Sốc nhiệt ở Âu, Mỹ

22/07/2022 06:52 GMT+7

Sóng nhiệt đe dọa châu Âu và một loạt tiểu bang Mỹ là minh chứng cho thấy con người đang đẩy thời tiết trái đất đến ngưỡng ít phù hợp với sự sống hơn, nhưng lại không chuẩn bị cho điều đó.

Theo trang Axios, tính đến ngày 19.7, hơn 1.900 người ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thiệt mạng trong vòng 1 tuần vì sóng nhiệt. Con số này dự kiến còn gia tăng khi thời tiết nóng bức đang lan sang các khu vực khác của châu Âu.

Nắng nóng ở Brussels, Bỉ hôm 19.7

Reuters

Bắc bán cầu như lò lửa

Theo Đài CNN, sóng nhiệt châu Âu đang dịch chuyển sang hướng đông, tràn vào khu vực rộng lớn của lục địa và trải dài từ Đức đến Thụy Điển. Thời tiết nóng bức và hanh khô đã dẫn đến cháy rừng hàng loạt. Khói từ các đám cháy bao trùm một phần Ý, Hy Lạp và Pháp. Đức ghi nhận ngày nóng nhất trong năm khi nhiệt độ hôm 20.7 tăng lên 40,3 độ C ở Bad Mergentheim-Neunkirchen (miền trung nước này). Bên cạnh đó, nhiệt độ gần 38 độ C đã xảy ra tại nhiều vùng của Hungary và Ý.

Bồ Đào Nha ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong do đợt nắng nóng kỷ lục

Hệ thống Thông tin cháy rừng châu Âu đã liệt kê 19 quốc gia vào danh sách cảnh báo cháy rừng ở cấp “vô cùng nguy hiểm”. Những khu vực cảnh báo cháy bắt đầu từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha ở phía tây nam châu lục kéo dài đến Albania và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông nam. Trong đó, nhiệt độ ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đồng loạt vượt ngưỡng 40 độ C. “Nhiệt độ cao và hạn hán kéo dài là hai yếu tố then chốt dẫn đến cháy rừng, và gần đây miền nam châu Âu hội tụ cả hai điều kiện này”, Đài CNBC dẫn lời bà Alexandra Naegele, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu thời tiết Woodwell (trụ sở tại Massachusetts, Mỹ). Tại Ý, cháy rừng ở vùng Tuscany đã làm nổ các bồn gas, buộc chính quyền địa phương phải sơ tán người dân trong đêm 20.7.

Chuyện gì đang xảy ra?

Nhà khí tượng học Alyssa Smithmyer của AccuWeather (trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ) phân tích tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục ở miền tây và trung Âu đến từ thời tiết gọi là “vòm nhiệt”. Theo đó, vòm nhiệt là thuật ngữ chỉ một vùng áp suất cao trải rộng bên trên một khu vực, bám trụ nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần. Bên cạnh việc khóa chặt khối lượng không khí nóng ở bên dưới, vòm nhiệt cũng hạn chế khả năng tạo mưa ở khu vực. Nhiệt độ quá nóng cũng khiến ô nhiễm không khí tăng cao, đặc biệt là ozone, đe dọa sức khỏe con người và dẫn đến các bệnh đường hô hấp và tim mạch.

Trong khi đó, Anh tạm thời thoát bầu không khí nóng bức sau khi nhiệt độ ở mức cao kỷ lục mọi thời đại hôm 19.7. Tuy nhiên, một số khu dân cư xung quanh London chỉ còn lại đống đổ nát vì hỏa hoạn. “Hôm 19.7 là ngày tất bật nhất đối với lực lượng cứu hỏa London kể từ thế chiến thứ hai”, theo Sky News dẫn lời Thị trưởng London Sadiq Khan. Trong ngày này, lực lượng cứu hỏa tiếp nhận hơn 2.600 cuộc gọi báo cháy, so với mức trung bình là khoảng 350 cuộc gọi. Tổng cộng 41 bất động sản ở London bị phá hủy và 16 lính cứu hỏa bị thương. Nhiều tuyến đường sắt và trường học ở Anh phải đóng cửa phòng nguy hiểm.

Sóng nhiệt "nướng" nước Mỹ, nhiệt độ cao vượt trội cùng kỳ năm ngoái

Mỹ khắc nghiệt không kém

Tại Mỹ, đợt sóng nhiệt nguy hiểm vừa qua chỉ tập trung ở một số khu vực ở miền nam giờ đây đã lan khắp nước này, theo tờ USA Today. Hơn 25 tiểu bang từ California đến New England nằm trong diện cảnh báo nhiệt, tổng cộng hơn 110 triệu dân bị ảnh hưởng. Những nơi nóng nhất vẫn là miền tây nam và trung nam của Mỹ, với nhiệt độ hơn 38 độ C ở một số vùng, bao gồm Texas. Vài thành phố của Texas ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, bao gồm Wichita Falls (46,1 độ C hôm 19.7) và Abilene (43,33 độ C hôm 20.7).

Cháy rừng ở Brittany (Pháp) hôm 19.7

Reuters

Những khu vực của Thung lũng Ohio và miền đông bắc, bao gồm TP.New York (New York), Philadelphia (Pennsylvania) và Boston (Massachusetts), cũng nằm trong danh sách cảnh báo nhiệt. Tại TP.New York, người dân được khuyến cáo không tham gia các hoạt động ngoài trời trong những ngày tới để tránh “tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến sốc nhiệt và gây bệnh”, Đài CNN dẫn lời ông Jackie Bray, Cao ủy An ninh nội địa và dịch vụ khẩn cấp bang New York. Ở Boston, Thị trưởng Michelle Wu tuyên bố tình trạng khẩn cấp và mở cửa ít nhất 12 trung tâm công cộng cho người dân tránh nóng. Giới chức cũng nhanh chóng lắp đặt hơn 50 khu vực phun nước ở công viên và khu vui chơi.

Người Việt ở châu Âu: Đi lại hạn chế, kinh doanh ế ẩm vì nắng nóng kỉ lục

Người Việt ở châu Âu chống chọi với nắng nóng

Ảnh

Dòng người xếp hàng tham quan Vatican hôm 18.7 trong thời tiết 38 độ C

NVCC

Trao đổi với Thanh Niên, anh Lý Dật Thụ (28 tuổi) đang theo học ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học Rome (Ý), đồng thời là hướng dẫn viên du lịch, cho biết thời tiết này làm mọi người nhanh mất nước và kiệt sức. “Hai ngày trước, tôi dẫn một đoàn khách đi Vatican dưới cái nắng 38 độ C. Du khách xếp hàng vào Tòa thánh rất đông. Sau một lúc, khách của tôi đã đề nghị bỏ điểm tham quan này vì không chịu nổi cái nóng”, anh Thụ kể.

Anh Thụ cũng cho biết vào cuối tháng 6, lần đầu tiên trong đời anh phải nhập viện gần một tuần vì sốc nhiệt trước tần suất làm việc dày đặc. “Nắng nóng làm người ta ăn kém, ngủ kém, chỉ ngồi thôi cũng cảm thấy mệt, ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều”, anh Thụ nói.

Dù thời tiết như vậy, anh Thụ cho biết các tòa nhà ở Ý và nhà dân hiếm khi có điều hòa không khí vì đa số là công trình kiến trúc cổ, trừ khách sạn và căn hộ cho khách du lịch thuê. Vì vậy, người dân thường tránh nóng vào mùa hè bằng cách đi du lịch ở sông, hồ, biển. “Nhưng những người bận rộn như tôi chỉ có thể chịu trận trong chảo lửa này thôi”, anh Thụ chia sẻ.

Chị Nguyễn Minh Tâm, sống tại Paris (Pháp), thì mô tả việc mở cửa bước ra đường những ngày này hệt như “bước vào lò nướng”. Chỗ chị làm việc có lắp điều hòa, nhưng vẫn cảm thấy rất nóng. Chị Tâm cho biết các ga xe lửa thậm chí còn phát nước uống cho người dân.

Tuy vậy, chị Tâm nói Pháp đã có mưa vào những ngày gần đây, giúp không khí dịu lại. Theo chị Tâm, mỗi năm ở Pháp thường chỉ có 1 - 2 ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C. “Hồi tháng 5 có một ngày như vậy và vài khách hàng của tôi đã gọi đến hoãn lịch hẹn. Hai ngày trước nắng nóng lên đến đỉnh điểm, nhưng việc kinh doanh của tôi vẫn bình thường vì bây giờ đang là mùa du lịch”, chị Tâm chia sẻ.

Như Trần

Trong lúc châu Âu và Mỹ oằn mình trước cái nóng khắc nghiệt, ông Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), cảnh báo “trong tương lai, dạng sóng nhiệt như thế này sẽ trở thành chuyện bình thường”. “Chúng ta đã thải quá nhiều khí CO2 vào không khí, dẫn đến xu hướng tiêu cực này sẽ còn tiếp diễn trong những thập niên tới. Trên bình diện toàn cầu, chúng ta vẫn chưa giảm được khí phát thải”, Đài CNBC dẫn lời ông Taalas. Ông hy vọng những gì đang xảy ra ở châu Âu và Mỹ sẽ là lời cảnh tỉnh cho các chính phủ, để nhanh chóng thay đổi cách thức con người đang đối xử với hành tinh chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.