Trường "hot" tự chủ 100%
Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên ngành giáo dục TP.Hạ Long (Quảng Ninh) triển khai xây dựng đề án tự chủ 100% đối với học sinh tuyển mới hằng năm.
TP.Hạ Long đang xây dựng phương án tự chủ đối với Trường tiểu học Quang Trung |
lã nghĩa hiếu |
Trước đó, vào ngày 28.6, Ban Thường vụ Thành uỷ Hạ Long đã thống nhất chủ trương xây dựng “Đề án tự chủ một phần chi phí thường xuyên” đối với các trường: THCS Trọng Điểm, tiểu học Quang Trung, mầm non Hoa Hồng, mầm non Hoa Lan, mầm non Hạ Long. Riêng Trường mầm non Hạ Long không áp dụng đối với số học sinh thuộc đối tượng trong vùng tuyển, phổ cập của trường tại 2 phường: Trần Hưng Đạo và Yết Kiêu.
Được biết, nhóm các trường mầm non, tiểu học trên từ nhiều năm trở lại đây vốn là “điểm nóng” trong công tác tuyển sinh tại thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh. Bởi nhóm 5 trường này có chất lượng dạy học hàng đầu, thuận tiện giao thông nên nhu cầu của phụ huynh rất lớn dẫn đến tiêu cực tuyển sinh trái tuyến.
Điển hình như Trường THCS Trọng Điểm. Trường này được người dân hiểu như “trường chuyên” ở cấp THCS nên gia đình nào cũng muốn con em mình vào học tập dẫn đến “cuộc chạy đua” quyết liệt mỗi mùa tuyển sinh.
Cùng với đó, vấn nạn thiếu giáo viên ở trường công, đặc biệt là ở cấp học tiểu học đã khiến việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn. Ngành giáo dục Quảng Ninh đã phải “xoay tua” để có giáo viên như tăng cường giáo viên ở cấp trên xuống cấp dưới dạy, bố trí giáo viên dạy liên trường trong cùng 1 địa bàn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long, cho biết địa phương xây dựng mô hình tự chủ tại các địa bàn phải có 2 trường cùng cấp để thực hiện việc phổ cập và cho người dân lựa chọn.
Cũng theo ông Sơn, địa phương này vẫn đang xây dựng đề án tự chủ của 5 trường nói trên, sau đó sẽ trình UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Việc tự chủ trong trường công lập để tạo điều kiện giáo dục tốt nhất cho nhân dân.
Loay hoay phương án học phí
Theo UBND TP.Hạ Long, để triển khai việc tự chủ trong nhóm 5 trường công lập nói trên, địa phương này xây dựng phương án tài chính trong việc trả lương cho giáo viên; đặc biệt là học phí sẽ bám sát Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn số 95 của UBND tỉnh Quảng Ninh về tinh giản số lượng người hưởng ngân sách Nhà nước.
Một giờ học của học sinh Trường THCS Trọng Điểm |
n.h |
Có thể thấy việc trường công tự chủ khiến phụ huynh từ chỗ không phải mất tiền học phí cho con em đến việc sẽ phải đóng vài triệu đồng/năm đã ít nhiều tạo ra sự đắn đo đối với nhiều gia đình.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt dấu hỏi liệu việc tự chủ, phụ huynh phải đóng 100% học phí thì chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất có tốt lên hay không?
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại Trường tiểu học Quang Trung (P.Hồng Hải, TP.Hạ Long) cho thấy, để đón đầu việc tự chủ 100% đối học sinh lớp 1, năm nay nhà trường đã lựa chọn 6 phòng học thông minh tốt nhất.
Bà Vũ Thị Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, cho biết, ngoài lựa chọn cơ sở vật chất tốt nhất, nhà trường đã sàng lọc đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đều dạy giỏi cấp tỉnh, thành phố. Năm nay khi đã có chủ trương tự chủ, các phụ huynh đều đồng thuận, trường tuyển sinh lớp 1 với 190 học sinh (cao hơn so với chỉ tiêu của đề án tự chủ), bình quân 32 học sinh/lớp.
“Việc tự chủ 100% đối với các trường công lập là chủ trương đúng, cần có sự đồng thuận của phụ huynh để tạo môi trường học tập tốt nhất. Tuy nhiên, với mức học phí cũng cần phải đảm bảo thu nhập cho cả giáo viên, đầu tư thêm cơ sở vật chất để tạo sự khác biệt. Nhà trường cũng sàng lọc giáo viên hàng năm để có đội ngũ giảng dạy chất lượng cao”, bà Yến cho biết.
Cũng theo hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, với đề án đột phá như vậy các trường sẽ chủ động trong việc ký hợp đồng với giáo viên mới, chấm dứt tiêu cực trong tuyển sinh trái tuyến.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm này đơn vị chưa nhận được đề án tự chủ trong trường công lập của TP.Hạ Long đưa ra ở trên.
“Tự chủ trong giáo dục phổ thông hiện là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Nếu chỉ trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước thì chất lượng giáo dục không thể đột phá. Ngoài ra, việc tự chủ 100% cũng là để từng bước giảm biên chế trong ngành giáo dục tại những vùng thuận lợi để tăng cường biên chế cho vùng cao, vùng khó”, vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho biết.
Trả lời Thanh Niên, bà Châu Hoài Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết, ngày 31.8, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn năm 2022 - 2023.
Dự kiến, số lượng học sinh được hỗ trợ là gần 225.400 em, kinh phí ước khoảng 458 tỉ đồng. Theo đó, mỗi học sinh các cấp khu vực thành phố Hạ Long sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi học sinh học ở các trường học tự chủ tài chính có thể sẽ phải đóng thêm khoản tiền chênh lệch cao hơn mức 300.000 đồng/tháng nếu Đề án tự chủ giáo dục đối với 5 trường trên được thông qua, cũng như các trường đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án tự chủ một phần (10 - 20%).
Bình luận (0)