Sau 5 tháng dân trình báo, Sóc Sơn mới lấy mẫu chất thải chôn trộm đi giám định

Lê Quân
Lê Quân
13/12/2019 15:20 GMT+7

Đầu tháng 7, người dân phát hiện bị chôn trộm lượng lớn chất thải ở gần nguồn nước , đã trình báo cơ quan chức năng nhưng phải 5 tháng sau, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mới cử cán bộ lấy mẫu chất thải đi giám định.

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, ngày 11.7, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn nhận được thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội về phản ánh của người dân liên quan đến thông tin chôn lấp chất thải tại khu vực đất trồng cây lâu năm của gia đình ông Đặng Văn Tư (53 tuổi) và anh Đặng Văn Đại (38 tuổi) ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.
Sau khi nhận được thông tin, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn đã trao đổi, phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Đồn Công an Trung Giã xác minh vụ việc.
Đến 16.8, Công an huyện Sóc Sơn nhận được đơn của ông Đặng Văn Từ và anh Đặng Văn Đại trình báo quá trình phát hiện 7 hố chôn lấp chất thải tại khu vực đất trồng cây lâu năm, gần núi Sú, thôn Lai Sơn. Thời điểm này, cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn đã xác định chất thải chôn lấp dạng bột, màu xám giống xi măng, khi máy xúc gạt lớp đất phủ trên thì xộc lên mùi hắc…
Không hiểu vì sao, đến tận 13.9, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn mới phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Viện Kỹ thuật - Công nghệ môi trường lấy 2 mẫu nước, 2 mẫu không khí xung quanh khu đất bị chôn trộm chất thải để xác định chất thải có phát tán ra môi trường xung quanh hay không.

Nhiều người dân thôn Lai Sơn bức xúc trước sự vào cuộc chậm trễ của cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn

Ảnh Lê Quân

Nhiều người dân ở thôn Lai Sơn đặt vấn đề, sau hơn 2 tháng phát hiện vụ việc, thông báo đến cơ quan chức năng thì mới có đoàn đến lấy mẫu. “Dù vậy, việc lấy mẫu lại chỉ lấy mẫu nước, không khí. Cơ quan chức năng lúc đó sao không mang chất thải đi giám định để làm rõ chất thải là loại gì? Nguy hiểm như thế nào? Ảnh hưởng môi trường ra sao? Người dân chúng tôi rất lo lắng vì trạm sản xuất, cung cấp nước sạch cho cả trăm hộ dân thôn Lai Sơn lấy nước nguồn từ giếng khoan chỉ cách nơi chôn lấp vài trăm mét”, bà Nguyễn Thị Tâm (45 tuổi), người dân thôn Lai Sơn nói.
Đến cuối tháng 9, tức sau hơn 2 tháng, Công an huyện Sóc Sơn mới có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn giao Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu chất thải đi giám định để xác định đây là chất thải nguy hại hay thông thường, làm căn cứ thu gom, xử lý.
Đến tận cuối tháng 10, Phòng Tài nguyên - Môi trường mới có báo cáo về phương án phân tích xác định loại chất thải, vận chuyển và xử lý chất thải đã chôn lấp tại thôn Lai Sơn vì nhận định chất thải chôn lấp dưới đất nên tiềm ẩn nguy cơ phát tán độc hại vào đất, nước ngầm.
Gần 1 tháng sau, ngày 22.11, UBND huyện Sóc Sơn mới có văn bản thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của công dân thôn Lai Sơn và chỉ đạo giao Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện chủ trì, phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn và một số đơn vị liên quan giải quyết vụ việc. Đầu tháng 12, huyện Sóc Sơn mới thẩm định, phê duyệt xong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phân loại xác định chất thải chôn trộm ở thôn Lai Sơn.

Ông Ngô Đăng Giang, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, đề nghị người dân ký vào biên bản lấy mẫu chất thải khi mang đi giám định

Ảnh Lê Quân

Đến ngày 11.12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn mới phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, chính quyền xã Bắc Sơn cùng với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đến lấy mẫu chất thải mang đi giám định để xác định là chất thải nguy hại hay chất thải thông thường, làm căn cứ xử lý. Dự kiến, khoảng 15 ngày sau lấy mẫu sẽ có kết quả giám định.
Theo người dân thôn Lai Sơn, mất khoảng 5 tháng sau khi phát hiện, trình báo vụ việc chôn trộm chất thải gần nguồn nước sinh hoạt của cả trăm hộ dân, huyện Sóc Sơn mới đến lấy mẫu chất thải mang đi giám định. “Nếu loại chất thải này là loại hóa chất cực độc, dễ phát tán thì hậu quả sẽ như thế nào đối với người dân chúng tôi. Hay đơn cử, số chất thải này là chất độc da cam bị kẻ xấu chôn xuống thì hậu quả sẽ ra sao?”, anh Đặng Văn Đại, chủ khu đất bị chôn trộm chất thải, bức xúc.
Ông Đặng Văn Tư, người dân thôn Lai Sơn, cho biết sau 5 tháng, cơ quan chức năng huyện mới đến lấy mẫu mang đi giám định, phải chờ thêm 15 ngày nữa mới có kết quả, sau đó chắc chắn sẽ còn phải chờ thêm thời gian để đào bới, thu gom xử lý. “Vậy là, mất đến ngót nghét nửa năm từ ngày trình báo mới được xử lý, thật không hiểu nổi quy trình xử lý của cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn”, ông Tư bức xúc.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội xác nhận chất thải bị kẻ gian chôn lấp ở thôn Lai Sơn là chất thải nguy hại

Ảnh Lê Quân

Theo văn bản của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn do ông Nguyễn Trường Giang ký đề xuất với UBND huyện Sóc Sơn, sau khi xác định được loại chất thải bị chôn trộm là chất thải nguy hại sẽ hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
Trường hợp là chất thải công nghiệp thông thường thì đề xuất thu gom, vận chuyển đến bãi rác Nam Sơn xử lý. Nguồn kinh phí xử lý tạm thời do UBND huyện Sóc Sơn bố trí.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội) cho biết đã xác định chất thải bị kẻ gian chôn trộm tại khu vực núi Sú (thôn Lai Sơn) là chất thải nguy hại. Trong đó, có thành phần là mủ pin điện thoại như thông tin người dân cung cấp. Bên cạnh đó, còn nhiều thành phần hữu cơ, kim loại nặng khác bị kẻ gian chôn trộm xuống đất.
Trong một văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn do thượng tá Nguyễn Văn Ngân, Phó trưởng Công an huyên Sóc Sơn, ký nêu cơ quan này tiếp tục điều tra, truy tìm thủ phạm chôn trộm chất thải trái phép để xử lý, đồng thời, yêu cầu chi trả toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đã chôn trộm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.