Sri Lanka trên bàn cờ địa chính trị khu vực

Khánh An
Khánh An
16/08/2019 09:00 GMT+7

Với vị trí chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Sri Lanka đang là tâm điểm của cuộc đua giành ảnh hưởng.

Trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1983 - 2009, quân đội Sri Lanka với sự hỗ trợ quân sự từ nước ngoài liên tục đẩy lùi lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE). Bỏ qua bất đồng, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Mỹ cùng hỗ trợ chính quyền Colombo giành chiến thắng sau cùng cách đây một thập niên. Gần đây, hàng loạt tàu hải quân của các nước liên tiếp ghé 3 cảng chính của Sri Lanka. Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đứng đầu danh sách với gần 500 lượt chiến hạm ghé thăm nước này trong 10 năm qua. Các nước trên cùng với Úc còn cung cấp nhiều tàu tuần tra, khinh hạm và tàu cảnh sát biển. Tờ Nikkei Asian Review dẫn đánh giá của giới quan sát cho rằng Sri Lanka đã trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược của nhiều bên.
Theo giới quan sát, nhân tố đáng chú ý nhất trong cuộc đua này là Trung Quốc với nhiều dự án quan trọng, song song với tin đồn Bắc Kinh muốn lập căn cứ quân sự tại đây. Tháng trước, Sri Lanka ký hợp đồng trị giá 1,12 tỉ USD (hơn 25.400 tỉ đồng) để cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm, theo AP. Cảng biển Hambantota có vị trí chiến lược tại Ấn Độ Dương và được Trung Quốc xem là mắt xích quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Hợp đồng này bị trì hoãn trong nhiều tháng trước đó do những lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng cảng biển cho mục đích quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc còn hợp tác với Sri Lanka trong lĩnh vực đường sắt với hơn 20 đoàn tàu đang vận hành và hàng chục đoàn khác sẽ tiếp tục được bàn giao trong thời gian tới.
Chưa hết, Bắc Kinh mới đây tặng Colombo một khinh hạm Type 053 mà hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc sử dụng từ năm 1994. Cũng trong kế hoạch hợp tác, Sri Lanka còn được Trung Quốc hỗ trợ huấn luyện 92 thủy thủ và 18 sĩ quan để vận hành con tàu dài 112 m trên. Tàu cập cảng hôm 7.7, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thông báo sẽ không thỏa thuận với Mỹ về việc cho tàu hải quân cập cảng. Trước đó vào năm 1995, Mỹ và Sri Lanka ký Thỏa thuận về tình trạng lực lượng (SOFA), mở đường cho quân đội Mỹ tiếp cận nước này để thực hiện các hoạt động hậu cần. Tuy nhiên, Washington đang gặp nhiều trở ngại trong việc đàm phán một thỏa thuận hợp tác quân sự mới dựa trên SOFA.
Về phía Mỹ, có tin đồn nước này tìm cách lập căn cứ hải quân thường trực tại thành phố cảng Trincomalee ở Sri Lanka nhằm đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, theo South China Morning Post. Hồi cuối tháng 6, truyền thông Sri Lanka rò rỉ văn bản được cho là dự thảo SOFA với nội dung cho phép quân đội Mỹ toàn quyền tiếp cận nước này. Tuy nhiên, chính phủ Sri Lanka phủ nhận thông tin trên, trong khi đại sứ Mỹ tại Sri Lanka Alaina B.Teplitz cũng khẳng định Mỹ không tìm cách lập căn cứ tại nước này.
Mới đây, chính quyền Colombo tuyên bố sẽ không để Trung Quốc lập căn cứ quân sự. Theo đó, Bắc Kinh chỉ khai thác hoạt động thương mại tại cảng Hambantota và an ninh tại đây sẽ do Sri Lanka chịu trách nhiệm kiểm soát. Giới quan sát cho rằng Sri Lanka đang nỗ lực cân bằng sự ảnh hưởng của các bên. “Chúng tôi không thể nghiêng hẳn về một bên trong bất cứ căng thẳng nào trong tương lai tại khu vực của chúng tôi, bởi vì điều đó khiến các lựa chọn ngoại giao của chúng tôi bị gò bó”, một quan chức Bộ Ngoại giao Sri Lanka nói với Nikkei Asian Review. “Một cái gật đầu về SOFA với Mỹ mở ra cơ hội cho các đồng minh khác của chúng tôi như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc thậm chí Nga thúc đẩy Sri Lanka ký các thỏa thuận tương tự. Khi đó, liệu chúng tôi có thể nói không với họ được sao?”, quan chức này phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.