Sỏi đá nở hoa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Nhàn

11/10/2024 16:00 GMT+7

"Đạo đức và ý chí mới là thứ làm nên giá trị một con người!", quý tặng chú Trần Đức Hiển!

1. Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện bằng một tin vui: đầu hè, chị Hòa Liễu làm công tác thiện nguyện gọi điện cho tôi, bảo nhà hảo tâm (cũ) sẽ giúp gia đình Hờ Ly sửa sang lại ngôi nhà vẹo vọ, đặc biệt còn hứa sẽ hỗ trợ cho đến khi nào Hờ Ly hết học mới thôi. Ôi, tôi reo to vì niềm hạnh phúc đã quá sức tưởng tượng. Nhưng câu hỏi khổng lồ lại lần nữa hiện ra. Quý nhân bí ẩn này là ai? Là ai mà luôn xuất hiện như ông Bụt mỗi khi nghe tiếng khóc khổ đau của ai đó ở xóm núi này. Hỏi nhiều lần nhưng chị Hòa Liễu chỉ bảo "bạn của một người bạn". Giúp đỡ thầm lặng, đó là cảnh giới cao nhất của lòng nhân ái. Tôi ngấm ngầm ngưỡng mộ vị Bồ Tát sống này.

Sỏi đá nở hoa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Nhàn- Ảnh 1.

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

2. Sắp hết hè, Thanh Thương - cô bạn thân thời phổ thông đang làm cho một công ty du lịch ở Nha Trang về thăm quê, tranh thủ hú tôi cà phê. Thấy nhau chưa kịp cười chào, tôi đã bị nàng hét hô rần rần:

- Làm quái gì mà thê thảm như chiếc lá mùa thu năm ngoái còn sót lại vậy mày? Nếu còn chút tự trọng đàn bà, phải sống đàng hoàng hơn sau sang chấn. Một trong những cách lên dây cót hay nhất là du lịch. Tao quyết định luôn, mày phải là khách của tour du lịch sắp tới ở đảo Điệp Sơn của tao đấy. OK?

- Ừ, thì đi.

Lên thuyền, tôi đã cố chọn ngồi bên một chị dịu dàng nhưng chị ấy lại di chuyển liên tục. Thuyền dập dềnh, cuối cùng một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc phóng khoáng đã "trôi" lại bên tôi.

- Hình như em người Bình Định hoặc Phú Yên?

- Dạ, Phú Yên "chính chủ".

Tôi chỉ nói vậy rồi cười nhẹ, nhìn lơ đễnh đi chỗ khác. Sau ngần ấy đau thương, giới hạn tôi đề ra là bớt trò chuyện với đàn ông. Nhưng đàn ông này, vẻ không muốn dừng:

- Hùng Lâm là tên tôi. Còn em, cô giáo tên gì?

- Ủa, em có sơ hở gì sao?

- Không có. Anh đoán thôi, trông em dịu dàng và vì mùa hè giáo viên thường đi du lịch.

Tôi trả lời tên Dung và khuyến mãi thêm nụ cười "vô tri" để giảm bớt sôi nổi.

- Ở ngoài mình, học sinh miền núi nhiều em còn khổ quá, cô giáo ha?

Tôi thích kiểu giao tiếp tinh tế này, thay từ "em" bằng "cô giáo" rất đúng ngữ cảnh.

- Vâng, vẫn còn đó những hoàn cảnh khó khăn.

- À, nhưng cô dạy ở đâu?

- Một xã ngày xưa là vùng kinh tế mới, thuộc huyện miền núi Sông Hinh. Rất nhanh, đã có một sự im lặng trầm ngâm từ người đàn ông cởi mở. Tôi cũng chẳng biết mình đã hớ ở đâu nên có chút bối rối.

- Trước kia, nó là Nhiễu Giang.

- Có vẻ anh rất rành về nơi này.

- Còn hơn thế nữa. Nhiễu Giang - nơi tôi đã có vết nhơ vĩ đại của cuộc đời mà.

Lại thay đại từ. Xưng "tôi" trịnh trọng như thể đang nói lời sám hối. Gương mặt lãng tử phút chốc giãn ra thăm thẳm. Có nỗi gì rất dằn vặt. Người này nội tâm thật khó nắm bắt. Cảm xúc liên tục cua xe. Vậy nên thay vì bối rối, tôi lại nổi máu "hiệp nghĩa", muốn duy trì cuộc thoại để cứu vớt nỗi buồn mơ hồ nào đó:

- Hồi nhận quyết định về Sơn Giang, cái tên lạ hoắc nên lo tìm người hỏi thăm. Bác Tám bảo nó là vùng kinh tế mới. Rồi bác kể chuyện cô giáo hỏi học trò, nếu cho em chọn hình phạt, em sẽ phạt Lý Thông thế nào, thì cậu nhanh nhảu trả lời: em sẽ cho hắn tới vùng kinh tế mới.

Tôi nói bâng quơ cho vui nhưng anh bỗng trịnh trọng:

- Sau giải phóng, Nhiễu Giang chỉ vài chục hộ dân sống bên bãi đất phù sa nhỏ kề con sông Ba. Sau đó nhà nước có chủ trương đưa dân từ Khánh Hòa ra khai phá...

- Anh đã đi theo diện đó?

- Không. Anh đi theo diện trái tim (cười).

Ngưng một vài giây, rồi anh nói mà không quan tâm tôi có nghe không, nói như độc thoại:

- Yêu một nàng đang định cư vùng kinh tế mới học sư phạm Nha Trang, rồi quyết chí theo nàng xây dựng lâu đài hạnh phúc trên vùng đất mới. Đi phấn chấn, nhưng tới nơi thì thấy mình đã trong tình cảnh lỡ leo lên lưng cọp.

- Khủng khiếp như thế nào?

- Nằm giữa những vách núi nổi tiếng có nhiều cọp beo là cánh đồng khô khốc trơ những đám đất gò, rợp gai mắc cỡ, chen giữa cánh đồng trơ sỏi đó là con suối rậm rịt cây cối và dây leo. Ban ngày hoang vắng hắt hiu. Ban đêm ầm ào, khắc khoải. Những con côn trùng kêu hoảng hốt như báo động đã có sự xâm lấn tàn bạo vào thiên đường tự do mà chúng tưởng sẽ vĩnh hằng.

- Em không hình dung nổi sẽ bắt đầu thế nào giữa muôn trùng hoang vu? Nơi những con bò ốm nhom vì hằng ngày phải nhai sỏi trong chán chường.

- Những dấu chân đầu tiên trên mảnh đất đó là những dấu chân lấm máu. Lấy cây sắp lại thành ô rồi trộn đất sét với tranh khô đắp lên làm tường, rồi cắt tranh lợp mái. Hì hụi rộp tay rộp chân để phát dọn cây cối làm đường. Thật may, người ta luôn nhớ nơi nào có người ở thì nơi đó phải có trường học. Thế là trẻ con sớm có trường học - dù chỉ như một túp lều - không hơn. Nghèo, đói, gian nan. Giữa lúc sự chán nản đã nảy nở trong ý niệm của mọi người thì anh ấy đã đến như một thiên sứ.

Tôi định hỏi "anh nào" để xác nhận cái tên vừa lóe lên trong ý nghĩ nhưng lời mới lên tới cổ đã bị chặn lại vì anh vẫn giữ nguyên mạch kể, tự nhiên như dòng thác chảy từ trên cao xuống:

- Anh đến bằng tâm thế của người mang trái tim Đan-kô (*). Như một chiến binh dày dạn, anh lẫn vào những đám mắc cỡ tây, ròng ròng chảy những giọt mồ hôi (và cả máu) trên đá sỏi. Mọi người xoay quanh anh như đi theo ngọn đuốc ở nơi tăm tối. Không hẳn vì lý lịch đang năm ba của Đại học Kinh tế thành phố nhưng gác bút vào chiến trường, không hẳn vì anh đã cống hiến gần trọn thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng chưa hẳn sau xuất ngũ, thay vì tìm một cuộc sống yên ổn, an nhàn nơi đồng ruộng thì đùng cái lại tiếp tục áo lính xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới. Sau này anh nghĩ, vì anh ấy có biệt tài biến người khác thành tín đồ, còn anh, vì sự kiêu hãnh tự ti nên đã chuốc thất bại cay đắng. Mỗi lần nghe cô người yêu nhắc tên anh ta - Tấn Khương - như đang ca tụng một người hùng là anh nổi điên. Thế là tỉ tỉ những điều lủng củng đã xuất hiện giữa hai người. Và… cái kết…

- ???

- Cô ấy đã đến với anh ấy.

- Ôi…

- Đó là quyết định đúng đắn của trái tim (và cả lý trí). Khi cô ấy phát hiện ra những trò bỉ ổi của anh như: âm thầm cổ vũ người dân tộc thiểu số khôi phục lại những "hủ tục" mà Tấn Khương - vị chủ tịch xã đầu tiên - đang tìm mọi cách để dẹp bỏ, thì bắt đầu lạnh nhạt với anh. Khổ cực, không còn tình yêu, anh cũng không tin hoa hồng có thể nở được trên sỏi đá nữa. Một hành vi hơn cả vô sỉ là anh đã nhỏn những hạt vàng ít ỏi ở nhà một người Ê Đê hiền lành sau những ngày anh ta ngâm mình ở thâm sơn cùng cốc hì hục nạo, đào, đãi… Và anh thật ngu ngốc vì đã chẳng nhớ chuyện những người ở xóm núi luôn tìm đến anh Khương như người oan khuất đi tìm Bao Công. Giá anh ấy la toáng rồi tống anh vào tù...

Nhìn vẻ ngoài đường đường chính chính đó, tôi đâu nghĩ câu chuyện lại đi vào ngõ cụt như vầy. Chỉ biết im lặng lắng nghe.

- Anh ấy đã "bắt tận tay day tận mặt" nhưng lại đưa anh ra đường lớn, đón chiếc xe than cho anh về lại Nha Trang.

- Sau này, khi cuộc sống đã tạm ổn, anh đã tìm cách gửi lại "những hạt vàng đã nhỏn" về lại xóm núi như một lời tạ tội?

- Em nói chính xác - Anh trả lời rồi nhìn về phía biển xa xăm.

3. Tôi đưa anh về nhà chú Khương. Một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, tường quét vôi, nền lát xi măng.

- Anh Khương, em…

Một thoáng ngỡ ngàng:

- Ồ, Hùng Lâm! Thời gian cũng bất lực trước em, rất phong độ.

Hai người tiến lại ôm nhau, như cuộc hạnh ngộ của những người tri âm.

- Vẫn nhận ra em, sau chừng ấy năm, anh thật tinh tường!

- Tinh tường gì ở tuổi sắp về trời hả chú? Anh nhận ra ngay vì cái "kỳ quan" nốt ruồi to dưới cằm đính thêm một túm lông - vẻ nhận diện có một không hai của chú.

Rồi chú Khương lật đật cầm tay anh dắt vào bên trong, nhưng tới bước thứ ba thì chú lại dắt quay trở ra:

- Không nên. Nàng ấy chẳng muốn ai nhìn thấy bộ dạng này của mình đâu.

Thấy tôi thắc mắc, chú nói:

- Thể theo di nguyện của nàng ấy, hãy để những người quen biết được nhớ mãi hình ảnh xinh đẹp của em lúc tại thế chứ không muốn ai phải ngậm ngùi nhìn di ảnh.

Tôi biết cô Thơ bị bệnh ung thư phổi và mất hồi năm ngoái nhưng không dám kể với Hùng Lâm. Đang vui vẻ, sắc mặt Hùng Lâm bỗng tối sầm như đang có một đám mây mù phủ lên. Chú Khương vẫn cố bình thản: "Kiếp người, hành trình dài - ngắn tự thân không thể quyết được"… Giữa chúng tôi đang ngự trị một khoảng im lặng bối rối. Thật may, tôi có chuẩn bị sẵn mấy ly cà phê mới mua ngoài cổng xã, bèn mời chú và anh lại bộ bàn gỗ bên gốc cây xoài trò chuyện.

Chú Khương mở đầu:

- Chú có nhớ vùng dân cư với cánh đồng hoang mới khai khẩn bên chân núi được nối với nhau duy nhất bởi một chiếc cầu bắc qua suối không?

- Em nhớ nó một cách chính xác và tỉ mì.

- Những người còn trụ lại, mỗi ngày đi qua cây cầu đó, đều "diễn" kịch bản: lúc bước qua cầu sẽ giơ cao một nhánh cây, vẫy vẫy liên tục. Tụi anh gọi nó là "chiếc cầu Vinh Quang", ha ha...

- Anh Hùng Lâm luôn mặc cảm mình là người bỏ cuộc đó chú! - tôi đánh liều nói.

- Chẳng có gì để mặc cảm cả. Về vùng kinh tế mới, những ngày đầu được nhà nước cấp lương thực nên nhiều người chủ quan với lao động chân tay. Rồi khi không được hà hơi nữa, phải tự lực cánh sinh thì những tên lãng tử đến từ phố biển lúng túng với nghề nông. Lên rẫy trồng mì phải cột dây cho thẳng hàng. Trồng cây chờ nước trời, chúng đứng quéo quắt, hấp hối. Đã bao giọt mồ hôi đổ xuống để đổi lấy củ mì, hạt mè, nhưng vẫn triền miên đói kém. Rồi lại mò mẫm đục núi đãi vàng, sa hầm xẩy hố, chết vì những trận sốt rét ác liệt… Chú cũng xém chạy chứ giỏi giang gì - Chú Khương nói và cười nhẹ tênh như mây mùa hạ.

- Chú đúng người hùng, đã lãnh một vết thương ở nơi bom rơi đạn nổ mà còn dám đứng ra làm thủ lĩnh của chiến trường "biến sỏi đá thành cơm".

Bỏ qua lời khen của tôi, chú kể:

- Nhớ một năm mất mùa, nhiều người đánh liều xuống nông trường phía dưới đó nhổ trộm sắn. Dân bị bắt giữ, đích thân ông chủ tịch xã phải xuống tận nơi hạ mình nói khó để "xin" về! Còn phải đối mặt với những hủ tục của một nhóm người thiểu số nữa, phải thật nhẫn nại và khéo léo để thuyết phục…

- Ngày đó, nếu anh ấy không liều mình đối mặt với cái chết để thi lặn thì dễ gì dẹp được tục thi lặn ở đây - Hùng Lâm nói.

- Thi lặn là sao ạ?

- Đó là tục của người Ê Đê. Cùng lặn dưới nước trước sự chứng dám của thầy cúng và dân làng, nếu người nào ngóc đầu lên trước thì kẻ đó có tội. Thần sông không che giấu người có tội bao giờ - họ lý lẽ vậy. Một lần, chú phải đóng vai người phạm tội ra thi lặn, phải cố lặn để không bị ngóc đầu lên trước - chứng tỏ mình vô tội trong khi rành rành đã phạm tội. Lần đó, nín thở lâu, nhiễm lạnh, chú nằm viện cả tuần.

Câu chuyện còn đang hấp dẫn nhưng chú Khương có khách nên chúng tôi đành xin phép về. Hai người đàn ông lại ôm nhau, tôi nhìn thấy khuôn mặt nhẹ nhõm của anh Hùng Lâm như vừa được rửa tội…

(*) Đan-kô: người đã xé lồng ngực giơ cao trái tim đang bùng cháy để dẫn đường cho bộ tộc qua khỏi vùng đầm lầy tăm tối trong truyện ngắn của Maxim Goorki.

Sỏi đá nở hoa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Nhàn- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.