Bản tin Covid-19 ngày 19.10: Trường học đầu tiên mở cửa đón học sinh

19/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 19.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 19.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 3.034 ca Covid-19 mới, 1.866 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 19.10 cho biết tính từ 17h ngày 18.10 đến 17h ngày 19.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.034 ca nhiễm mới, 1.866 ca khỏi bệnh.Trong ngày, cả nước ghi nhận 75 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.344 ca.

Ngày 19.10: Cả nước 3.034 ca Covid-19, 1.866 ca khỏi | TP.HCM 907 ca

Thông tin về 3.034 ca nhiễm mới được công bố ngày 19.10 như sau:

  • 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.027 ca ghi nhận trong nước (giảm 132 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 1.220 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (907), Bình Dương (500), Đồng Nai (371), Sóc Trăng (200), An Giang (134), Tây Ninh (104), Kiên Giang (92), Tiền Giang (79), Đồng Tháp (65), Phú Thọ (59), Long An (51), Trà Vinh (45), Bạc Liêu (41), Cà Mau (39), Khánh Hòa (38), Lâm Đồng (34), Gia Lai (33), Cần Thơ (24), Thanh Hóa (23), Hà Nam (21), Bình Thuận (16), Vĩnh Long (15), Hậu Giang (14), Quảng Nam (12), Bến Tre (12), Hà Nội (11), Quảng Ngãi (11), Bình Định (10), Ninh Thuận (6), Nghệ An (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Đắk Nông (5), Bắc Ninh (5), Quảng Bình (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Bình (4), Nam Định (3), Bình Phước (3), Hải Dương (3), Phú Yên (3), Quảng Trị (3), Đà Nẵng (2), Sơn La (2), Thừa Thiên Huế (2), Lào Cai (1), Yên Bái (1), Lai Châu (1), Điện Biên (1), Thái Bình (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-61), Đắk Lắk (-46), Cà Mau (-38).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+86), Bình Dương (+61), Lâm Đồng (+34).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.272 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 870.255 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.838 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 865.558 ca, trong đó có 792.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.
  • Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (419.599), Bình Dương (226.353), Đồng Nai (59.386), Long An (33.857), Tiền Giang (15.184).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.866
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 794.846

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.522 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.186
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 447
  • Thở máy không xâm lấn: 359
  • Thở máy xâm lấn: 509
  • ECMO: 21
Ngày 19.10: Thông báo 75 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành

Trong ngày, cả nước ghi nhận 75 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (47), Bình Dương (11), Đồng Nai (5), Tiền Giang (3), Long An (2), An Giang (2), Bình Thuận (2), Cà Mau (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1).- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 83 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.344 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 101.387 xét nghiệm cho 205.160 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.137.354 mẫu cho 58.153.989 lượt người.

Trong ngày 18.10 có 1.522.598 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 64.992.488 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 46.493.751 liều, tiêm mũi 2 là 18.498.737 liều.

Hơn 143.000 người lao động đã quay trở lại TP.HCM

Khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An nới lỏng giãn cách sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh tế tại các tỉnh thành này từng bước được phục hồi. Những ngày vừa qua đã có hơn 143.000 lao động trở lại TP.HCM làm việc, tham gia phục hồi kinh tế.

Từ ngày 16-18.10, dòng người từ các tỉnh miền Tây như: Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… đã chạy xe máy qua chốt kiểm soát trên QL1 (đoạn qua H.Bình Chánh, TP.HCM giáp ranh với Long An). Phần lớn người dân quay trở lại để làm việc, một số ít thì lên TP.HCM khám bệnh theo lịch hẹn.

Theo đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, thống kê sơ bộ có khoảng 143.000 người lao động các tỉnh đã quay lại TP.HCM làm việc.

Những ngày gần đây có 2 xu hướng tích cực. Thứ nhất là người lao động từ TP.HCM trở về các địa phương giảm dần; và thứ hai là người lao động từ các tỉnh trở lại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An gia tăng.

Khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khôi phục thì phát sinh nhu cầu rất lớn về lao động. Nhóm thứ nhất là lao động chính thức, có hợp đồng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khi nhà máy đóng cửa vì dịch bệnh thì họ về quê; đến nay nhà máy khôi phục sản xuất thì họ quay lại làm việc. Nhóm thứ hai là lao động tự do, lao động phi chính thức làm việc ở công trường, nhà hàng, quán ăn…, khi TP.HCM cho phép các lĩnh vực này hoạt động thì nhu cầu lao động cũng sẽ tăng.

Hơn 143.000 người lao động đã quay trở lại TP.HCM

Ngày 18.10, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay tập trung ở các ngành nghề như: dệt may, lao động phổ thông, kinh doanh, cơ khí, điện lạnh, công nghệ thông tin, bán hàng, giao nhận… Dự báo, từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao so với hiện nay, do doanh nghiệp mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm.

Một trong những vấn đề người lao động quan tâm khi quay trở lại TP.HCM là ho sẽ được nhận được hỗ trợ, ưu đãi gì, nhiều người băn khoăn có nhận được hỗ trợ 1 triệu đồng/người hay không. Lãnh đạo một số quận, huyện cho biết gói hỗ trợ 1 triệu đồng/người chỉ dành cho những người đang lưu trú tại TP.HCM vào thời điểm lập danh sách (cuối tháng 9.2021) nên người lao động mới trở lại sẽ không thuộc diện được nhận.

Bộ Y tế chưa quyết định loại vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em

Ngày 18.10.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có kế hoạch về vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em.

Hiện Bộ Y tế chưa quyết định lựa chọn vắc xin nào để tiêm cho trẻ em, nhưng bộ này sẽ sử dụng những vắc xin Covid-19 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiêm chủng an toàn cho trẻ.

Theo Bộ Y tế, các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur sẽ xây dựng tài liệu, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương khi triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Nhóm trẻ lớn (16 - 17 tuổi) tiêm trước và sau đó mở rộng đối tượng tiêm đến nhóm nhỏ tuổi hơn.

Khi triển khai tiêm cho các trẻ dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm); các gia đình cần được hướng dẫn theo dõi phản ứng không mong muốn sau tiêm...

Bộ Y tế chưa quyết định loại vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em

Xung quanh những câu hỏi về các vấn đề mà phụ huynh cần lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp cụ thể như sau:

  • Không tự ý ngừng thuốc nếu trẻ đang điều trị bệnh lý mạn tính. Khi tiêm, phụ huynh mang theo toa thuốc, bệnh án nếu có, để bác sĩ khám sàng lọc tiêm chủng xem xét chỉ định vắc xin Covid-19 phù hợp.
  • Không trì hoãn những lịch tiêm vắc xin khác mà trẻ đang tiêm chủng. Đem theo sổ tiêm chủng những vắc xin khác của trẻ khi đến tiêm vắc xin Covid-19.
  • Trẻ em gái đến ngày hành kinh không cần tạm hoãn tiêm chủng, trừ phi trẻ đau bụng nhiều, nôn ói, mệt mỏi kèm sốt.
  • Vào trước ngày tiêm, cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm. Phụ huynh nên giải thích cho trẻ về việc tiêm vắc xin Covid-19, tạo tâm lý thư giãn thoải mái cho trẻ.
  • Cho trẻ dùng thêm một bữa ăn nhẹ một tiếng trước khi đi tiêm để tránh chờ lâu sẽ khiến trẻ đói bụng. Trẻ có thể uống những viên sủi multivitamin hoặc vitamin C (sau ăn) trước khi đi tiêm.
  • Uống nhiều nước vào ngày tiêm vắc xin có thể giúp trẻ bớt sốt.
  • Cho trẻ mặc trang phục thoải mái, rộng rãi khi đi tiêm. Nếu không có vắc xin nào khác tiêm cùng ngày thì vị trí tiêm vắc xin Covid-19 nên là tay không thuận (ví dụ trẻ thuận tay phải thì nên tiêm vắc xin tay bên trái) để giảm những khó khăn trong sinh hoạt học tập của trẻ do đau, nhức mỏi cánh tay sau tiêm vắc xin. Lưu ý không để băng keo cá nhân ở vị trí tiêm quá lâu, sau 30 phút có thể giúp trẻ gỡ ra.
  • Quan sát, theo dõi sức khỏe trẻ ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng. Dặn dò trẻ nếu có bất cứ những triệu chứng khó chịu nào nên báo ngay cho ba mẹ hoặc nhân viên y tế.
  • Sau tiêm vắc xin, phụ huynh cho trẻ về nhà nghỉ ngơi ngay, không nên đi chơi hay tham gia những hoạt động thể lực khác vào ngày tiêm chủng.

TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em theo nguyên tắc tự nguyện

Sáng 19.10, kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X bước sang ngày làm việc thứ 2 với nội dung chính là thảo luận tại hội trường về các nội dung trọng tâm. Tại kỳ họp, một số đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch đón học sinh đến trường học trực tiếp cũng như vấn đề xét nghiệm định kỳ và tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em.

Trao đổi với các đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá việc mở cửa trường học là vấn đề phức tạp, yêu cầu đặt ra là tổ chức hoạt động dạy học trong môi trường an toàn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với cử tri về tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em và đón học sinh đến trường

SỸ ĐÔNG

Về sự chuẩn bị của thành phố, các trường học trước đây được sử dụng cho công tác phòng chống dịch thì nay được sửa chữa lại. Đồng thời, ngành giáo dục sửa lại chương trình dạy và học cho phù hợp với điều kiện giãn cách, rút gọn nhưng đảm bảo được trọng tâm, trọng điểm.

Về vấn đề tiêm vắc xin, ông Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo thành phố thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng giữ nguyên “nguyên tắc tự nguyện”, tôn trọng quyết định của phụ huynh. Thành phố sẽ tập trung tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các cháu có nguy cơ như béo phì, bệnh nền để giảm rủi ro khi mở cửa trường học.

TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em theo nguyên tắc dựa trên quyết định phụ huynh

Cuối cùng, thành phố đang xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn để mở lại hoạt động dạy và học an toàn. “Vừa rồi, Thường trực UBND TP.HCM đã đồng ý tổ chức dạy học ở xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ) để thí điểm dạy học trực tiếp ở cấp tiểu học, trung học; cụ thể là các khối lớp 1, 2, 6, 9 và 12. Đây là thực tiễn để thành phố tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn trường học”, ông Mãi thông tin.

Trước đó, Sở Y tế đã có tờ trình gửi Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Dự kiến, ngành y tế TP.HCM sẽ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, số lượng khoảng 780.000 trẻ. Đây được coi là bước chuẩn bị quan trọng để đón học sinh đến trường từ tháng 1.2022.

Đề xuất tăng tần suất bay từ TP.HCM - Hà Nội

Cục Hàng không vừa tiếp tục đề xuất Bộ GTVT kế hoạch khai thác các đường bay nội địa sau giai đoạn thí điểm 20.10, bỏ quy định bắt buộc phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, đồng thời tăng tần suất bay từ TP.HCM đi Hà Nội.

Báo cáo gửi Bộ GTVT về việc khai thác các đường bay nội địa từ ngày 21.10 đến hết ngày 30.11, Cục Hàng không phân thành 2 nhóm khách khác nhau với những điều kiện khác nhau.

Cụ thể, với hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Với các chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác, hành khách cần đáp ứng 1 trong các điều kiện sau:

  • Có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.
  • Có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.
  • Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Đề xuất tăng tần suất bay từ TP.HCM - Hà Nội sau ngày 20.10

Ngoài ra, tất cả hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không tại điểm xuất phát theo mẫu. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác... Hành khách được yêu cầu luôn đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc trên chuyến bay.

Đáng chú ý, Cục Hàng không đề xuất tăng tần suất với các đường bay đông khách. Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TP.HCM và ngược lại được khai thác không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21.10 đến 14.11 và không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15.11 đến 30.11. Các đường bay khác khai thác không quá 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp. Tần suất khai thác của mỗi hãng hàng không trên từng chặng bay sẽ được tăng thêm 1 chuyến bay/ngày vào các thời điểm ngày 1.11 và 15.11, nếu hệ số sử dụng ghế trung bình trên chặng bay đó của toàn bộ các hãng hàng không trong vòng 7 ngày trước đó đạt từ 75% trở lên.

Dự kiến trong ngày 19.10, Bộ GTVT sẽ có quyết định chính thức việc triển khai đường bay nội địa sau giai đoạn thí điểm (kéo dài từ 10.10 đến 20.10).

Làm rõ phát ngôn 'chưa ai khốn khổ' của giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM

Dư luận đang xôn xao về câu nói “chưa có ai thiếu ăn, khốn khổ vì dịch” trên tiêu đề một bài báo được cho là phát ngôn được cho là của ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM. Tiêu đề của bài báo này đang là chủ đề được bàn tán trong ngày 19.10. Được biết, thông tin này xuất phát từ kỳ họp thứ 3 của HĐND TP.HCM chiều 18.10.2021.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM bế mạc trưa 19.10

NGUYÊN VŨ

Tại phiên thảo luận này, ông Lê Minh Tấn cho biết ngày 25.6.2021, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 09, nghĩa là thành phố ban hành chính sách an sinh sớm hơn chính phủ, chứng tỏ thành phố rất quan tâm đến an sinh xã hội. Sau đó, Chính phủ có Nghị quyết 86 với mục tiêu không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ.Ông Tấn giải thích rằng, nghị quyết của HĐND TP.HCM khẳng định không để ai thiếu ăn thiếu mặc chứ không phải yêu cầu tất cả mọi người đều được nhận đầy đủ chính sách. Bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách thì còn có hỗ trợ từ mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Làm rõ phát ngôn 'chưa ai khốn khổ' của ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM

Theo nội dung bài báo, ông Tấn nhấn mạnh: 5 tháng qua, dịch bệnh ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa có ai khốn khổ. Chúng ta đứng ở góc độ như thế mới thấy được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM, các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm”.Sau phát biểu này, mạng xã hội lập tức dậy sóng, nhiều người cho rằng việc khẳng định “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa có ai khốn khổ” là không thỏa đáng với thực trạng nhiều tháng qua.

Trưa 19.10, sau khi kỳ họp thứ 3, HĐND TPHCM khóa X bế mạc, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn đã trao đổi thêm với báo chí về phát ngôn gây tranh cãi này. Ông Tấn tiếp tục khẳng định quan điểm “không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ” của TP.HCM và cho biết đến nay đã hỗ trợ hơn 10 triệu lượt người thông qua 3 gói hỗ trợ, hiện đang tiếp tục thực hiện gói 3. Trước câu hỏi của phóng viên về phát ngôn được dư luận bàn tán, ông Tấn cho biết hôm 18.10 tại phiên thảo luận tổ với khoảng 30 đại biểu và một số sở ngành cùng phóng viên báo, đài dự.

Ý của ông không phải như vậy nhưng báo chí nghe không rõ nên mới đăng vậy.

Ông Lê Minh Tấn khẳng định ông không nói câu "chưa có ai khốn khổ, khó khăn" mà ý của ông là "không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ". Trách nhiệm của chính quyền là phải lo cho bà con như thế.

Theo ông Lê Minh Tấn, nhiều người khó khăn, khổ sở trong đại dịch vừa qua, đây là nằm ngoài ý muốn của bà con cũng như thành phố. Dù vậy, với khối lượng người cần hỗ trợ lớn, quá trình thực hiện của các đơn vị khó tránh khỏi việc bỏ sót. Tuy nhiên, thành phố xác định, bỏ sót đến đâu, hỗ trợ đến đó và rà soát bổ sung để kịp thời hỗ trợ. Nếu người dân có tên trong danh sách được hỗ trợ đã về quê, thành phố sẽ chờ bà con lên lại thành phố để chi hỗ trợ.

Chỉ được bán mang về, cà phê, quán ốc ở TP.HCM vẫn kín khách ngồi ăn

Hình ảnh thực tế mà phóng viên ghi nhận được vào tối 18.10 tại quán ốc ở quận 6 (TP.HCM), có đến hơn 10 người ngồi ăn nhậu chung một bàn với khoảng cách rất sát nhau, trong đó cả người lớn và trẻ em. Tất cả đều không đeo khẩu trang. Phía bên cạnh, các bàn cũng kê khá sát nhau với số lượng từ 3-5 người.

Quán ốc chật kín bàn tối 18.10.2021

Không chỉ hàng ăn, các quán cà phê cũng đón khách nườm nượp và vô tư để khách ngồi lại tám chuyện.

Ghi nhận vào khoảng 20 giờ tại một quán cà phê trên đường Tân Hóa (quận 11, TP.HCM), hầu hết các bàn đều kín khách ngồi lại ngay cả bên trong lẫn ngoài mặt tiền của quán.

Bên lề một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ thí điểm tổ chức kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ tại quận 7 hoặc một địa bàn an toàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể.

Nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố đã bị lâm vào tình trạng “cầm đèn chạy trước”, sẵn sàng cho khách ngồi lại ăn uống, tập trung đông người, thậm chí “quên” các quy định 5K trong phòng dịch Covid-19. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều quận, huyện suốt những ngày qua.

Trước nhu cầu và nguyện vọng về mở lại dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ của người dân, TP.HCM vẫn đang cân nhắc và bàn bạc các phương án để đưa ra thông báo chính thức.

Cà phê, quán ốc kín khách ngồi ăn lại khi TP.HCM chỉ cho bán mang về

Chợ Hồ Thị Kỷ mở lại, khách thỏa cơn thèm sau 4 tháng đợi chờ

Phố ẩm thực chợ Hồ Thị Kỷ, nơi được nhiều người mệnh danh là thiên đường ẩm thực thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn đã quay trở lại không khí nhộn nhịp trong vài ngày gần đây.

Thực khách tìm đến khu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ khá đông vào buổi tối

NGUYỄN MINH TÂM

Điều này khiến nhiều bạn trẻ đặc biệt là những người yêu thích ẩm thực tại Sài Gòn vô cùng thích thú, bởi lẽ con đường chỉ vài trăm mét này lại có đến hàng chục quán ăn với hàng trăm món ăn vặt hấp dẫn khác nhau.

Dù chưa đầy đủ như thời điểm trước dịch Covid-19 thế nhưng các hàng quán bán những món ăn, uống không thể thiếu tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ như: trà đào, phá lấu, chè Campuchia hay xiên que nướng tự chọn đã bắt đầu mở bán lại.

Chợ Hồ Thị Kỷ mở lại, khách thỏa cơn thèm sau 4 tháng đợi chờ

Không chỉ thực khách mà niềm vui ngày trở lại còn biểu hiện trên đôi mắt và gương mặt ẩn sau lớp khẩu trang của những chủ hàng quán tại con đường ẩm thực nổi tiếng này.

Không chỉ vì lợi nhuận, các chủ hàng quán tại khu vực chợ Hồ Thị Kỷ như lẩu bò Hoàng Thu cũng nôn nao ngày mở bán lại nhằm giữ thương hiệu cũng như để khách hàng vẫn còn nhớ đến mình.

Là niềm vui là sự thích thú, thế nhưng đâu đó nỗi lo về dịch bệnh vẫn còn hiện hữu trong tâm trí của các chủ hàng quán và cả thực khách khi ghé đến con đường ẩm thực sầm uất về đêm này.

Những du khách đầu tiên từ TP.HCM đi Tây Ninh sau giãn cách

Hơn 100 du khách đã thực hiện tour du lịch từ TP.HCM đến núi Bà Đen (thuộc tỉnh Tây Ninh) sau thời gian giãn cách xã hội. Họ hào hứng sau vì được ra khỏi thành phố, tận hưởng không khí trong lành, vãn cảnh chùa sau những ngày dịch bệnh Covid-19 căng thẳng.

Khách đi cáp treo nên "nóc nhà" Đông Nam bộ ở độ cao khoảng 986m

VŨ PHƯỢNG

Sau buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, ngày 18.10, hơn 100 du khách của từ TP.HCM đã được đi tour khép kín đến Núi Bà Đen do Công ty Saco Travel tổ chức.

Những du khách đầu tiên từ TP.HCM đi Tây Ninh sau giãn cách xã hội vì Covid-19

Tại đây, du khách được trải nghiệm Hệ thống cáp treo có 2 tuyến, rút ngắn thời gian di chuyển từ 4 giờ xuống còn 8 phút để lên đỉnh núi Bà Đen. Ga Bà Đen thuộc hệ thống cáp treo cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 10.959 m2 tại Tây Ninh.

Giá tour tham quan núi Bà Đen từ TP.HCM hiện nay là 999.000 đồng/khách

VŨ PHƯỢNG

Núi Bà Đen là điểm du lịch biểu tượng của Tây Ninh. Từ Núi Bà Đen nhìn xuống, du khách sẽ được thấy một vùng đồng bằng mênh mông bao. Trong thời gian 4 tháng đóng cửa vì dịch, nơi đây đã cải tạo cảnh quan, tạo thêm thảm xanh với điểm nhấn là những bông hoa rực rỡ sắc màu. Nhiều thời điểm trong ngày sương mù bay tạo nên khung cảnh huyền ảo cho khu du lịch.

Du khách tham gia tour phải xác nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 trong đó mũi 2 đã tiêm từ 14 ngày trở lên; hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương.

Đồng thời, du khách phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ trước khi lên xe.

Khách đến phải quét mã khai báo y tế trước khi vào tham quan

VŨ PHƯỢNG

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, thời gian này, tỉnh chỉ mới đón khách từ TP.HCM đến du lịch theo hình thức khách đoàn, chưa đón khách lẻ và cũng chưa khôi phục du lịch nội tỉnh do tỉ lệ phủ vắc xin của người dân chưa cao. Sắp tới, căn cứ vào tỷ lệ phủ vắc xin, Tây Ninh sẽ mở cửa dần với các điểm đến khác.

Nữ dân quân gửi con, xung phong đi chống dịch

Mặc dù có con nhỏ, những chị Trần Thị Thanh Thủy đã quyết định gửi con cho người thân rồi viết đơn tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở TP.Thủ Đức.

Là phụ nữ và được phân công vào đội lấy mẫu lưu động, chị Trần Thị Thanh Thủy đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của mình và sự động viên của đồng đội, chị đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chị Thủy là một trong 118 cá nhân được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh TP.HCM tặng bằng khen trong buổi lễ tôn vinh vào ngày 19.10.2021 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong số những đại biểu tham dự buổi lễ, có những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thậm chí người thân, cha mẹ không may qua đời nhưng đã gác lại chuyện riêng, biến đau thương thành hành động để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giữa lúc thực hiện nhiệm vụ chống dịch, anh Trần Tiến Thịnh đã lập bàn thờ vọng để có thể thắp hương cho cha ở ngay nơi làm nhiệm vụ. Tới thời điểm dịch bớt đi anh mới trở về thăm gia đình và thắp hương cho cha mình.

Nữ dân quân gửi con cho người thân, viết đơn xung phong đi chống dịch Covid-19

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam từ cuối tháng 4 đến nay có hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân được huy động, tham gia công tác phòng chống dịch.

Trong số đó có nhiều đơn vị, cá nhân đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Lực lượng vũ trang đã vận động, phối hợp với các đơn vị ở địa phương địa chăm lo, giúp đỡ nhân dân hơn 2.000 tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm và trang thiết bị, vật tư y tế, trị giá trên 300 tỉ đồng.

Bên cạnh 118 cá nhân và 36 tập thể được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thành phố vừa được tôn vinh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch thì thời gian qua cũng có hơn 300 tập thể, 1.000 cá nhân được các cấp khen thưởng. Trong số đó, có 1 tập thể, 1 cá nhân được đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tôn vinh; 4 tập thể, 9 cá nhân được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu tôn vinh.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 19.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.