Sắp có chuỗi ngày nắng nóng kéo dài

Nguyên Nga
Nguyên Nga
27/03/2021 06:17 GMT+7

TP.HCM bắt đầu chuỗi ngày thời tiết khó chịu, nắng nóng gay gắt , trời hanh khô. Chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết mùa khô mới bắt đầu và tình trạng “khó chịu” này có thể kéo dài hơn tháng nữa.

Nắng “rát da” tiếp tục trong 10 ngày tới

Ngày 26.3, ngay từ 8 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời tại TP.HCM đã lên 330C. Đến trưa lên 34 - 360C, có nơi 380C. Từ sáng sớm, trời đã oi bức rất khó chịu. Đặc biệt, thời tiết khá thất thường. Sáng sớm sương mù nhẹ, chưa kịp tận hưởng chút không khí mát mẻ, đã rơi vào trạng thái oi bức khi mặt trời lên cao. Nắng chói chang ngay từ 10 giờ sáng, kéo dài đến 15 giờ, đi ngoài đường vào khung giờ này, mặc dù đã trùm kín khẩu trang và áo khoác, nhưng vẫn có cảm giác nắng nóng xuyên qua lớp áo, rát đến bỏng da hai cánh tay.

Tình trạng nắng gay gắt, bầu trời trong xanh, chưa có những đám mây dạng khối dày vài km nhằm cản bức xạ ánh nắng mặt trời. Thế nên trong những ngày tới, đi ra ngoài trời nắng, nhất thiết phải có những phương tiện bảo vệ chống tia UV trực tiếp vào mắt, vào da

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan

Chị Bảo Khánh (Q.Gò Vấp, TP.HCM), làm việc tại một công ty dịch vụ logistics ở Q.2, cho biết hằng ngày chị đi làm bằng xe gắn máy, mua cả loại áo khoác chống nắng trùm kín từ đầu đến chân vẫn thấy nóng. Chạy xe từ nhà lúc 7 giờ 30, đến công ty lúc 8 giờ 15, người nóng bức khó chịu như muốn... tắm lại. Chị nói: “Năm nay thời tiết nắng nóng có vẻ sớm hơn một tuần, mọi năm tầm này nắng rồi, nhưng chưa nắng hanh khô suốt ngày khiến người ngồi trong phòng máy lạnh khi ra ngoài ăn trưa về thấy khó chịu vô cùng”.
Tương tự, chị Thy Anh (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhân viên văn phòng, làm việc tại trụ sở trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), kể chị đi làm bằng xe buýt từ hơn 5 năm qua. Có thời điểm tuyến xe buýt đi không đúng phải qua 2 chặng. Thường chỉ cần một chiếc nón vải và khẩu trang, xe dừng ở đường Võ Thị Sáu, đi bộ thêm 150 m là tới văn phòng. Mấy hôm nay lúc ra về tầm 16 giờ, chị đi bộ ra trạm xe nắng còn gay gắt nên ngoài khẩu trang phải quấn thêm váy chống nắng. “Tôi vốn dĩ không thích lùm xùm váy chống nắng khi đi bộ, nhưng thấy trời bắt đầu vào mùa nắng gay gắt, phải thủ thêm váy chống nắng để bớt rát chân”, chị Anh chia sẻ.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong 10 ngày tới, thời tiết tại TP.HCM ban ngày dao động ở mức cao nhất từ 35 - 370C, ban đêm 26 - 270C; nắng nóng gay gắt, chỉ ngày thứ sáu (2.4) có mưa rào và dông. Đáng chú ý, dự báo chỉ số UV cực đại tại các tỉnh thành miền Nam, trong đó có TP.HCM được dự báo ở ngưỡng cao tới rất cao.

Nguy cơ ô nhiễm không khí cao

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan thông tin hằng năm luôn có giai đoạn nắng nóng kinh khủng, oi bức, chỉ số UV cao, không khí ô nhiễm do trời nắng nóng, không có mưa nên bụi mịn từ các công trình xây dựng, xe cộ thải ra, khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao trong tháng 4.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tăng cường kiểm soát các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản... Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong hoạt động sản xuất... rà soát báo cáo Thủ tướng trước tháng 6 năm nay. Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội có biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý; triển khai công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), hoàn thành trước ngày 31.12.2021.
TP.HCM và vùng Nam bộ đang trong giai đoạn thời tiết nắng nóng sau ngày xuân phân. Thời điểm này, mặt trời đang đi lên từ xích đạo, qua vùng Nam bộ của VN trước tiên, nên TP.HCM và miền Nam ảnh hưởng lớn bởi bức xạ mặt trời. Cường độ nóng càng tăng trong thời gian sau 10 giờ, kéo dài đến 13 giờ, đỉnh điểm là giữa trưa. Bà Lan cảnh báo cao điểm của mùa nắng nóng là chỉ số tia UV cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Tia UV có thể lên mức từ 10 - 15. Hiện tại TP.HCM đang có tia UV khá cao, hơn nhiều các tỉnh thành phía bắc, từ 10 - 11. Trong khi đó, chỉ số UV đến mức 9 đã là nguy hiểm.
“Tình trạng nắng gay gắt, bầu trời trong xanh, chưa có những đám mây dạng khối dày vài km nhằm cản bức xạ ánh nắng mặt trời. Thế nên trong những ngày tới, đi ra ngoài trời nắng, nhất thiết phải có những phương tiện bảo vệ chống tia UV trực tiếp vào mắt, vào da. Cũng do không khí càng khô nên hạt bụi lơ lửng rất nhiều, gây nguy cơ ô nhiễm rất cao. Khói, bụi mịn từ các công trình xây dựng, từ khói xe, bụi trên đường chưa được “rửa” sạch, gây nguy hiểm đến sức khỏe, bệnh đường hô hấp cho người dân”, bà Lan cảnh báo và nói thêm, giai đoạn này nắng nhiều, nhưng hơi nước chưa nhiều, thỉnh thoảng có những đám mây thưa thớt, bầu trời vẫn trong xanh, cường độ bức xạ tăng nên từ nay đến giữa tháng 4 sẽ có nhiều ngày nắng nóng. Nhiệt độ chúng ta đang công bố 36 - 370C, có lúc trên 370C là theo đo đạc trong lều khí tượng, công bố theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, thực tế trên xa lộ, đường quốc lộ, các vùng không gần hồ nước... nhiệt độ cao hơn nhiều, từ 41 - 420C.

Loạt biện pháp chống hạn, ô nhiễm không khí

Ngày 25.3, Thủ tướng có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL do ảnh hưởng bởi thời tiết. Công điện nêu, do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, tác động của thủy triều, khu vực ven biển ĐBSCL đã xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.
Theo dự báo, sau thời gian nắng nóng, trong tháng 4 năm nay sẽ xảy ra một số đợt xâm nhập mặn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36 của Thủ tướng về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở khu vực ĐBSCL. Các địa phương ven biển, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng... theo dõi diễn biến, dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn... xác định từng vùng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp trong tổ chức sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn.
Liên quan ô nhiễm môi trường không khí, ngay từ tháng 1.2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Theo nhận định của Thủ tướng, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Điều này ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Chỉ thị nêu rõ, nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả. Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh từ nay đến giữa năm 2021 phải thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.