Sự cố cháy công ty Rạng Đông: Tẩy độc môi trường nếu làm đúng cực kỳ tốn kém

05/09/2019 15:05 GMT+7

Hàm lượng thủy ngân cao nhất trong khoảng 3 - 4 ngày sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông , nhưng cơ quan chức năng đã chậm trễ đưa ra cảnh báo, sẽ khiến người dân phòng bị không đầy đủ, dẫn đến những tác hại.

Kết luận của quận Thanh Xuân quá vội vàng!

Trao đổi với Thanh Niên sáng nay, 5.9, ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng kết luận của Bộ TN-MT đối với hàm lượng các chất có thể gây ô nhiễm trong không khí, nước thải và trầm tích sau vụ cháy công ty Rạng Đông đã rõ ràng. Trong đó, theo ông Loãn, hàm lượng thủy ngân trong không khí chắc chắn từ nguyên nhân vụ cháy, còn trong trầm tích, qua phân tích từ mẫu lấy ở sông Tô Lịch, có thể do tồn dư nhiều năm, không phải do vụ cháy.

[FLYCAM] Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông tan hoang sau hỏa hoạn

Về văn bản thông báo của UBND Q.Thanh Xuân khẳng định môi trường xung quanh nhà máy Rạng Đông ngay sau vụ cháy ở mức độ an toàn, ông Loãn cho rằng đó là một kết luận, thông báo "vội vàng".
“Sau khi vụ cháy xảy ra, tôi thấy khuyến cáo của UBND P.Hạ Đình như thế là hành động rất có trách nhiệm. Còn đối với văn bản sau đó của UBND Q.Thanh Xuân như thế là vội vàng, nó sẽ tạo ra sự phòng bị không đầy đủ, một số người lạc quan quá lại thành chủ quan, sẽ có những tác hại”, ông Loãn nói.
Theo ông Loãn, trong khoảng 3 - 4 ngày đầu sau vụ cháy, hàm lượng thủy ngân ở mức cao nhất. Người dân trong khu vực xung quanh nhà máy, người có nguy cơ phơi nhiễm cao, cần được theo dõi sức khỏe, ai nhiễm thì đã nhiễm rồi, không nên đặt vấn đề sơ tán, sẽ phức tạp và tốn kém.
Cũng theo ông Trần Thế Loãn, đề xuất tẩy độc môi trường mà Bộ TN-MT đưa ra là đúng về nguyên tắc, nhưng thực tế để thực hiện không dễ. "Cụ thể là trầm tích sông Tô Lịch, bây giờ đã xác định tồn dư cao rồi thì phải đo vẽ cụ thể xem lượng bao nhiêu để vét lên, mà vét lên thì biết đổ đi đâu?", ông Loãn nêu vấn đề.

Trắng đêm vất vả vì vụ cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông

Còn đối với xung quanh khu vực nhà máy, để xử lý tẩy độc thì mọi vật dụng, thậm chí phải được đánh giá, phân loại, sau đó là phân tích. Nếu hàm lượng thủy ngân cao thì phải đưa vào đi xử lý riêng, có chôn lấp thì phải đưa vào khu chôn lấp rác thải nguy hại, chứ không thể nào đưa tất cả vào nơi chôn lấp rác thải sinh hoạt thông thường được. Nếu xử lý bằng cách này, kinh phí vô cùng tốn kém, doanh nghiệp khó kham nổi.
chay-cong-ty-rang-dong

Đoàn cán bộ Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đeo mặt nạ, khẩu trang đánh giá, đo đạc chỉ tiêu môi trường sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông

Ảnh Lê Quân

Điều động lính cứu hỏa mà không trang bị cho họ mặt nạ phòng độc là quyết định ấu trĩ

Phân tích mối nguy hiểm thủy ngân phát tán trong môi trường, PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học - Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng thủy ngân phát tán vào không khí là rủi ro lớn nhất đổi với sức khỏe con người. Không khí con người phải hít vào hàng ngày nên không tránh được.
Thứ hai là tồn dư trong nguồn nước, nước có thể dùng rửa tay chân, ăn uống, gây ảnh hưởng trực tiếp. Còn nếu tồn dư trong đất thì sau một thời gian trồng cây, chất thủy ngân cũng phân tán bớt đi.
Theo PGS-TS Trần Hồng Công, ảnh hưởng trực tiếp và rủi ro lớn nhất trong vụ này là những người tham gia chữa cháy, lính cứu hỏa. Khi quan sát hình ảnh từ hiện trường, lính cứu hỏa đi vào chữa cháy vụ việc này không đeo khẩu trang, không đeo mặt nạ phòng độc.
Cơ quan phòng cháy chữa cháy phải có chuyên môn đánh giá nguy hiểm từng vụ cháy để có trang bị khác nhau, nhưng trong vụ này, cơ sở chữa cháy có hóa chất độc hại mà điều động lính cứu hỏa vào làm nhiệm vụ không trang bị cho họ mặt nạ phòng độc là hành động, quyết định ấu trĩ của cơ quan Phòng cháy chữa cháy.
chay-cong-ty-rang-dong

Lính cứu hỏa tham gia chữa cháy nhà máy Rạng Đông không được trang bị mặt nạ phòng độc

Ảnh Trần Cường

PGS-TS Trần Hồng Côn cho rằng, trong vụ việc này, phản ứng của các cơ chức năng là quá chậm. UBND P.Hạ Đình ra thông báo khuyến cáo ban đầu là không đúng chức năng, khi họ không thể biết thực tế mức độ độc hại, nguy hại đến đâu, trong khi đây là việc làm của cơ quan kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Văn bản thông báo có cái hay là để người dân được biết, nhưng cũng có cái dở là không có chuyên môn đánh giá, sẽ gây tác dụng ngược lại, dẫn đến phải thu hồi.
“Đáng lẽ ngay từ đầu vụ cháy, chính quyền phải đề nghị, yêu cầu cơ quan quản lý môi trường vào cuộc, cho ra sớm kết quả tác động ra sao để ra quyết sách đối với người dân của mình, nhưng trong vụ này, phản ứng chung các cơ quan công quyền đều quá chậm”, ông Côn nói.
Đối với các hộ trong khu vực cảnh báo tồn dư thủy ngân ảnh hưởng đến sức khỏe, ông Trần Thế Loãn khuyến cáo các gia đình nên thường xuyên tổng vệ sinh nhà cửa, xịt rửa lá cây dần dần sẽ hết thủy ngân tồn dư. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, thủy ngân tồn dư trên các bề mặt sẽ tiếp tục bốc hơi lên.
Còn đối với người dân trong khu vực bị ảnh hưởng xung quanh nhà máy, nếu không có các biểu hiện bất thường trong sức khỏe, không nhất thiết phải ồ ạt đi xét nghiệm. Điều này chứng tỏ, cơ thể mình có sức chịu đựng tốt, hoặc hàm lượng thủy ngân chưa đến mức ảnh hưởng cấp tính, nhưng vẫn cần thực hiện khuyến cáo của các bác sĩ trong chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao, để cơ thể đào tự đào thải dần dần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.