Sống trong… thời dịch Covid-19: Về quê 'né' dịch

Như Lịch
Như Lịch
13/02/2020 08:08 GMT+7

Lo ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra, khá nhiều người đã đưa con cháu về quê né dịch.

Thậm chí, có những trường hợp quyết định bỏ việc để “về quê sống với má”, chờ ngày dịch bệnh qua đi. Trong chiều ngược lại, nhiều người dân né đến những thành phố lớn vì sợ lây nhiễm virus Corona. Ngay cả việc khám chữa bệnh, họ cũng lần lữa hoặc chọn phương án điều trị ở quê...

Sợ “con Cô” hơn... sợ đói

Ngày 12.2, chị Hoài Thương (ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM) lên đường về Bình Thuận. Trước đó, chị thông báo công khai: “Quyết định về quê, mọi công việc gác lại. Rời xa phố thị, xa người thương và xa luôn những buổi hẹn hò. Nhưng trên hết là em sợ chết. Ai muốn liên lạc với em thì điện thoại hoặc nhắn tin nhé. Đợi “Cô hồn” (ý nói virus Corona - PV) đi, em mới dìa”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thương cho hay tại TP.HCM, chị làm nghề bán hàng qua điện thoại. Ám ảnh dịch bệnh Covid-19, chị bàn với chồng rút về quê “có gì ăn nấy, cho yên cho lành”. Tuy nhiên, người chồng không thể từ bỏ công việc đòi hỏi mỗi ngày anh phải có mặt ở công ty, nên vẫn ở lại TP.HCM.
Không chỉ chị Thương, gia đình em gái của chị đưa con về miền quê ăn tết đến nay vẫn chưa có ý định trở vào TP.HCM. Do đó, nhà mẹ ruột chị Thương dạo này tiếp nhận gần năm nhân khẩu cư ngụ tại TP.HCM tá túc để “né” dịch bệnh.

Quyết định về quê, mọi công việc gác lại... Đợi “Cô hồn” (ý nói vi rút Corona - PV) đi, em mới dìa

Chị Hoài Thương (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM)

Trong thời gian đưa con về quê ăn tết, vợ chồng chị Hoàng Ngọc Bích (Khánh Hòa) nhận thông báo các bé được tạm nghỉ học vài tuần. Ba đứa con của chị trong độ tuổi từ 2 - 5, đều học tại một trường mầm non ở phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM. Chị Bích có phần sốt ruột: “Em đã lên kế hoạch qua tết gửi con đến trường để kiếm việc làm, giờ dịch bệnh gây xáo trộn. Tiền dự trữ sắp cạn mà không biết khi nào dịch bệnh mới hết”.
Tuy vậy, chị Bích cho rằng không khí ở quê trong lành, là chỗ nương náu khá lý tưởng cho đám con của chị trong thời điểm này. Gọi nCoV là “con Cô”, chị Bích bày tỏ: “Mẹ chồng em bảo nhà má có gà, có gạo, tụi bây cứ ở đây trốn dịch. Thời buổi này, đói không chết, mình ăn mắm ăn muối cũng có thể sống được, nhưng bị bệnh thì có thể chết. Cho nên, đói kém không sợ bằng... “con Cô” đâu!”.

Một số gia đình đưa con về quê

Ảnh: Nguyễn Như

Trước xu hướng về quê né dịch, một số người tỏ ra nghi ngại: “Nếu mọi người hùa nhau về quê hết, khiến cho vùng quê có nguy cơ bị nhiễm bệnh thì sao?”. Lập tức, có những ý kiến phản biện: Đâu phải ai cũng có điều kiện để về quê? Về thì bị mất việc, lấy chi ăn? Vì miếng cơm manh áo, phải trụ lại thành phố; đâu phải ai cũng có quê mà về!...

Nỗi niềm bác tài bị “hủy kèo” liên tục

Rảnh rỗi đi uống cà phê nhưng vẻ mặt rầu rĩ, những câu chuyện trà dư tửu hậu của tài xế Nguyễn Hữu Thảo (ngụ xã Nam Chính, huyện Đức Linh, Bình Thuận) hầu hết xoay quanh Covid-19. Anh Thảo than: “Mấy năm trước, những ngày này tui chạy vắt giò lên cổ. Còn năm nay, ế thê thảm luôn. Lượng khách của tui giảm khoảng 60 - 70%”.
Hơn 25 năm nay, anh Thảo là tài xế (mướn) chạy xe du lịch. Đây là năm đầu tiên, anh liên tục bị “hủy kèo” (hủy hợp đồng). Anh cho biết hôm 10.2, đáng lẽ anh chở khách đi chùa 5 ngày đến các điểm: Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang. Trước tết, khách hàng đã đặt cọc 2 triệu đồng. Thế nhưng vào tối 9.2, họ gọi điện đề nghị hủy hợp đồng, chấp nhận mất tiền cọc (nhưng nhà xe trả lại).
Trước đó vài ngày, anh Thảo cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt” với chuyến lên Đà Lạt. Theo hợp đồng, đoàn khách 14 người đi du lịch 3 ngày 2 đêm. Nhưng trên thực tế, chuyến đi chỉ diễn ra vỏn vẹn 1 ngày 1 đêm. Tài xế Thảo kể: “Khi mới tới Đồi Mộng Mơ, họ thấy một đoàn khách du lịch Trung Quốc cũng vừa xuống xe. Vậy là họ giục tôi về luôn, coi như chuyến đi này họ không tham quan chỗ nào cả. Lo sợ dịch bệnh, họ mượn nồi của chủ nhà nghỉ nấu cơm, chứ không dám ăn uống bên ngoài”.

Tài xế Nguyễn Hữu Thảo

ẢNH: NVCC

Theo tài xế Thảo, những năm trước, qua tết thường có nhiều người đi khám bệnh và viếng chùa chiền. Đầu năm nay, anh chỉ có một cuốc đi chùa nói trên nhưng rốt cuộc đã hủy. Với những trường hợp đi khám bệnh, anh Thảo nhận xét: “Chỉ những bệnh nào rất quan trọng, nghiêm trọng thì người ta mới vô thành phố điều trị, còn lại họ chấp nhận uống thuốc dưới quê. Có những người không dám đưa con vô bệnh viện nhi chích ngừa vì thấy đông đúc, sợ bị lây dịch bệnh”. Anh dẫn chứng người thân của anh gần đây bị vấp té gãy mấy ngón chân. Thay vì đưa vào TP.HCM chữa trị, người nhà anh chọn cách băng bó, điều trị tại bệnh viện huyện, với lý do “sợ vô đó dính nCoV”.
Tài xế Nguyễn Hữu Thảo bộc bạch: “Khách hàng của tui bây giờ chủ yếu là công nhân và những người phải vô TP.HCM làm việc. Nếu ế ẩm kéo dài, chắc tui sẽ quay về mần ruộng kiếm cơm”.

Tự tin đưa con đi chích ngừa

Vợ chồng chị Phạm Thị Như Thùy đưa bé Muối 2 tháng tuổi đi chích ngừa

Ảnh: NVCC

Ngày 11.2, vợ chồng chị Phạm Thị Như Thùy (quê Khánh Hòa, ngụ TP.HCM) đã tự tin đưa bé Muối 2 tháng tuổi của mình đi chích ngừa tại một trung tâm tiêm chủng ở TP.HCM.
Chị Thùy chia sẻ: “Tôi thấy mọi người đang hoang mang về dịch bệnh do nCoV. Nhưng theo tôi, tình hình thực tế chưa ảnh hưởng gì lắm đến khu vực TP.HCM, vốn dĩ là một xứ nóng. Mặt khác, chúng tôi tiếp cận nhiều thông tin mà Bộ Y tế khuyến nghị; tăng cường sức đề kháng cho bản thân... nên không lo lắng gì”.
Chị cũng bộc bạch: “Tôi thấy mọi thứ ngoài kia đã hỗn độn, bất an rồi. Nếu bản thân mình cũng bị cuốn theo những cái bên ngoài đó thì cuộc sống gia đình sẽ bị xáo trộn. Vì vậy, tôi muốn truyền năng lượng lành cho mọi người và giúp cuộc sống của mình vui vẻ, bình an hơn”.
N.L

Đừng ho, nếu không muốn gây chú ý

Các chuyên gia y tế đã chỉ rõ triệu chứng phổ biến của nhiễm nCoV thường là: sốt, chảy mũi, ho... Trong những ngày mà đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về loại vi rút này thì có lẽ ai cũng “nằm lòng” những triệu chứng này để tự bảo vệ mình. “Một khi biết được những triệu chứng của bệnh Covid-19, thú thật tôi rất ngại tiếp xúc với những người có những biểu hiện như nhảy mũi, mà rõ nhất là ho… Người nào ho sặc sụa ở phòng kín thì càng đáng ngại hơn nữa”, anh Nguyễn Văn Trực (trú tại tổ 77, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) chia sẻ. Nhiều người có óc hài hước bảo: Cách giải tán đám đông hiệu quả nhất trong thời điểm này là chỉ cần... ho. Cũng vì ho mấy tiếng khi đang lái taxi công nghệ mà một tài xế bị anh Đ.T.L (một du khách đến Đà Nẵng) đánh xếp hạng 2 sao. Số là, anh L. từ Huế vào Đà Nẵng du lịch cùng gia đình rồi “book” một “cuốc” taxi từ đường hoa Bạch Đằng về khu vực gần cầu Thuận Phước. Suốt hành trình chở cả nhà anh đến điểm yêu cầu, tài xế không hiểu sao ho sặc sụa. Người này khi trả khách còn ngồi yên tại chỗ không chịu xuống lấy hành lý giúp khách như kiểu tự mình cách ly trước với khách. Bực mình, anh L. kể, anh đã xếp chất lượng dịch vụ “cuốc” xe chỉ 2 sao... Dạo này ở Đà Nẵng, sáng ra, bên ly cà phê, cánh mày râu cũng vẫn câu chuyện gửi con ở đâu để đi làm. Có anh rung đùi vì con đã lớn, giao đứa anh lập “tổ tự quản” để chăm em. Anh khác thì mặt mày méo xẹo vì thay phiên vợ ở nhà chăm 2 đứa nhỏ “quậy như giặc”. Có anh vỗ đùi sau khi đọc tin nhắn của mẹ ở quê, anh sung sướng báo tin: “Bà nội sắp nhỏ sẽ vào “chi viện” trong vài tuần”.
Hoàng Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.