Ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19: Cần sự góp sức của toàn dân

Chí Hiếu
Chí Hiếu
06/06/2021 06:16 GMT+7

Thủ tướng tái khẳng định và xúc động kêu gọi sự chung tay, góp sức bằng tấm lòng, trái tim của cả cộng đồng xã hội để hình thành nên 'quỹ của sự nhân ái đoàn kết, trái tim kết nối'…

Chống Covid-19 là cuộc chiến đường dài và vắc xin là giải pháp quyết định, có tính chiến lược nên Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 rất cần sự góp sức của toàn dân; mọi sự đóng góp dù ít hay nhiều đều được trân trọng bởi tất cả đều xuất phát từ trái tim, từ sự đoàn kết.
Thông điệp trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ khi phát biểu tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, diễn ra tối qua (5.6), tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Bản tin Covid-19 ngày 5.6: Tất cả đang hướng về tâm dịch Gò Vấp

Sự chia sẻ của toàn dân là nhân tố quyết định

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ Đảng, Nhà nước ta xác định tiêm vắc xin là giải pháp quyết định, có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài để đạt miễn dịch cộng đồng, thoát khỏi đại dịch Covid-19. Do đó, từ rất sớm, Chính phủ đã nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn, cơ chế, sử dụng tổng hợp các nguồn lực để làm sao sớm có được vắc xin tiêm miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn cung toàn cầu còn hạn chế, lại phải ưu tiên cho các quốc gia mà dịch đang diễn biến phức tạp hơn, trong khi Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong phòng chống dịch, nên thứ tự ưu tiên phải đứng sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19

Ảnh: NHẬT BẮC

Cùng với đó, do vắc xin là chiến lược lâu dài, còn phải tiêm nhắc lại nên việc lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 là chủ trương của Đảng, Nhà nước, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động mọi nguồn lực, để chia sẻ với ngân sách nhà nước. Quỹ nhằm phục vụ cho hoạt động không chỉ mua, nhập khẩu vắc xin mà còn là nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sử dụng vắc xin phòng chống Covid-19. “Quỹ được huy động trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp. Cuộc chiến với Covid-19 bằng vắc xin là đường dài nên Đảng, Nhà nước đều ghi nhận, không kể đóng góp ít hay nhiều, bởi tất cả đều xuất phát từ trái tim, từ sự đoàn kết”, Thủ tướng chia sẻ.
Ông Lê Văn Kiểm (trái, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành) đóng góp 500 tỉ đồng

Ông Lê Văn Kiểm (trái, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành) đóng góp 500 tỉ đồng

Nhắc lại bài học mà Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân đóng góp cho Quỹ Độc lập vào năm 1945, trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, góp phần đưa kháng chiến đến thành công, Thủ tướng khẳng định sự chia sẻ, cảm thông của nhân dân là nhân tố quyết định để tin tưởng rằng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 lần này cũng sẽ nhận được ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong và ngoài nước.

Quỹ vắc xin Covid-19 nhận hàng ngàn tỉ đồng trong ngày đầu ra mắt

“Quỹ của sự nhân ái đoàn kết, trái tim kết nối”

Theo Thủ tướng, dù được ghi nhận là vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế khi là nước hiếm hoi tăng trưởng dương, nhưng dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, với chủng mới lần đầu phát hiện tại Ấn Độ và Anh có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vắc xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để tiếp tục thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển KT-XH.
Trong phương pháp chống dịch, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển KT-XH”. Theo đó, chỉ thực hiện phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao và vẫn đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch.
“Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng, và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19”, Thủ tướng tái khẳng định và xúc động kêu gọi sự chung tay, góp sức bằng tấm lòng, trái tim của cả cộng đồng xã hội để hình thành nên “quỹ của sự nhân ái đoàn kết, trái tim kết nối”…, góp phần tạo nên Việt Nam chiến thắng, để nhân dân được sống trong ngôi nhà lớn an toàn, thịnh vượng. “Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của đoàn kết, tình yêu thương”, Thủ tướng chia sẻ.

Việt Nam tiếp cận gần 125 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021

Sử dụng hiệu quả là “trách nhiệm và lương tâm”

Thủ tướng cũng không quên lưu ý các cơ quan quản lý quỹ phải một mặt tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân đóng góp được dễ dàng; mặt khác là việc quản lý quỹ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng pháp luật và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đơn vị được giao quản lý quỹ) cho biết tính đến tối qua (trước khi ra mắt), quỹ đã thu được 1.036 tỉ đồng, và con số mà các cá nhân, đơn vị cam kết là 6.600 tỉ đồng khác. “Quỹ là nguồn lực quý báu quan trọng để chống lại đại dịch. Dù là 1 đồng cũng là trách nhiệm, là kết tinh của tình yêu thương, yêu nước. Cho nên chúng tôi sẽ quản lý đúng đắn, minh bạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Khi Bộ Y tế yêu cầu và được Thủ tướng chấp thuận, chúng tôi sẽ kịp thời xuất quỹ”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, thời gian tới, nguồn cung vắc xin sẽ dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động 10.000 cơ sở y tế để khẩn trương thực hiện tiêm chủng, “không bỏ phí bất kỳ 1 liều vắc xin, 1 đồng đóng góp”. “Sự đóng góp cho quỹ vắc xin thể hiện truyền thống nhân ái của dân tộc. Nhân dân đã tin tưởng trao cho chúng ta, thì việc sử dụng hiệu quả là trách nhiệm, là lương tâm của chúng ta”, ông Long bày tỏ.
Tại buổi ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các phó thủ tướng cùng đại diện Bộ Tài chính đã trực tiếp đón nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, cũng như tặng kỷ niệm chương cho đại diện các tầng lớp nhân dân, đại diện các doanh nghiệp.
Trong đó, có những câu chuyện cảm động như em học sinh nhịn quà sáng để góp cho quỹ 100.000 đồng; hay trường hợp một cựu chiến binh dành 100 triệu đồng tiền lương hưu cho quỹ. Hoặc sự chung tay của nhiều doanh nghiệp lớn từ khối doanh nghiệp nhà nước đến các tập đoàn tư nhân, như trường hợp của Công ty Golf Long Thành đóng góp 500 tỉ đồng, sau khi đã góp 20 tỉ trong năm 2020; Tập đoàn Vingorup với 480 tỉ đồng…

Từ tháng 7, mỗi tháng Việt Nam sẽ có 5 triệu liều vắc xin Covid-19 của Nga

Một số đơn vị ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 tại lễ ra mắt

* Khối cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể:

Văn phòng Chính phủ: 500 triệu đồng
TAND tối cao: 550 triệu đồng
Ủy ban Dân tộc: 150 triệu đồng
Bộ Tài chính: 5 tỉ đồng
Ngân hàng Nhà nước: 5 tỉ đồng
Bộ Công an: 3 tỉ đồng
TP.Hà Nội: 100 tỉ đồng
Tỉnh Quảng Ninh: 100 tỉ đồng
Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: 1.016 tỉ đồng
Quỹ Xã hội từ thiện tấm lòng vàng (Tổng liên đoàn Lao động VN): 150 tỉ đồng
* Khối doanh nghiệp lớn:
Công ty Golf Long Thành: 500 tỉ đồng
Tập đoàn Vingroup - Công ty CP Vinhomes: 480 tỉ đồng
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel): 450 tỉ đồng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 400 tỉ đồng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 400 tỉ đồng
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam: 400 tỉ đồng
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước: 200 tỉ đồng
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: 200 tỉ đồng
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: 200 tỉ đồng
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: 200 tỉ đồng
Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam: 200 tỉ đồng
Tổng công ty Viễn thông MobiFone: 200 tỉ đồng
Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh: 170 tỉ đồng
Tập đoàn T&T Group: 120 tỉ đồng
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam: 100 tỉ đồng
Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland Group): 100 tỉ đồng
Tập đoàn SOVICO và Ngân hàng HD Bank: 100 tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank): 60 tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank): 60 tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV): 60 tỉ đồng
Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): 60 tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank): 60 tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Quân đội: 60 tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank): 60 tỉ đồng
Công ty CP Tập đoàn Masan: 60 tỉ đồng
Tập đoàn Hưng Thịnh: 420.000 liều vắc xin
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát: 50 tỉ đồng
Công ty CP chăn nuôi C.P VN: 50 tỉ đồng
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: 50 tỉ đồng
Công ty CP địa ốc Hải Đăng (HDMon Holdings): 50 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.