Các nhà khoa học đang tiến một bước gần hơn tới việc phát triển viên thuốc giảm cân thần kỳ - giúp thon gọn mà không cần ăn kiêng hay tập thể dục, tờ Daily Mail đưa tin.
Họ đã thử nghiệm phiên bản đầu tiên dạng tiêm cho thấy chuột được ăn theo chế độ ăn giàu chất béo, đường và calo, vẫn không bị tăng cân, và giảm các bệnh do béo phì gây ra.
Nghiên cứu đã đạt được kết quả gì?
Trong nghiên cứu trên động vật, những con chuột được cho ăn theo chế độ ăn nhiều chất béo của phương Tây (40% chất béo) và một chế độ ăn khác gồm 17% chất béo.
Sau 20 tuần ăn, những con chuột sau đó được dùng thuốc hoặc giả dược, với liều lượng 3 ngày một lần trong 6 tuần tiếp theo.
Kết quả cho thấy những con chuột được tiêm thuốc đã không tăng cân ngay cả khi áp dụng chế độ ăn giàu chất béo, theo Daily Mail.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy bên cạnh việc duy trì cân nặng, những con chuột này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và bệnh gan nhiễm mỡ.
Họ giải thích rằng do loại thuốc này ngăn ngừa béo phì - yếu tố nguy cơ chính gây ra những tình trạng trên.
Tiến sĩ Muniswamy nói rằng: Một loại thuốc có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa tim mạch như đau tim và đột quỵ, đồng thời làm giảm tỷ lệ mắc ung thư gan, có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, sẽ có tác dụng rất lớn.
Đang phát triển loại thuốc viên thử nghiệm trên người
Các nhà sản xuất thuốc, từ Đại học Texas (Mỹ), hôm 22.3 tuyên bố họ đang phát triển phiên bản thuốc viên và hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người trong năm nay.
Loại thuốc này - có tên là CPACC - là một phân tử nhỏ hoạt động bằng cách ức chế sự hấp thu magie của ty thể trong tế bào.
Nhóm nghiên cứu hiện đang xin bằng sáng chế cho loại thuốc này.
Người dẫn đầu nghiên cứu, tiến sĩ Madesh Muniswamy, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas, nói rằng: Bước tiếp theo của chúng tôi là tiến hành một số dược động học trước khi nghiên cứu thí điểm trên người.
Chúng tôi không thấy bất kỳ tác dụng phụ nào. Đặc biệt, chức năng gan và tim bình thường sau khi tiêm thuốc 2 lần một tuần. Chúng tôi đang tìm kiếm các tình nguyện viên và nguồn tài trợ để tiến hành các thử nghiệm trong 6 tháng đến 1 năm tới, tiến sĩ Muniswamy cho biết, theo Daily Mail.
Bình luận (0)