiến sĩ trong công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các ngành, địa phương; phối hợp huấn luyện, đào tạo về công tác bảo vệ cho các cơ quan, tổ chức ngoài ngành công an.

7. Tổ chức quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

8. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của cảnh sát cơ động.

9. Phối hợp với các lực lượng trong công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

10. Tham gia bảo vệ phiên tòa, áp giải bị can, bị cáo và hỗ trợ việc bảo vệ trại giam, trại tạm giam, thi hành các bản án hình sự theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

11. Tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và phòng thủ dân sự.

12. Phối hợp với các lực lượng, đơn vị, địa phương nơi đóng quân xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

13. Thực hiện nghi lễ trong công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Quyền hạn của Cảnh sát cơ động

1. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại điều 14 của luật này.

2. Được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

3. Ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ.

4. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

5. Huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp cấp bách theo quy định của pháp luật có liên quan và điều 15 của luật này.

6. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm. Việc vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở các thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Các quyền hạn khác theo quy định của luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan.

Điều 11. Cơ cấu và tổ chức của cảnh sát cơ động

1. Cảnh sát cơ động bao gồm:

a) Lực lượng tác chiến đặc biệt;

b) Lực lượng đặc nhiệm;

c) Lực lượng bảo vệ mục tiêu;

d) Lực lượng không cảnh, thủy cảnh;

đ) Lực lượng sử dụng động vật nghiệp vụ.

2. Tổ chức của cảnh sát cơ động bao gồm:

a) Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động;

b) Cảnh sát cơ động công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư;

c) Cảnh sát cơ động dự bị thuộc các đơn vị công an nhân dân;

d) Các trung tâm huấn luyện, đào tạo.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tổ chức của cảnh sát cơ động.

(Dự thảo 1 luật Cảnh sát cơ động, phát hành ngày 29.3.2021)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.