Chiều ngày 23.9, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ký văn bản gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài trên địa bàn nhằm siết chặt quản lý, nâng cao ý thức chấp hành đối với đội ngũ lái xe, phụ xe để phòng chống Covid-19
Hơn 25% ca mắc Covid-19 liên quan các lái xe, phụ xe
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; duy trì vận chuyển, lưu thông hàng hóa, cung ứng, hỗ trợ kịp thời các loại nông sản (rau, củ, quả) cho TP.HCM; các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Trung. Tuy nhiên công tác quản lý đội ngũ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài chưa được các địa phương quan tâm, quản lý chặt chẽ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
|
Tính đến hết ngày 22.9, trên địa bàn Lâm Đồng có tổng cộng 280 ca mắc Covid-19, trong đó có đến 72 ca (chiếm hơn 25%) liên quan đến đội ngũ lái xe, phụ xe và đây chính là nguồn lây nhiễm dịch bệnh chủ yếu trên địa bàn tỉnh.
Lái xe, phụ xe phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin mới được vào Lâm Đồng
UBND tỉnh Lâm Đồng cơ bản thống nhất với nội dung quy định công tác quản lý lái xe, phụ xe trong hoạt động vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa và lưu trú tập trung để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo đề xuất của Sở GT-VT và Công an tỉnh tại Tờ trình số 538/SGTVT-CAT-TT ngày 10.9 (tờ trình về việc ban hành hướng dẫn hoạt động của các điểm tập kết hàng hóa và điểm lưu trú tập trung)
|
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở GT-VT ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện, theo hướng: kể từ ngày 26.9, toàn bộ các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin mới được vào tỉnh Lâm Đồng. Cho phép tiếp tục sử dụng phần mềm quản lý lái xe và lịch trình vận chuyển hàng hóa đối với các xe vận chuyển hàng hóa ra vào tỉnh;
|
Quy định cụ thể các điểm xếp dỡ hàng hóa (1 điểm bỏ hàng, 1 điểm lấy hàng), điểm lưu trú tập trung, tạo điều kiện thuận lợi về ăn, ngủ, nghỉ cho đội ngũ lái, phụ xe trong quá trình lưu trú tập trung. Đồng thời quy định trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý đội ngũ lái, phụ xe tại các điểm này. Niêm phong ca bin xe chở hàng hóa tại các chốt giáp ranh trước khi vào tỉnh...; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 24.9 trước khi ban hành hướng dẫn nêu trên.
Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với đội ngũ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài trong quá trình xếp dỡ hàng hóa, thực hiện lưu trú tập trung trên địa bàn theo văn bản hướng dẫn của Sở GT-VT.
|
Bố trí riêng đội ngũ bốc xếp tại các điểm tập trung hàng hóa để hạn chế lái xe, phụ xe tiếp xúc với người ngoài.
Đồng thời bố trí đội ngũ y tế tại các điểm lưu trú tập trung để thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 cho các lái xe, phụ xe (xét nghiệm 2 lần/ngày theo khung giờ phù hợp, chi phí xét nghiệm do các lái xe, phụ xe tự chi trả) và bố trí thêm các điểm lưu trú tập trung tại các xã, phường, thị trấn cho đội ngũ lái xe, phụ xe.
|
Bố trí xe công nghệ (Grab...) chở đội ngũ lái xe, phụ xe di chuyển từ nơi ở tập trung đến các địa điểm khác khi có yêu cầu (lái xe, phụ xe phải tự trả chi phí) để thuận tiện cho việc theo dõi, truy vết.
“Đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các lái xe, phụ xe nhiễm Covid-19 làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn”, văn bản nêu rõ.
|
Tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Y tế phối hợp với Sở GT-VT, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát cụ thể đội ngũ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài trên địa bàn tỉnh; ưu tiên bố trí vắc xin Covid-19 để tiêm cho đối tượng này đạt 100%.
Bình luận (0)