Mong con nhưng sợ... “cô”!
Từ mấy tháng nay, vợ chồng chị Hoa (Q.8, TP.HCM) chuẩn bị mọi thứ để thực hiện ước mơ có đứa con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Chiều 10.2, vợ chồng chị tiếp tục đến phòng khám sản phụ khoa và siêu âm trên đường Trần Bình Trọng (P.2, Q.5, TP.HCM) để kiểm tra sức khỏe. Tại đây, bác sĩ (BS) điều trị cho cặp vợ chồng này khẳng định họ đã đáp ứng những điều kiện cần để bước vào quá trình làm IVF.
Điều đáng nói, trước khi chuyển vào TP.HCM cư ngụ, vợ chồng chị Hoa trữ phôi tại một bệnh viện (BV) ở Hà Nội, nên BS nói chị phải ra ngoài đó để chuyển phôi. BS H.T, người điều trị hiếm muộn cho vợ chồng chị Hoa, chia sẻ: “Chị Hoa khao khát có con, nhưng chị lo ngại dịch Covid-19 nên lần lữa cả buổi ở phòng khám chúng tôi. Trong khi đó, ông chồng hy vọng đứa bé chào đời trong năm Canh Tý này, nên cố động viên vợ ra Hà Nội chuyển phôi”.
Theo vị BS này, không riêng chị Hoa, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn có con nhưng trong thời điểm này, họ lại sợ “cô” (vi rút Corona, nCoV) hơn! Bên cạnh đó, không ít bà bầu ở xa ngại tới TP.HCM trong thời điểm dịch Covid-19, nên cứ điện thoại cho ông lùi lại lịch khám.
|
Đi xe máy lạnh chấp nhận... đổ mồ hôi
Anh Nguyễn Thảo (quê Quảng Nam, tài xế chở khách du lịch đường dài) phán một câu nghe có vẻ... ngược đời: “Hiện nay, chạy xe “cùi bắp” sướng hơn xe đời mới!”. Vì sao? Anh Thảo cho biết có nhiều hành khách yêu cầu tài xế không được mở máy lạnh vì sợ Covid-19. Họ lo ngại môi trường lạnh và kín, đông người trong xe có nguy cơ nuôi dưỡng, phát tán nCoV. Một số người còn cự tài xế: “Không sợ Corona hay sao mà mở máy lạnh? Chẳng thà tụi tui đổ mồ hôi còn hơn nhiễm bệnh”. Khi đề nghị trên không được thực hiện, họ bực dọc xuống xe để chọn bác tài khác.
Lúc trước, đeo khẩu trang trong khi giới thiệu sản phẩm, thương thuyết với khách hàng, mình bị đánh giá thiếu tôn trọng họ, hoặc là mình đang bị bệnh. Bây giờ tình thế đảo ngược, nếu mình không đeo khẩu trang, khách hàng sợ và cảnh giác, bản thân mình cũng thấy mất tự tin trước họAnh Nguyễn Hữu Thái Sơn, nhân viên tiếp thị sản phẩm |
Anh Thảo cho rằng hầu hết hành khách rất kỹ trong sinh hoạt, ăn uống nhằm phòng tránh dịch Covid-19. Trên xe, mọi người bịt khẩu trang, gần như không ai nói chuyện với ai. Anh Thảo kể: “Trước đây, thùng trà đá trên xe mỗi ngày khách đều uống hết. Còn giờ, nó được đem đi rồi đem về, rốt cuộc tài xế rửa tay chơi. Nhà xe cũng chuẩn bị bánh mì cho khách du lịch, nhưng họ không dám ăn. Mỗi người chỉ lấy nước đóng chai thôi”.
Vốn ưa sự thoải mái phong trần, những tài xế như anh Thảo cũng phải thay đổi một số thói quen cố hữu trong lúc có dịch Covid-19. “Nghĩ cũng ngộ thiệt! Đi câu, tui còn đưa cái mặt ra giữa trời nắng chang chang. Còn nay lái xe máy lạnh, tui lại bịt khẩu trang”, anh Thảo hài hước và cho biết do dịch Covid-19 nên anh còn xức dầu ở mũi và... thoa thuốc khử khuẩn lên mặt trước khi đeo khẩu trang. Bác tài này tếu táo: “Thà da mặt tui sần thêm chút cũng được, miễn sao không để “con cô” nào dòm ngó. Biết đâu hắn thấy mình xấu quá, hắn né là được rồi”.
|
“Phong cách mới” của người tiếp thị, bán hàng
Làm nghề tiếp thị sản phẩm, anh Nguyễn Hữu Thái Sơn (ngụ tại xã Đa Kai, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), dạo này do dịch Covid-19 khiến anh tốn thêm khá nhiều tiền để mua khẩu trang y tế. Hằng ngày, anh chạy xe máy sang H.Định Quán (tỉnh Đồng Nai) và lên một số khu vực thuộc tỉnh Lâm Đồng... để chào bán hàng tạp hóa.
“Lúc trước, đeo khẩu trang trong khi giới thiệu sản phẩm, thương thuyết với khách hàng, mình bị đánh giá thiếu tôn trọng họ, hoặc là mình đang bị bệnh. Bây giờ tình thế đảo ngược, nếu mình không đeo khẩu trang, khách hàng sợ và cảnh giác, bản thân mình cũng thấy mất tự tin trước họ”, anh Sơn nhận xét.
Từ khi có dịch Covid-19, anh Sơn thường sử dụng “quy trình mới” mỗi lần gặp khách chào bán sản phẩm, đó là: cởi nón bảo hiểm, kéo khẩu trang xuống để chào và cho họ thấy mặt một chút; bịt lại khẩu trang, sau đó mới vào câu chuyện. Theo anh Sơn, với khách hàng quen, việc mang khẩu trang trong khi trao đổi chuyện làm ăn như trên không gặp khó khăn đáng kể. Nhưng với những khách hàng mới, sự hạn chế trong giao tiếp gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng doanh số. Anh Sơn giải thích: “Người ta đề phòng vì không biết mình là ai, thực hay giả. Trong khi đó, mình còn phải bịt khẩu trang nữa nên càng khó tạo niềm tin ban đầu”.
Ở góc độ khác, theo anh Sơn, hiện nay đâu đâu thiên hạ cũng bàn tán về dịch Covid-19, hỏi thăm khu vực nào bị nhiễm. Vì vậy, một trong những “bí kíp” bán hàng của anh trong thời điểm này là chú ý tìm hiểu thông tin thời sự về Covid-19 để có thể trò chuyện tự nhiên, cởi mở với khách hàng. Từ đó, tạo sự thân thiện, gần gũi trong công việc...
Đeo khẩu trang mới bán được vé số !
Cũng vì dịch Covid-19 mà ông Đoàn Văn Chút (58 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế), người bán vé số 6 năm nay tại TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên ông đeo khẩu trang bán vé số. Mỗi ngày, ông bán được 150 - 200 vé. Ông Chút nói: “Có dịch, mình đi bán mà không đeo khẩu trang, người ta không mua đâu. Tôi chịu khó đi nhiều, nên vẫn bán được mức vé như trước khi xảy ra dịch bệnh”.
|
Bình luận (0)