Báo cáo của ngành hải quan cho biết, trong tháng 3 xuất khẩu rau quả đạt trên 346 triệu USD, tăng 7,1 % với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 1/2023 đạt gần 911 triệu USD tăng 3,6 % so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của như: thanh long, sầu riêng, mít, chuối… vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và được thị trường Trung Quốc đón nhận tích cực. Đáng chú ý, mặt hàng sầu riêng trái vụ của Việt Nam đã trở thành sản phẩm độc quyền tại thị trường này, nhờ vậy giá bán tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Dự báo những mặt hàng nông sản Việt Nam đã ký nghị định thư với Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất khẩu thuận lợi nhờ nhu cầu thị trường cao.
Ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường quan trọng khác cũng tăng trưởng ấn tượng như: Hàn Quốc đạt 27 triệu USD, tăng 13%; Nhật Bản đạt hơn 23 triệu USD, tăng 17%; Hà Lan đạt gần 20 triệu USD, tăng 70%... Ngược lại, Mỹ là thị trường quan trọng thứ 2 của ngành rau quả Việt Nam, chỉ đạt 32 triệu USD, giảm đến 19%.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 3, Việt Nam nhập khẩu rau quả đạt gần 137 triệu USD tăng 9,6% so với tháng trước nhưng giảm 4,9 % so với cùng kỳ 2022. Tổng nhập khẩu quý 1/2023 đạt 410 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, cả quý 1/2023 Việt Nam xuất siêu rau quả hơn 500 triệu USD.
Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam với giá trị hơn 113 triệu USD, tăng 17%. Bên cạnh đó, nhập khẩu trái cây từ Ấn Độ tăng gần 3 lần từ 3,4 lên 9,1 triệu USD với sản phẩm đáng chú ý như lựu; còn thị trường Chile từ 2,7 lên 7 triệu USD, với mặt hàng cherry có giá khá thấp.
Bình luận (0)