Sợ máu học điều dưỡng, say xe học du lịch và cái kết bất ngờ

15/03/2023 14:41 GMT+7

Bạn thích công việc tỉ mỉ, cẩn thận, chăm sóc người khác nhưng lại sợ máu, vậy có học điều dưỡng được không? Hay bạn luôn khao khát trở thành hướng dẫn viên du lịch nhưng lại say xe, biết làm như thế nào?

Sợ máu học điều dưỡng, say xe học du lịch và cái kết bất ngờ - Ảnh 1.

Những nữ sinh phố núi Đức Trọng trong chương trình Tư vấn mùa thi 2023 của Báo Thanh Niên

BÁ DUY

Không phải lúc nào mọi yếu tố cũng đủ đầy, sẵn sàng cho bạn khi lựa chọn ngành nghề tương lai của mình. Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT Đức Trọng, H.Đức Trọng, Lâm Đồng tuần qua, chúng tôi lắng nghe được nhiều câu chuyện của những bạn trẻ trên con đường đi theo đam mê của chính mình.

Có những nỗi sợ không phải để đè bẹp ước mơ

Trần Thanh Duy, 21 tuổi, quê ở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng vốn rất say xe, cứ nghĩ tới chuyện đi ô tô là thấy trong người nôn nao. "Tuy nhiên, nghề du lịch là đam mê bất diệt trong con người em", Duy chia sẻ.

Duy cho biết sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xinh đẹp như Bảo Lộc, chắc chắn học ngành du lịch cũng sẽ không lo về việc làm. Đặc biệt, với ngành học này bạn có thể làm việc ngay trên quê hương và giúp mảnh đất phố núi này thêm thu hút du khách đến.

"Nỗi sợ hãi say xe bỗng trở nên nhỏ bé hơn trước niềm đam mê ngành học của em. Càng sợ cái gì thì lại càng phải học để đối diện và khắc trị nó", Duy nói về lý do chọn ngành Quản trị nhà hàng khách sạn của Trường ĐH Yersin, TP Đà Lạt, Lâm Đồng và tới nay đã là sinh viên năm 3.

Sợ máu học điều dưỡng, say xe học du lịch và cái kết bất ngờ - Ảnh 2.

Trần Thanh Duy (thứ 2 từ phải qua)

BÁ DUY

Đến nay, Duy tự hào cho biết "em đã chữa được bệnh say xe 50% rồi". Để minh họa cho việc "chữa" được, Duy vui vẻ kể: "Mới đây cả lớp em có chuyến đi tour trải nghiệm trong vòng 10 ngày, để thực hành những kiến thức đã được học. Tụi em đi bằng ô tô di chuyển khoảng 400 km thì trung bình cứ khoảng 10 km, em lại ói một lần. Đến khi xuống xe thì trong bụng không còn chút gì. Nhưng em vẫn không hối hận vì đã học ngành này".

Trong chương trình Tư vấn mùa thi vừa qua, Duy và những người bạn học ngành du lịch, lữ hành, quản trị nhà hàng khách sạn ở Trường ĐH Yersin đã tự tin đứng bên các bàn tư vấn để kể câu chuyện của mình cho những học sinh lớp 12 đang băn khoăn trước ngưỡng cửa ĐH, CĐ. Duy nói với các em học sinh rằng: "Có những nỗi sợ không phải để đè bẹp ước mơ, niềm yêu thích của mình với một điều gì đó. Cách tốt nhất là hãy đối diện và bước qua".

Nhìn thấy cơ hội từ khó khăn

Trong ngày hội Tư vấn mùa thi cuối tuần qua tại Lâm Đồng, chúng tôi cũng gặp 4 nữ sinh viên ngành điều dưỡng Trường ĐH Yersin là Đỗ Cẩm Nhi, Vũ Minh Anh, Đoàn Thị Yến Nhi, Nguyễn Thị Hồng Vi. Các bạn đều đang học ngành điều dưỡng năm thứ 2.

Sợ máu học điều dưỡng, say xe học du lịch và cái kết bất ngờ - Ảnh 3.

Các nữ sinh viên ngành điều dưỡng giúp học sinh thử nhóm máu tại ngày hội Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Trường THPT Đức Trọng

THÚY HẰNG

Sợ máu học điều dưỡng, say xe học du lịch và cái kết bất ngờ - Ảnh 4.

Không có công việc nào dễ dàng, cũng không có nỗi sợ nào có thể che lấp ước mơ của mỗi người

BÁ DUY

Đỗ Cẩm Nhi cho biết, ngày trước học phổ thông, đi đâu bạn cũng mang theo băng keo y tế bên mình, tính cách cẩn thận và thích chăm sóc người khác nên chọn ngành điều dưỡng.

Còn nữ điều dưỡng viên tương lai Vũ Minh Anh cho hay không phải ai học điều dưỡng cũng ngay lập tức hội tụ đầy đủ mọi tố chất, yếu tố cần và đủ của nghề này, chẳng hạn có bạn từng rất sợ máu, sợ kim tiêm. Tuy nhiên, khi đi học, được thực hành, được rèn luyện về nghề điều dưỡng thì mọi người đều quen và dần dần không còn sợ nữa, theo Minh Anh.

Đáng chú ý, nhiều nữ sinh viên cho biết một trong các lý do bạn chọn ngành điều dưỡng bởi thấy cơ hội việc làm với ngành này luôn rất cao. Đặc biệt, nếu học tốt ngoại ngữ thì sinh viên có thêm nhiều cơ hội như thực tập sinh ở nước ngoài hay làm việc ở nước ngoài với mức lương tốt.

Không có nghề nào là đơn giản, dễ dàng, nhưng theo những nữ sinh viên năm 2, họ đã nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển bản thân trong khó khăn.

Chắc chắn hơn về lựa chọn của mình

Chương trình Tư vấn mùa thi năm thứ 25 của Báo Thanh Niên tại Lâm Đồng cũng giúp chúng tôi được gặp nhiều học sinh dễ thương. Nhiều học sinh gửi lời cảm ơn tới chương trình vì đã giúp các bạn chắc chắn hơn về sự lựa chọn của mình.

Sợ máu học điều dưỡng, say xe học du lịch và cái kết bất ngờ - Ảnh 5.

Các nữ sinh Trường THPT Đức Trọng cho biết đã tự tin hơn về quyết định của mình sau khi tham dự chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên

NGỌC LONG

Bùi Thị Thúy Điệp, học sinh lớp 12D5 Trường THPT Đức Trọng, cho biết bạn yêu thích ngành Digital marketing và muốn thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Khi được gặp gỡ, lắng nghe nhiều chuyên gia trong chương trình, bạn đã chắc chắn hơn về sự lựa chọn nghề nghiệp.

Trong khi đó, Phạm Thị Hạnh Nguyên, lớp 12D7, cho hay sẽ thi vào ngành sư phạm mầm non. "Nhiều người nói nghề này vất vả, lương thấp, công việc cực nhọc nhưng em rất yêu con nít. Em đã nhìn thấy chị họ của em được làm việc mỗi ngày ở trường mầm non rất vui với trẻ nhỏ. Đó cũng là hướng đi của em trong tương lai", nữ sinh bày tỏ.

Sợ máu học điều dưỡng, say xe học du lịch và cái kết bất ngờ - Ảnh 6.

Những bạn trẻ trong câu lạc bộ "Nốt nhạc học đường" biểu diễn một tiết mục trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Trường THPT Đức Trọng

BÁ DUY

Trong khi đó, chàng trai Võ Huy Hoàng, lớp 12 Trường THPT Đức Trọng, cho hay dự định về nghề nghiệp trong tương lai đến từ những điểm mạnh của cá nhân bạn. Huy Hoàng chính là người biên đạo và tập luyện cùng các thành viên câu lạc bộ "Nốt nhạc học đường" để mang đến chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên một tiết mục nhảy sôi động.

Từ sự tự tin được tôi luyện sau nhiều lần biểu diễn trên sân khấu cũng như khả năng quảng giao có sẵn, nam sinh mong muốn trở thành một nhà truyền thông trong tương lai. Vì thế, Huy Hoàng cho hay đã quyết định "Bắc tiến" hơn 1.500 km để ứng tuyển vào các trường ĐH tốp đầu về ngành truyền thông, quan hệ công chúng tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.