Quen sống chậm thì có 'làm chậm' khi hết cách ly xã hội?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/04/2020 14:43 GMT+7

‘Sống chậm một thời gian thì khi hết cách ly xã hội , quay trở về công việc bình thường có khiến các bạn nhân viên trẻ làm chậm khi quay trở về công việc bình thường?', một bạn trẻ hỏi các chuyên gia.

Sáng nay, 24.4, tọa đàm trực tuyến chủ đề “Giải pháp quản lý nhân sự trong và hậu mùa dịch, cùng các chuyên gia” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội doanh nhân trẻ TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức đã diễn ra. Nhiều câu hỏi về các vấn đề lương, thưởng, cắt giảm hay bổ sung nhân sự, tái cấu trúc doanh nghiệp được các bạn trẻ đặt ra cho các khách mời. Một câu hỏi khá thú vị từ một khán giả Huỳnh Kim Huy tại Cần Thơ, nếu người lao động đã có tâm lý “sống chậm” thì liệu họ có làm chậm khi hết cách ly xã hội, và giải pháp của doanh nghiệp như thế nào?

'Làm chậm' nhưng sâu sắc thì không dở

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội dệt may Thêu đan TP.HCM, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, cho rằng dịch Covid-19 cũng đang tạo một cơ hội vàng cho quản trị nhân sự, để thúc đẩy tinh thần làm việc hiệu quả của các nhân viên. “Ví dụ công ty tôi vào tháng 4 này sẽ tái cấu trúc lại, đánh giá lại hoạt động của tất cả các phòng ban, hàng ngang, dọc xem hiệu quả đến đâu. Thời gian vừa rồi một số bộ phận được làm việc từ xa, ở nhà, tiết kiệm thời gian đi lại, công ty tôi ở Q.9, TP.HCM như vậy cũng tiết kiệm được ít nhất 60 phút mỗi ngày di chuyển”.
Chị Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Talentnet, chia sẻ: “Làm chậm” nhưng sâu sắc, hiệu quả thì không phải là dở. “Thời gian sống chậm cách ly xã hội cho con người ta được suy nghĩ về cuộc đời, hành trình của mình, những gì mà tổ chức mình đang làm việc đang diễn ra. Nên khi quay trở lại nhịp làm việc ngày thường, muốn nhân viên 'làm nhanh' lên, máu lửa hơn, thì thúc đẩy nhân viên bằng các mục tiêu dự án dày đặc, truyền cảm hứng để nhân viên thực thi. Rồi đưa ra những giải thưởng, nếu đạt được hiệu quả sẽ được thưởng như thế nào để tạo động lực, kích thích nhân viên làm việc, bởi là nhân viên các bạn nào cũng muốn chiến thắng mà”, chị Trinh nói.

Các bạn trẻ của start-up Doctor AnyWhere, ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa. Nhiều công ty, nhà khởi nghiệp đã viết lên những câu chuyện truyền cảm hứng của mình trong dịch Covid-19

Ảnh Thúy Hằng

Theo chị Trinh, thời gian Covid-19 không chỉ tạo ra những bất lợi, nó tạo ra những điểm lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ như tư duy linh hoạt, công ty có thể cho nhân viên làm việc ở nhà 20%, hoặc 30% hoặc 50%..., để nhân viên cảm thấy được vui, được tự quản trị công việc của mình. Rồi đây cũng là lúc để doanh nghiệp hiểu ra rằng không nên quá lệ thuộc vào duy nhất một đối tác nào. Cũng như đây là cơ hội để kết nối nhân viên và công ty nhiều hơn, quan tâm nhau không chỉ về công việc mà còn về đời sống, sức khỏe...
“Covid-19 khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp, nhân viên cùng viết lên câu chuyện truyền cảm hứng của mình. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chỉ là một nhóm các bạn trẻ làm start-up, cũng có thể tự viết lên những câu chuyện cho chính mình sau đợt dịch này”, chị Trinh trao đổi.

Thà cho nghỉ việc đồng loạt chứ đừng rải rác?

Một bạn trẻ gửi câu hỏi tới chương trình, nên chăng các doanh nghiệp nếu quá khó khăn vì dịch Covid-19 phải cho nghỉ việc thì cho nhân viên nghỉ một loạt, đừng nay nghỉ người này, mai cho người khác nghỉ, sẽ khiến người lao động hoang mang “bao giờ tới lượt mình đây?”.

Các khách mời tham gia diễn đàn trực tuyến sáng nay, 24.4. Từ phải qua, luật sư Thích, ông Phạm Văn Việt và chị Tiêu Yến Trinh

Ảnh chụp màn hình

Chị Tiêu Yến Trinh cho biết cần có một kịch bản cụ thể và minh bạch để nhân viên hiểu, khi đã hiểu và có sự đồng cảm, chia sẻ với doanh nghiệp, thì người lao động không bị sốc khi bị cho nghỉ việc. “Phải cho người lao động nghỉ việc là giải pháp cuối cùng, khi không còn cách nào khác nữa. Tôi không ủng hộ việc cho nhân viên nghỉ rải rác. Nhưng nếu bắt buộc phải cho nhân viên nghỉ thì phải minh bạch, đừng để nhân viên không hiểu cái gì đang xảy ra, cũng đừng cho nghỉ việc vì cảm tính, điều này có thể giữ chân lao động ngay lúc này thôi, khi có cơ hội tốt hơn là họ đi ngay chỗ khác, vì không thể nào tin tưởng một tổ chức sử dụng lao động theo cảm tính”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Talentnet, nói.
Trong khi đó, luật sư Trần Ngọc Thích, chuyên về các vấn đề lao động cho rằng, mọi người cần phải hiểu, không phải thích thì cho nhân viên nghỉ việc, mà còn cần hiểu, anh có làm đúng luật hay không. “Nếu anh làm không đúng luật, không nhận được sự thấu hiểu của nhân viên thì nguy cơ anh phải ra tòa là rất lớn. Khi đã ra tòa, nó còn ảnh hưởng tới hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp, rồi bồi thường cho người lao động, nên cho nhân viên nghỉ việc phải hợp tình, hợp lý và hợp luật”, luật sư Thích trao đổi.

Ngành nghề nào hút lao động sau dịch Covid-19?

Nhiều bạn trẻ gửi câu hỏi về chương trình, rất quan tâm việc ngành nghề, lĩnh vực nào hút lao động sau dịch Covid-19.
Chị Tiêu Yến Trinh cho rằng các ngành dịch vụ, sản xuất, du lịch sẽ rất sáng. Đặc biệt là du lịch, bởi đang có rất nhiều người quan tâm tới Việt Nam, rồi nhiều đơn vị muốn đầu tư ở Việt Nam. Hay ngành nghề đào tạo kỹ năng cho nhân sự cũng có nhiều cơ hội.
Việc tuyển dụng nhân sự, theo chị Trinh, sau dịch Covid-19 cũng vừa dễ, vừa khó. Dễ là nguồn lao động dồi dào, nhiều người trẻ du học từ các nước đang ở Việt Nam cũng sẵn sàng làm các thực tập sinh, hay như tinh thần làm việc của các bạn trẻ sẽ lên cao hơn rất nhiều, bởi sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19, hết cách ly xã hội, ai cũng sẽ trân trọng hơn, biết quý trọng hơn công việc mình đang làm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.