Chiều 23.8, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai, sạt lở đất ở khu vực miền núi Quảng Trị, trọng tâm là khu vực đang xây dựng các dự án điện gió ở H.Hướng Hóa. Ngoài đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương còn có các chuyên gia và chủ đầu tư điện gió tham dự.
|
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết năm 2020 thiên tai trên địa bàn diễn ra dị thường, khốc liệt, không theo quy luật... đã khiến 56 người chết, 1 người mất tích, 53 người bị thương; 3.365 nhà dân bị hư hỏng và 110.842 lượt nhà dân bị ngập nước.
Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi… hư hỏng, ước tổng giá trị thiệt hại 4.252 tỉ đồng. Trong đó, 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông thiệt hại trên 1.120 tỉ đồng.
Theo ông Hòe, Sở NN-PTNT đã nhận diện 30 xã, thị trấn thuộc 5 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ) có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, trên địa bàn H.Hướng Hóa có 26 dự án điện gió đang triển khai thi công tại 12 xã, thị trấn có nguy cơ ảnh hưởng. Trong đó, vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng gồm 12 thôn/6 xã với 147 hộ/670 nhân khẩu.
|
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, cho hay chính quyền địa phương cũng dự báo được tính cấp bách của việc bàn giải pháp chống sạt lở đất. Theo ông, địa bàn huyện đang triển khai hàng chục dự án điện gió, nguy cơ sạt lở rửa trôi trong quá trình làm đường, bãi thải, làm bồi lấp đất, ảnh hưởng dòng chảy là rất rõ ràng.
“Nhiều dự án điện gió chưa gia cố, lu lèn cẩn thận, có nguy cơ sạt taluy âm dương ở các con đường như tại các xã Tân Liên, Tân Lập, Húc, Hướng Tân... Huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư điện gió cập nhật tình huống, ban hành kế hoạch công tác phòng chống thiên tai, sạt lở đất”, ông Vân nói.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh công tác phòng chống thiên tai, sạt lở đất, đảm bảo tính mạng tài sản của người dân là nhiệm vụ hàng đầu khi mùa mưa bão đến gần. Nhất là khi dư âm của những thảm kịch sạt lở đất ở Hướng Hóa chưa lâu, mới xảy ra hồi năm ngoái.
“Từ đầu năm, tỉnh đã đánh giá những bản làng nào có nguy cơ tổn thương cao nhất để có giải pháp di dời người dân đến nơi ở mới, xây dựng các khu tái định cư. Cần thực hiện các giải pháp công trình, như xây dựng các công trình vượt lũ, kè, rọ đá… Đồng thời, có các giải pháp phi công trình như trồng lại cây rừng, chăm lo an sinh cho người dân”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng lưu ý các chủ đầu tư điện gió phải thực hiện nghiêm túc phương án tác động môi trường đã được phê duyệt, không ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. “UBND tỉnh giao các ngành NN-PTNT, Tài nguyên-Môi trường, Công thương và chính quyền thường xuyên kiểm tra lại việc thực hiện của các chủ đầu tư điện gió. Nếu các chủ đầu tư điện gió thực hiện không nghiêm túc tỉnh sẽ cảnh cáo, thậm chí đình chỉ thi công”, ông Hưng nhất mạnh.
Phát động trồng 470.000 cây keo lai ở khu vực xây dựng điện gióSáng nay 23.8, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động trồng cây xanh tại những khu vực đang xây dựng điện gió trên địa bàn H.Hướng Hóa. Tại hội nghị chiều nay, tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát động các chủ đầu tư điện gió ủng hộ kinh phí để thực hiện. Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công thương, tại buổi lễ, các chủ đầu tư đã đóng góp 700 triệu đồng, tương đương 470.000 cây keo lai giống.
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết số keo lai này sẽ được trồng liên tục để phủ xanh khoảng 100 ha đất bị ảnh hưởng do xây dựng điện gió. “Chúng tôi cũng đang vận động các chủ đầu tư chủ động trồng thêm nhiều cây thân gỗ, cây trồng miền núi có giá trị, như cây trẩu… Để sau này, khi nhà máy hoàn thành, trên là cánh quạt dưới là cây xanh, thúc đẩy du lịch địa phương”, ông Đồng nói.
|
Bình luận (0)