Quan hệ Nga - Ukraine vì sao trở nên chua chát?

16/02/2022 09:12 GMT+7

Chỉ mới hơn 30 năm trước, giữa Nga và Ukraine không hề có biên giới. Ngày nay, căng thẳng giữa hai nước đang gây ra cơn khủng hoảng đối với toàn châu Âu. Quan hệ giữa Nga và Ukraine đã được định hình lại từ năm 1991, với sự tan rã của Liên Xô.

Nhiều nhà quan sát ở Ukraine và phương Tây cho rằng tình hình đã xấu đi vì Nga vẫn muốn duy trì ảnh hưởng với Ukraine. Nhưng đối với Tổng thống Vladimir Putin, việc NATO mở rộng về phía đông, gây ra nguy cơ an ninh cho Nga, đã phủ bóng đen lên quan hệ.

Dưới đây là một số sự kiện chính dẫn đến sự rạn nứt giữa hai nước Nga và Ukraine.

1991: Ukraine bỏ phiếu tách khỏi Liên Xô.

Chính phủ Ukraine tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô vào tháng 8.1991.

Vào ngày 1.12 cùng năm, một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về quyết định này được tổ chức, với 90% người tham gia bỏ phiếu đồng ý.

Khi đó, Ukraine là nơi tập trung sức mạnh nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng và quân sự của Liên Xô, cũng là nước đông dân thứ 2 trong liên bang, sau Nga. Vì vậy, việc nước này tuyên bố độc lập có tác động rất lớn, dẫn đến việc Liên Xô giải thể.

Trong những ngày đầu tháng 12.1991, Nga vẫn còn nằm trong Liên Xô, tuy nhiên Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã công nhận Ukraine là một nước độc lập chỉ một ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý của Ukraine kết thúc.

Điều quan trọng là Moscow công nhận lãnh thổ của Ukraine bao gồm cả Crimea, bán đảo bên biển Đen được nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cắt từ Nga để "tặng" cho Ukraine vào năm 1954.

Tuy nhiên, gần như ngay lập tức sau đó, giữa hai nước đã nổ ra tranh cãi về tương lai của Hạm đội biển Đen của Liên Xô đóng căn cứ tại Crimea.

1994: Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân

Khi Liên Xô tan rã, nhiều vũ khí hạt nhân của nước này vẫn còn nằm rải rác khắp các quốc gia mới độc lập. Ukraine nắm giữ số vũ khí lớn thứ 2 sau Nga, bao gồm 1.900 vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để tấn công Mỹ.

Một nỗ lực ngoại giao đã dẫn đến Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, theo đó Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và gửi đầu đạn cho Nga để tiêu hủy.

Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga cam kết “tôn trọng độc lập và chủ quyền cũng như các biên giới hiện có của Ukraine” và “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của nước này”.

2004: Cách mạng Cam

Vào mùa thu năm 2004, hàng trăm nghìn người Ukraine đã xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Họ cho rằng ứng cử viên được Moscow hậu thuẫn đã giành phần thắng nhờ gian lận.

Ông Viktor Yushchenko, người có xu hướng thân phương Tây, nhận được nhiều ủng hộ với cam kết sẽ triệt phá hệ thống kinh tế tư bản thân hữu.

Tuy nhiên, uỷ ban bầu cử lại trao phần thắng cho Viktor Yanukovych, cựu thống đốc vùng Donetsk và là một ứng cử viên thân Nga.

Cuộc cách mạng Cam diễn ra vào năm 2004 đã thay đổi cục diện chính trị ở Ukraine

ẢNH: DW

Sau các cuộc biểu tình kéo dài suốt mùa đông sau đó tại trung tâm Kiev, cuộc bầu cử được tổ chức lại với chiến thắng thuộc về ông Yushchenko.

Điện Kremlin cho rằng “Cách mạng Cam” - màu sắc của chiến dịch tranh cử của ông Yushchenco - là một phần trong âm mưu của các cơ quan tình báo nước ngoài.

2008: Ukraine tìm cách vào NATO.

Năm 2008, chính phủ Yushchenko thể hiện ý định tham gia Kế hoạch Hành động dành cho Thành viên NATO(MAP), một bước quan trọng để gia nhập liên minh quân sự NATO. Mỹ ủng hộ ý tưởng này.

Nhưng sau khi Ba Lan gia nhập NATO vào năm 1999, rồi đến các nước vùng Baltic, Bulgaria và Romania vào khối này năm 2004, Tổng thống Putin coi sự mở rộng của liên minh NATO là lớp màn che đậy những nỗ lực kiềm chế Nga. Ông đe dọa sẽ hướng vũ khí hạt nhân vào Ukraine nếu quá trình gia nhập NATO được tiến hành.

Kết quả là cố gắng của Mỹ nhằm đưa Ukraine và Georgia tham gia MAP đã ngừng lại. Thay vào đó, NATO vào tháng 4.2008 đưa ra tuyên bố với lời hứa rằng hai nước này "sẽ trở thành thành viên NATO".

Năm 2010, ông Yanukovych đắc cử tổng thống và nhanh chóng hủy kế hoạch gia nhập NATO.

2013-2014: Phong trào phản đối "Euromaidan"

Bất chấp mối quan hệ gần gũi giữa chính phủ Yanukovych với Moscow, nhiều người Ukraine tin rằng tương lai của họ là ở châu Âu.

Một cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2013 đã cho thấy rằng nhiều người dân ở phía tây Ukraine muốn gia nhập chương trình Đối tác hướng Đông của EU. Tuy nhiên, ở miền đông Ukraine đa số lại muốn tham gia liên minh thuế quan với Nga.

Ông Yanukovych đã rút khỏi thỏa thuận với EU vào phút cuối để nghiêng về phía thỏa thuận với Nga. Quyết định này đã châm ngòi cho phong trào biểu tình thu hút hàng trăm nghìn người biểu tình tại quảng trường trung tâm của Kiev. Làn sóng phản đối này đã buộc ông Yanukovych phải sang Nga lánh nạn vào ngày 21.2.2014.

Chưa đầy một tuần sau, những người đàn ông có vũ trang trong quân phục màu xanh lá cây không phù hiệu đã chiếm giữ nhà quốc hội Crimea, cô lập Crimea ra khỏi Ukraine.

Một cuộc trưng cầu được tổ chức ở Crimea vào tháng 3.2014 có kết quả là 97% cư dân tại đây đồng ý để Crimea tái thống nhất với Nga.

Ngay sau đó, các nhóm ly khai ở vùng Donbass (miền đông Ukraine) bắt đầu đòi độc lập, dẫn đến cuộc chiến cho đến nay đã làm thiệt mạng khoảng 14.000 người.

2021: Đàm phán Donbass sụp đổ

Giao tranh quy mô lớn đã lắng xuống nhưng khu vực này đang ở trong thế bí. Hai nước Cộng hòa ly khai tự xưng đã được thành lập quanh các thành phố Donetsk và Luhansk.

Hai thỏa thuận do Đức và Pháp làm trung gian đã được ký kết vào năm 2014 và 2015 tại thủ đô Minsk của Belarus.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong một cuộc đàm phán thể thức Normandy.

ẢNH: KREMLIM

Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao này không có nhiều tác dụng khi giao tranh vẫn diễn ra. Nga cho nói rằng mình không phải là một bên tham gia xung đột và chỉ đồng ý tham gia với tư cách là bên hoà giải.

Sau khi ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống Ukraine vào năm 2019, đã diễn ra sau một số cuộc trao đổi tù nhân, nhưng quan hệ giữa Moscow và Kiev kể từ đó lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Vào mùa xuân năm 2021, Nga đã điều hơn 100.000 quân tới biên giới Ukraine.

Đến tháng 11.2021, Mỹ và các đồng minh bắt đầu cảnh báo rằng Nga có thể đang lên kế hoạch đưa quân vào Ukraine. Moscow đã đưa ra một loạt các đề xuất an ninh dưới hình thức hai hiệp ước, bao gồm yêu cầu Ukraine không bao giờ gia nhập NATO và liên minh quân sự này ngừng hiện diện tại các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây.

Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện qua điện thoại hai lần ngay trước năm mới nhằm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, và một loạt các cuộc gặp đã được tổ chức vào tháng 1.2022 giữa các nhà ngoại giao Nga và Mỹ, NATO và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OECD).

Tuy nhiên đến hiện tại xung đột vẫn chưa được giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.