Quyết liệt chặn tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/08/2022 07:55 GMT+7

Đại biểu Quốc hội liên tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan về các giải pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, tội phạm công nghệ cao đang gây bức xúc.

Sáng 10.8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là bộ trưởng đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 26 đại biểu (ĐB) nêu câu hỏi chất vấn, song có tới 11 lượt ĐB tranh luận, có ĐB tranh luận tới 2 lần.

Tín dụng đen vẫn phức tạp

Tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi là vấn đề được nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu tình trạng tội phạm liên quan tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn ra phức tạp. Theo ĐB, có thực trạng bên cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên nhà, đất để thế chấp, cầm cố. Khi người đi vay không trả được nợ do lãi mẹ đẻ lãi con thì chúng sang nhượng nhà, đất đó cho người khác. Cơ quan chức năng khó khăn trong thu thập chứng cứ xử lý. ĐB đề nghị Bộ Công an cho biết giải pháp xử lý.

Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen bởi phần lớn các tổ chức tín dụng đen đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

ĐB Bến Tre cũng phản ánh tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thực trạng khi người dân vay ở các ngân hàng đến kỳ đáo hạn thì phải đi vay nóng ở bên ngoài với lãi suất cao để trả vào cho ngân hàng, sau đó làm thủ tục vay lại. “Thống đốc có biết tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến ngoài xã hội hay không và có giải pháp gì để khắc phục?”, ĐB chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Gia Hân

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết trong 3 năm qua, lực lượng công an đã phối hợp với các lực lượng liên quan trấn áp mạnh tín dụng đen nên đã kiềm chế, đẩy lùi được loại tội phạm này. Tuy nhiên, ông thừa nhận tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hình thức cho vay qua mạng internet với những băng nhóm cho vay qua app hoạt động với quy mô lớn, tại nhiều tỉnh, thành, thậm chí có cả người nước ngoài cũng tham gia điều hành, với quy mô rất lớn.

Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa.

Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải đi vay tín dụng đen. Trong đó, Bộ trưởng nhìn nhận một giải pháp căn cơ là sử dụng CCCD coi như tín chấp để thực hiện cho vay vốn. Ông cho rằng theo cách này, các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Công an “sẽ tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen bởi phần lớn các tổ chức tín dụng đen đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự”.

Tham gia trả lời ĐB, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng thực tế các tổ chức tín dụng khó có thể biết được tiền trả nợ của người vay đến từ đâu. Bà khuyến cáo hiện mạng lưới của các tổ chức tín dụng đa dạng, có chi nhánh, phòng giao dịch hiện diện ở khắp toàn quốc nên khi có nhu cầu vay vốn thì người dân cũng nên tiếp cận vay vốn từ các kênh chính thức.

Bộ Công an nhận trách nhiệm về hộ chiếu mẫu mới

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu việc vừa qua một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam và đề nghị cho biết “trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm nói Bộ Công an là cơ quan chủ trì cấp hộ chiếu mới cho công dân, nên “xin nhận trách nhiệm” và bộ cũng đã có giải pháp giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng luật Xuất nhập cảnh, phù hợp với thông lệ quốc tế và được đa số các nước chấp nhận. Hiện chỉ có Đức và CH Czech không chấp nhận do không tra cứu được nơi sinh. “Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật. Trước mắt, chúng tôi đã có giải pháp nếu công dân cần bổ sung nơi sinh thì bổ sung vào phần bị chú của hộ chiếu mới. Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu nữa thì báo cáo cơ quan liên quan, Quốc hội sửa luật Xuất nhập cảnh”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành, nhiều ĐB tiếp tục chất vấn về các giải pháp giải quyết triệt để vấn đề tín dụng đen, cho vay nặng lãi. “Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu có thể giải quyết được triệt để tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi hay không? Bao giờ thì cơ bản giải quyết triệt để?”, ĐB Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) chất vấn. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay “khi nào người dân còn nhu cầu vay và cả nhu cầu cho vay thì tín dụng đen còn có đất hoạt động”. Ông Lâm nhấn mạnh, Bộ Công an đã làm và sẽ cố gắng đi đến giải quyết vấn đề này.

Người bị hại ngày càng nhiều, phủ khắp cả nước

Vấn đề tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là hành vi đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán dữ liệu cá nhân, phát tán tin giả, xấu độc, làm mất an toàn, an ninh mạng cũng là vấn đề nhiều ĐB đặt ra trong phần chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đang tập trung tham mưu, hoàn thiện các hành lang pháp lý trong lĩnh vực an ninh mạng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và quản lý nhà nước về an ninh mạng để xử lý tình trạng nêu trên.

Cụ thể, tới đây, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng và tiến tới sẽ xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh giải pháp tiếp tục phải điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đến an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để thường xuyên ngăn chặn các tổ chức tội phạm này cũng như nâng cao ý thức cảnh giác cho người dùng, cho nhân dân và cho các cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên chất vấn ngày 10.8

Gia Hân

Chưa đồng tình với trả lời của bộ trưởng, ĐB Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng các giải pháp hiện chủ yếu là tuyên truyền phòng ngừa xã hội và cảnh báo người dân trong khi bị hại ngày càng nhiều và phủ khắp cả nước. “Bộ trưởng cần có những giải pháp gì mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn để hạn chế thấp nhất tình trạng tội phạm qua mạng ngày càng phát triển”, ĐB Hải chất vấn. Nhiều ĐB cho rằng, vấn nạn “SIM rác”, quản lý thông tin trên internet chưa tốt là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trong lĩnh vực an ninh mạng, và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết tới khi nào xử lý dứt điểm loại tội phạm này.

Phúc đáp ĐB, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận khi cơ quan chức năng có giải pháp để đấu tranh thì tội phạm lại có thủ đoạn tinh vi để vượt qua. Do đó, ông nhấn mạnh, cùng với những biện pháp đã triển khai, Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những giải pháp mới để đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm trên mạng, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.

Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

TTXVN

Về vấn đề “SIM rác”, tham gia trả lời, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2018, số “SIM rác” chưa được khai báo đầy đủ thông tin là 26 triệu. Tuy nhiên, tới tháng 6.2022, số SIM chưa được khai báo đầy đủ thông tin đã được cắt bỏ khỏi toàn bộ hệ thống. Hiện Bộ TT-TT đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, CCCD gắn chip để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao tới hết tháng 9.2022 sẽ hoàn thành.

Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý khi loại bỏ được “SIM rác” thì những hoạt động tội phạm trên mạng thông qua nhà mạng trong nước nói chung sẽ xác định được. Tuy nhiên, các nhà mạng nước ngoài sẽ khó khăn. Về câu hỏi bao giờ ngăn chặn được loại tội phạm này, Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhắc lại, càng đấu tranh tích cực thì tội phạm lại có những phương thức mới để đối phó. “Chúng tôi sẽ cố gắng để thu hẹp tình trạng này để xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh”, ông nhấn mạnh.

Khi chúng ta hình thành được một môi trường gia đình, môi trường nhà trường và môi trường xã hội đều là những môi trường văn hóa thì chắc chắn sẽ có con người văn hóa và sẽ hạn chế được mặt xuống cấp của đạo đức xã hội.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

Ghi nhận các giải pháp, cam kết của các bộ trưởng

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 2 nhóm vấn đề lựa chọn chất vấn là đúng, trúng, phù hợp với thực tế, được xã hội quan tâm. Diễn biến phiên chất vấn cho thấy tinh thần thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao của người hỏi và người trả lời.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị ĐB Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, đồng thời đồng tình và ghi nhận các giải pháp, cam kết của bộ trưởng các bộ Công an, VH-TT-DL cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã cam kết trong phiên chất vấn để phiên chất vấn thành công thực sự trên thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.