Quay về cố hương đón tết

20/01/2023 07:09 GMT+7

Mới đó, mà đã sắp đón tết! Khi tiết trời tháng 12 se lạnh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp quan tâm hỏi nhau về kế hoạch đón tết sắp tới.

Năm nay, hai tết cận nhau khi vừa đón Tết dương lịch xong sẽ đón Tết âm lịch. Bạn bè thế hệ 7X của tôi đa phần là dân tha hương từ các tỉnh về Sài Gòn học hành, lập nghiệp, nên mối quan tâm lớn nhất vẫn là dự định, kế hoạch được quay trở lại cố hương những ngày tết, nhất là hai năm vừa rồi tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên nhiều người vẫn chưa có dịp về quê đón tết.

Được trở lại cố hương ngày tết truyền thống sau một năm (hay nhiều năm) bôn ba xa quê kiếm sống là niềm vui và khát vọng của hàng tỉ người trên thế gian này chứ không riêng gì người Việt. Hạnh phúc lớn nhất của đời người ngắn ngủi luôn thuộc về đoàn tụ gia đình. Tết là dịp hợp lý và quan trọng nhất. Rất cảm tính cá nhân nếu cổ súy loại bỏ giá trị truyền thống không khí tết.

Người dân lên tàu về quê

Khả Hòa

Qua hơn nửa đời người phiêu dạt, chưa bao giờ tôi thôi ý định phải về quê dịp tết. Thời trai trẻ thiếu thốn là những chuyến vật vờ chen chúc ghế súp nhồi nhét trên những chiếc xe đường dài ọp ẹp cũ kỹ nồng nhiều thứ mùi; là những lần nhảy tàu lửa phải trả lệ phí cho các trưởng toa; là chuyến chạy xuyên ngày đêm trên chiếc 67 bụi bặm cùng anh bạn văn nghệ trên quãng đường quốc lộ gần ngàn cây số; là lần cuối năm đi lang thang trước chợ Bình Triệu bỗng dưng muốn về ngay, nhảy vội lên xe chỉ với bộ đồ trên người, trên đường về ghé nhà anh bạn học đại học ở chung phòng trọ mà mẹ anh ấy lúc nhìn bộ dạng mình từ xe bước vào nhà cứ tưởng tay cướp đường dài...

Có một năm không về quê, nằm bẹp tại Sài Gòn, vì lý do đặc biệt. Những ngày tết Sài Gòn, khi xung quanh nhà nhà người người đã về quê hoặc đi chúc tết, đi du lịch, cảm giác cô đơn cám cảnh đến không cùng. Ai trải qua khoảnh khắc này chắc chắn cùng chung tâm trạng, nên cá nhân tôi rất chia sẻ với những người phải đón tết xa quê.

***

Thời thanh niên ham vui, với một chút bản tính phiêu bồng, tết về quê mục đích chính để thăm ba mẹ, đoàn tụ gia đình, nhưng thực tế trên 90% thời gian ở quê tôi không có mặt ở nhà. Những cuộc vui bên chén rượu tụ họp bạn bè, tán gái..., có đêm quá giao thừa ngật ngưỡng say men theo nghĩa địa tối om lấp lóe nhang khói quanh hàng trăm ngôi mộ mò về nhà mà cứ ngỡ đang đi vào sân khấu hoành tráng! Để rồi buổi sáng hôm sau trong tiết trời miền Trung mùng một mưa lạnh, chẳng biết làm gì ba chú cháu uống hết 6 lít rượu đế Bàu Đá ông chú làm ăn xa cắc củm mang về dự kiến tiếp khách quý! Bây giờ nghĩ lại mình đã từng một lúc uống hết 2 lít rượu Bàu Đá mà không say, thì thời ấy sức trâu và quá liều mạng!

Phố phường TP.HCM bình yên trong ngày tết

Cao An Biên

Nhưng kể từ ngày ba tôi mất, tôi bắt đầu nhận ra mình phải chọn cách về quê đón tết khác. Trực tiếp nhìn cảnh mẹ già chờ gia đình các con xa về đoàn tụ thì tôi không còn nỡ bù khú ngoài đường, không còn phải tụ tập đông người chém gió. Bạn bè chiến hữu giờ họ cũng bận rộn và cũng chẳng ai nỡ trách vì ngày tết đã không còn như thời thanh xuân phiêu bồng, khi ấy tất cả là tỉ phú thời gian.

Bây giờ, những ngày tháng chạp cuối năm trong tiết trời miền Trung se lạnh, buổi sáng chờ mẹ đạp xe đi chợ quê chuẩn bị tết về, vẫn đong đầy cảm giác thời ấu thơ chờ quà là quần áo mới, giày dép mới cha mẹ nghèo tằn tiện quanh năm để sắm cho đám con thơ luôn háo hức tết.

Về quê khi không còn ba của tôi thật trống vắng. Chợt nghĩ, cảm giác sau này (chắc chắn rồi cũng sẽ đến) về quê khi không còn mẹ, khi ấy, sẽ nghĩ đến câu hỏi đặt ra: Tết, về quê để làm gì? Chắc chắn, khi ấy tết với tôi sẽ không còn hạnh phúc trọn vẹn, nhưng tôi cũng sẽ tìm về để tận hưởng không khí tết của miền cố hương nơi làng quê yên bình nằm cạnh cánh đồng ruộng lúa, bờ tre gốc rạ, con sông nhỏ gắn liền cả trời tuổi thơ thiếu thốn vật chất nhưng đầy tình yêu thương. Khi ấy cũng sẽ quay về để tự tay mang cuốc ra nghĩa địa làng giẫy cỏ trên những ngôi mộ ông bà cha mẹ người thân, đêm giao thừa nhận lại “sứ mệnh” của cha mẹ thường làm ngày nào: quần áo tươm tất, dọn bàn cúng tổ tiên ông bà phù hộ năm mới mọi sự hanh thông, tốt đẹp cho tất cả mọi người, mọi nhà, và cho chính mái ấm gia đình, cá nhân mình. Chắc chắn, khi ấy, tôi sẽ ngồi nhớ lại hình dáng gầy guộc của ba tôi và hình dáng tần tảo của mẹ tôi ngày nào, khi đấng sinh thành trực tiếp đại diện gia đình thắp nén nhang cúng đêm giao thừa tiễn năm cũ và chào năm mới.

Ngọc Thắng

***

Nhà tôi cạnh đường tàu lửa xuyên bắc - nam. Tôi cũng đã từng chờ đợi, ngồi qua bao chuyến tàu về quê ăn tết, nên quá hiểu tình cảm, tâm tư của những hành khách đang trên đường về nhà. Những ngày cận tết, mỗi lần còi tàu vang lên, là mỗi lần tâm trạng tôi vui. Tôi quan niệm còi tàu vang càng nhiều, cũng nhân thêm niềm hy vọng vì càng có thêm hàng ngàn niềm vui của người về. Những đêm giao thừa, tàu vẫn băng qua, còi tàu kéo dài hơn báo khoảnh khắc năm mới, cũng là lúc tất cả các toa tàu mở đèn sáng. Khi ấy, hành khách và cán bộ nhân viên tàu cùng chung vui giây phút thiêng liêng đón chào năm mới, cho dù khoảnh khắc năm mới họ chưa kịp đoàn tụ ngay với gia đình, nhưng rồi chắc chắn cũng sẽ đến, dù muộn còn hơn không.

Tết, về quê để làm gì? Cảm giác hạnh phúc như thế nào khi đã gần tuổi năm mươi qua nhiều thăng trầm và có may mắn từng bôn ba ta bà tứ xứ? Cảm giác rõ nhất hiện giờ có lẽ là sự thảnh thơi được ngồi trong sân vườn đầy nắng gió mát nhẹ hoa vàng nở rộ của ngày tháng chạp cuối năm để ghi vài dòng cảm xúc của đứa con xa quê đã kịp về nhà đón tết cùng mẹ già, gia đình, hàng xóm, kịp ngửi mùi đất quê quyến rũ như hương yêu mỹ nhân khi mình vừa mười tám.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.