Sau cơn đột quỵ, người đàn ông 'mất ngôn ngữ' 6 năm

10/01/2024 21:51 GMT+7

Người đàn ông bị đột quỵ dẫn đến di chứng tổn thương não trái, gây 'mất ngôn ngữ' suốt 6 năm đã phục hồi ngoạn mục.

Ngày 10.1, tin từ Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa chữa trị thành công cho người đàn ông bị "mất ngôn ngữ" 6 năm sau cơn đột quỵ.

Bệnh nhân là ông Đ.T.A (42 tuổi, ngụ tỉnh Thái Nguyên), bị đột quỵ cách đây 6 năm. Do bị lỡ "giờ vàng" dẫn đến di chứng tổn thương não trái gây nói khó.

Sau cơn đột quỵ, người đàn ông 'mất ngôn ngữ' 6 năm- Ảnh 1.

Ông A. hồi phục chức năng ngôn ngữ ngoạn mục sau 6 năm nói khó

BVCC

Qua người quen giới thiệu, gia đình quyết định đưa ông A. đến Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị.

Sau 3 tháng điều trị, ông A. đến Phòng khám đa khoa quốc tế S.I.S Đà Nẵng tái khám, sức khỏe có sự cải thiện thần kỳ. Ông không chỉ nói được những từ dài hơn mà còn có thể viết chữ như bình thường, trở nên vui vẻ và tự tin hơn rất nhiều so với trước đây.

Bà T., vợ ông A., cho biết 6 năm trước, sau khi đột quỵ thì khả năng viết, đọc và nói của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng; có khi không nói được từ nào, có khi nói được từng từ ngắn đơn giản như ăn, cơm, ngủ, tắm… Sau khi đến Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, chữa trị, sức khỏe hồi phục ngoạn mục.

Sau cơn đột quỵ, người đàn ông 'mất ngôn ngữ' 6 năm- Ảnh 2.

Trải qua cơn đột quỵ cách đây 6 năm, do lỡ giờ vàng cấp cứu dẫn đến di chứng tổn thương não trái khiến bệnh nhân nói khó

BVCC

TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết trường hợp ông A. bị đột quỵ khá hiếm gặp. Bệnh nhân không bị yếu liệt mà chỉ bị ảnh hưởng đến chức năng ngôn ngữ, như nói khó, viết khó, đôi khi không hiểu và không thể diễn đạt. Vị trí tổn thương trên não thường là thùy thái dương bên trái (trung tâm ngôn ngữ) với người thuận tay phải. Dạng đột quỵ này rất dễ bị bỏ sót và điều trị muộn màng vì triệu chứng thường nhẹ và diễn tiến từ từ. Tuy nhiên, nếu mức độ nặng có thể gây mất ngôn ngữ hoàn toàn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

BS Cường khuyến cáo, khi gặp tình trạng mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó là 3 dấu hiệu kinh điển để nhận ra một trường hợp đang bị đột quỵ. Tuy nhiên, trong cộng đồng vẫn còn nhiều người không biết, chủ quan, nghĩ là trúng gió. Với sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện nay, nếu bệnh nhân nhận biết và đến bệnh viện trong thời gian vàng thì cơ hội được cứu sống do đột quỵ nhồi máu não đạt trên 90%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.