Ngày 11.2 (theo giờ Mỹ), tức ngay trước thềm giao thừa sang năm Tân Sửu, website của Nhà Trắng đăng tải thông cáo về cuộc điện đàm trước đó một ngày giữa Tổng thống Biden và ông Tập Cận Bình. Đây là cuộc điện thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai ông kể từ khi Tổng thống Biden tiếp nhận Nhà Trắng.
Thông điệp trước đêm giao thừa
Theo đó, cuộc gọi trên kéo dài khoảng 2 tiếng vào ngày 10.2 (theo giờ Mỹ). Trong cuộc gọi, theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định: “Các ưu tiên của ông là bảo vệ an ninh, sự thịnh vượng, sức khỏe và hệ giá trị sống của người Mỹ, đồng thời duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở”.
Thông điệp này đồng nghĩa với việc tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Indo-Pacific mà nước Mỹ đã triển khai suốt những năm gần đây. Chính sách này vốn dĩ là nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo thông cáo trên, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh “những lo ngại cơ bản về các hoạt động kinh tế thiếu sòng phẳng, vấn đề Hồng Kông, tình trạng đàn áp ở Tân Cương, các hành động gây căng thẳng của Bắc Kinh trong khu vực, bao gồm tình hình eo biển Đài Loan”.
Các nội dung này đều được Bắc Kinh xem là “lợi ích cốt lõi”, nên cách đặt vấn đề của ông Biden cho thấy Mỹ không ngần ngại va chạm với Trung Quốc đại lục, ngay cả những điều từng được đánh giá là nhạy cảm hay “lằn ranh đỏ”.
Cuộc tập trận thách thức
Không những vậy, ngay trước cuộc gọi căng thẳng trên, trang mạng của Hải quân Mỹ ngày 9.2 đăng tải thông tin 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này là USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông vừa diễn ra vào ngày 9.2.
|
Thực tế, hồi tháng 7.2020, Mỹ cũng từng điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay là USS Nimitz và USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông. Đến tháng 8.2020, Trung Quốc phóng 2 tên lửa đạn đạo trong buổi sáng cùng ngày. Trong đó, một tên lửa là loại Đông Phong 21 (DF-21) phiên bản DF-21D được bắn từ tỉnh Chiết Giang và tên lửa còn lại là loại Đông Phong 26 (DF-26) phiên bản DF-26B được bắn từ tỉnh Thanh Hải. Cả hai đều được bắn đến vùng biển giữa đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa.
DF-26 là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 4.000 km, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. DF-26 có phiên bản dùng để tấn công tàu sân bay nên được Bắc Kinh giới thiệu bằng các danh xưng như là “sát thủ diệt hạm”, “sát thủ tiêu diệt tàu sân bay”.
Khi đó, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Việc Trung Quốc khai hỏa DF-21 và DF-26, vốn đều được xem là “sát thủ diệt hạm”, ở Biển Đông thể hiện ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự tại vùng biển này, sẵn sàng đối đầu với các tàu sân bay Mỹ”.
|
Chính vì thế, việc Washington một lần nữa triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận ở Biển Đông vào này 9.2 vừa qua ẩn chứa thông điệp rằng tàu sân bay Mỹ không hề ngán ngại hỏa lực của tên lửa “diệt hạm” mà Trung Quốc đang sở hữu. Sự thách thức như một cú “dằn mặt” của Washington đối với Bắc Kinh ngay trước khi Tổng thống Biden có cuộc gọi với ông Tập Cận Bình.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm về ngoại giao của đương kim Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là “vũ lực có thể là phương tiện hỗ trợ cần thiết cho ngoại giao hiệu quả”.
Thực tế, cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: “Tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu tuần dương vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Do đó, dù là một nguy cơ nhưng tên lửa siêu thanh DF-21 hay DF-26 khó có thể dễ dàng bắn hạ tàu sân bay”. Qua đó, ông Schuster cho rằng việc khai hỏa tên lửa diệt hạm để tấn công tàu sân bay Mỹ chẳng hề dễ dàng.
Chính vì thế, những gì mà chính quyền ông Biden đang thể hiện ngay trước thềm Tết Nguyên đán này là một món quà tết “khó nuốt” giành cho Bắc Kinh.
Bình luận (0)