Sự kiện văn hóa nổi bật: Số phận tu viện cổ Franciscaines Đà Lạt sẽ ra sao?

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
14/03/2021 08:00 GMT+7

Vụ tai nạn lao động xảy ra hôm 9.3 tại công trường khu đan viện Benedict/tu viện cổ Franciscaines (Đà Lạt) khiến 2 công nhân thiệt mạng làm dư luận quan tâm cảm thấy bàng hoàng.

Trùng tu hay xây mới?

Vụ việc có thể thổi bùng lên những đồn thổi về “tính thiêng” của công trình di sản nhiều năm bỏ hoang này, nhưng lúc này, có lẽ cần bình tĩnh để nhìn lại căn nguyên vấn đề một cách khoa học.
Đan viện cổ được xây dựng vào cuối thập niên 1930 đến đầu thập niên 1940 theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư nổi tiếng Alexandre Leonard và Paul Veysseyre. Hai vị kiến trúc sư này từng thiết kế rất nhiều công trình tại thành phố Đà Lạt trước năm 1945, đa số vẫn có giá trị thẩm mỹ và đứng vững cho đến hôm nay.
Trước đó, chủ đầu tư - đại diện Đại học Kiến trúc, nói rằng tất cả 5 khối công trình đều được giữ nguyên, không có công trình nào bị phá bỏ để giữ lại “cái hồn” của tu viện xưa. Đặc biệt, nhà nguyện cổ và khu nội viện sẽ được khôi phục kiến trúc nguyên bản. Nhưng chỉ ít hôm sau phát ngôn ấy, tai nạn chết người đã xảy ra ở chính khu nội viện. Điều đáng nói là những góc chụp không ảnh, cận cảnh cho thấy khu nội viện đã bị đập bỏ “ngang xương”, không như lời phát biểu “khôi phục kiến trúc nguyên bản”. Việc đập bỏ diễn ra quá sơ sài, không có giàn giáo, che chắn, khung bảo vệ an toàn cho công nhân thi công và cố định những hạng mục kiến trúc liên đới cần giữ lại.
Có thể nói ngay rằng những gì xảy ra cho thấy nhà đầu tư, thi công và giám sát đã không nghiên cứu, đánh giá hết được các yếu tố kết cấu và hiện trạng công trình để có một giải pháp hợp lý. Và cũng cần nói thẳng ra rằng, là một cái nôi đào tạo kiến trúc, nhưng đơn vị đầu tư có thể đã bỏ qua rất nhiều bước đánh giá chuyên môn sâu để bảo vệ giá trị kiến trúc, lịch sử kiến trúc của công trình. Các giải pháp kiến trúc, biện pháp thi công đã không được minh bạch trước những bày tỏ hoài nghi và băn khoăn về số phận công trình di sản của cộng đồng này.
Vẫn biết rằng việc trùng tu bài bản nói chung hết sức phức tạp và tốn kém. Nhưng cũng cần có một tầm nhìn lớn để nhận ra thực tế nếu kiên quyết theo đuổi ý hướng trùng tu nghiêm túc và có trách nhiệm với công trình này, thì giá trị vô hình và bền vững mang lại cho đơn vị đầu tư hứa hẹn là rất lớn, nhất là gia tăng uy tín về chuyên môn cho một ngôi trường kiến trúc. Ngoài ra, giá trị mang lại cho xã hội sẽ rất sâu sắc.
Hãy thử tưởng tượng rằng Đại học Kiến trúc hay thành phố Đà Lạt xây dựng một khu phức hợp văn hóa - giáo dục kiến trúc như bảo tàng tài liệu kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo thời thuộc địa theo hướng hiện đại, thể hiện bằng đa phương tiện bên trong ngôi đan viện này, chắc chắn sẽ thu hút khách tham quan rất lớn và chắc sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Thành phố Đà Lạt cũng sẽ có thêm một điểm đến giá trị, đem lại sức hút và tầm ảnh hưởng đối với du khách và giới chuyên môn tìm đến khám phá, nghiên cứu.
Trên thực tế, mọi thứ đã diễn ra thật dễ dãi theo cách thường thấy: vội vàng đập bỏ, đến mức hôm trước tuyên bố trùng tu nguyên trạng, hôm sau biến thành đống gạch vụn. Tai nạn xảy ra trong sự thiếu tôn trọng những nguyên tắc căn bản về thi công.
Sau vụ tai nạn lao động, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị thi công tạm thời dừng thi công để điều tra làm rõ nguyên nhân. Số phận của khối quần thể kiến trúc này lại treo lơ lửng trong tình trạng đã bị “hạ giải” dang dở. Hai mạng người đã mất. Sinh mạng giá trị kiến trúc cũng đang bị thử thách trầm trọng.
Đó là những lỗi không còn có thể sửa được. Sự cố này là một tin xấu của ngành kiến trúc khi Ngày kiến trúc sư Việt Nam đang đến rất gần.

Bản viết tay lời Việt Tự bạch (Tình đơn phương) của nhạc sĩ Minh Tâm

ẢNH: T.L

Ca khúc Tình đơn phương bị nhầm tác giả lời Việt hơn 20 năm

Tình đơn phương - ca khúc nhạc Hoa lời Việt đình đám một thời qua tiếng hát Đan Trường, vừa được "trả lại" đúng tên tác giả lời Việt - nhạc sĩ Minh Tâm, sau hơn 20 năm bị nhầm của Chu Minh Ký.
Theo ông Hoàng Tuấn, Giám đốc HT Production - đơn vị sở hữu ca khúc Tình đơn phương hơn 20 năm qua: "Do sơ xuất của nhân viên Phòng Hành chánh công ty nên hơn 20 năm trước, bản lưu hồ sơ của nhạc sĩ Minh Tâm khi ký hợp đồng viết lời Việt cho ca khúc này chỉ ghi tắt là bài Tự bạch, trong khi ở bản nhạc viết tay nhạc sĩ Minh Tâm có mở đóng ngoặc là Tình đơn phương. Lúc bấy giờ, khi mua độc quyền bản nhạc, chúng tôi đặt hàng nhiều nhạc sĩ viết lời Việt. Và bản lời Việt khác của nhạc sĩ Chu Minh Ký không được chọn để thu âm, quay hình... Tuy nhiên khi phát hành, nhân viên lại ghi nhầm tác giả lời Việt bài Tình đơn phương là Chu Minh Ký...".
Ông Hoàng Tuấn cho biết: "Mới đây, khi lục lại giấy tờ để bổ sung thủ tục cho việc xin phép phần nhạc ngoại lời Việt, tôi mới thấy bản nhạc viết tay Tự bạch (Tình đơn phương) của Minh Tâm, đọc kỹ thì mới rõ là Tình đơn phương mà chúng tôi sử dụng hơn 20 năm qua là của nhạc sĩ Minh Tâm, chứ không phải là bản của Chu Minh Ký".
Sau khi phát hiện sự nhầm lẫn này, ông Hoàng Tuấn đã trực tiếp xin lỗi nhạc sĩ Minh Tâm, đồng thời gửi thông báo đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng như các trang nhạc trực tuyến, các đơn vị đang sử dụng ca khúc này để cập nhật - điều chỉnh tên tác giả phần lời Tình đơn phương, nhạc Hoa, lời Việt: Minh Tâm.
Đến nay, Tình đơn phương do Đan Trường thể hiện với “intro huyền thoại" vẫn còn là ca khúc mang lại nhiều cảm xúc lẫn ký ức "buồn mà đẹp" với người nghe cũng như những ai từng "nhiều lần ngập ngừng muốn ngỏ ý, tiếng yêu đương sao không thành câu...". Bài hát này cũng rất được yêu thích qua giọng ca Lam Trường. Gần đây có nhiều ca sĩ trẻ cover, trong đó nổi bật hơn hẳn là bản cover của Edward Dương Nguyễn - Tùng Acoustic.

Chùa Cầu hiện đang xuống cấp nghiêm trọng

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Cấp thiết trùng tu Chùa Cầu

Ngày 12.3 tại TP.Hội An (Quảng Nam), Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về công tác bảo tồn, trùng tu di tích.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết khó khăn hiện nay trong công tác bảo tồn đô thị cổ Hội An là việc phòng chống cháy nổ, chống mối mọt nhà cổ và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu vẫn còn chậm trước nguy cơ hư hại nặng hơn. Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh công tác triển khai đề án trùng tu Chùa Cầu phải được TP.Hội An, cơ quan liên quan quyết liệt thực hiện. Các vấn đề liên quan đến nạo vét sông Hoài, khơi thông dòng chảy để đảm bảo an toàn nhà cổ cũng phải tính đến hình thức công - tư, vấn đề chuyển đổi chủ sở hữu nhà cổ cũng cần được cơ quan chức năng chú ý, hướng dẫn, tránh tác động đến di tích.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cần có các quyết định mạnh mẽ hơn đối với việc trùng tu Chùa Cầu và phải thực hiện ngay trong năm 2021 trước nguy cơ di tích đặc biệt này ngày càng hư hại. Ngoài ra, vấn đề trùng tu nhà cổ, công tác phòng cháy chữa cháy, chống mối mọt cho di tích cũng rất cấp bách, cần thực hiện ngay.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản trình HĐND tỉnh đề nghị bổ sung vào danh mục đầu tư để tiến hành trùng tu Chùa Cầu trong năm 2021. Nguồn kinh phí tu bổ gần 20 tỉ đồng (gồm 50% của tỉnh và 50% của TP.Hội An). Do Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phải cho kê giá gỗ, chống đỡ tạm thời bên dưới gầm Chùa Cầu.

Bên trong bảo tàng của ông Tuấn "cá sấu"

ẢNH: LÊ TÂN

Hải Phòng cho “vua cá sấu miền Bắc” mở bảo tàng tư nhân

Bảo tàng Văn hóa - Nghệ thuật Đông Dương của ông Cao Văn Tuấn, người được mệnh danh là “vua cá sấu miền Bắc”, đã được UBND TP.Hải Phòng cấp phép hoạt động.
Là một doanh nhân thành danh với việc đưa loài cá sấu Xiêm từ miền Nam ra Bắc nhân giống, phát triển, ông Cao Văn Tuấn (60 tuổi, Giám đốc Công ty cá sấu Việt Nam, P.Hùng Vương, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) còn nổi tiếng với niềm đam mê văn hóa.
Từ 20 năm nay, ông Tuấn tạo mối liên hệ đặc biệt với giới văn nghệ sĩ. Nhiều tiền của làm ra từ hoạt động kinh doanh được ông Tuấn “đổ” vào đam mê văn hoá nghệ thuật của mình.
“Tôi có 3 đam mê lớn. Một là cá sấu, hai là đồ cổ và ba là tranh nghệ thuật. Tôi tìm đến cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật để học hỏi về văn hóa”, ông Tuấn thường hay chia sẻ với bạn bè như vậy.
Trong khuôn viên rộng hơn 10.000 m2 của Công ty cá sấu Việt Nam, ông Tuấn cho xây dựng 2 toà nhà lớn để chứa cổ vật, tranh ảnh sưu tập được. Theo thống kê, ông Tuấn đang sở hữu hơn 2.000 cổ vật và khoảng 300 tác phẩm nghệ thuật các loại.
“Mỗi tuần, thậm chí hàng ngày, đều có anh em, bạn bè, người quan tâm đến chơi với tôi. Họ muốn tham quan, chiêm ngưỡng những món đồ nghệ thuật tôi có. Điều đó khiến tôi nảy ra ý tưởng làm bảo tàng. Một bảo tàng nghệ thuật đầy sức hút, giá trị, với tên Đông Dương”, ông Tuấn vừa nói vừa mở cánh cửa căn phòng lớn đã được cải tạo thành bảo tàng.
Hướng mắt về tấm biển đề tên của bảo tàng, ông Tuấn giải thích: “Bảo tàng của tôi quay hướng đông. Tôi cũng thích bình minh. Chính vì vậy, tôi chọn tên Đông Dương, đó là ánh sáng mặt trời phía đông thôi”.
Trong ánh sáng huyền ảo của hệ thống đèn được bố trí cẩn thận, hàng nghìn cổ vật trong bảo tàng này được bố trí tinh tế, tỉ mỉ và trang trọng. Theo lý giải của ông Tuấn, bộ sưu tập đồ gốm từ thời đại Đông Sơn đến thế kỷ 20 được bài trí theo dòng thời gian. Trong khi đó, những món đồ thờ, tượng cổ, được bố trí theo không gian.
“Tôi chỉ là ‘tay mơ’ khi làm bảo tàng. Chính vì vậy, tôi đã hỏi, nhờ rất nhiều người có chuyên môn để bài trí hiện vật sao cho hợp lý nhất. Bài trí theo dòng thời gian thì không khó, nhưng không gian lại khác. Những món đồ trong cùng không gian phải có sự liên kết với nhau”, ông Tuấn lý giải.
Theo ông Tuấn, về cơ bản, mọi thứ ở bảo tàng đã xong, giấy phép hoạt động cũng đã được UBND TP.Hải Phòng cấp. Nếu không có gì cản trở, bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Hải Phòng này sẽ chính thức mở cửa vào mùa hè năm 2021.
“Trước mắt, tôi mở cửa miễn phí, phải lan tỏa giá trị của bảo tàng đã. Tôi hy vọng bảo tàng sẽ giúp mọi người yêu nghệ thuật, yêu cổ vật như tôi. Có thể, tôi sẽ nghèo đi về vật chất, thậm chí phá sản vì bảo tàng, nhưng tôi cứ làm vì tôi mê và yêu văn hóa”, ông Tuấn trả lời khi được hỏi có bán vé tham quan bảo tàng hay không.
Đánh giá về bảo tàng của ông Cao Văn Tuấn, ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó chủ tịch Hội cổ vật Hải Phòng, cho biết: “Đồ cổ trong bảo tàng của ông Tuấn có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, rất thích hợp trưng bày, giới thiệu trong bảo tàng”.
Ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Hải Phòng, cũng đánh giá rất cao công sức mà ông Tuấn đã bỏ ra để sưu tầm cổ vật, rồi thành lập bảo tàng tư nhân.

Lễ hội chùa Hương năm nay, du khách sẽ hành lễ theo một chiều, giữ đúng khoảng cách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Lễ hội chùa Hương 2021: Kẻ vạch cho người dân hành lễ theo khoảng cách

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, du khách tham gia lễ hội chùa Hương 2021 sẽ đứng theo vạch kẻ, đứng theo khoảng cách an toàn khi hành lễ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, lễ hội chùa Hương đã phải tạm hoãn để phòng dịch. Năm nay, được sự cho phép của lãnh đạo TP.Hà Nội, chùa Hương sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13.3 (tức ngày 1.2 âm lịch), muộn hơn 1 tháng so với thường lệ.
Nhận tin mừng, hàng trăm tiểu thương, nhà đò đã dọn dẹp hàng quán, lau dọn thuyền bè để sẵn sàng đón du khách.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương (xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, Hà Nội), cho biết để chuẩn bị đón khách trở lại, UBND H.Mỹ Đức đã xây dựng phương án cụ thể trình UBND TP.Hà Nội và các ban, ngành với mục tiêu lễ hội an toàn song song với phòng, chống dịch.
Theo đó, tất cả du khách đến chùa Hương phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế bằng việc quét mã QR và hạn chế tập trung đông người.
Đối với những đoàn đông người thì trưởng đoàn phải cung cấp thông tin, số điện thoại để phục vụ việc truy vết khi cần thiết.
Ngoài ra, ban tổ chức sẽ bố trí 2 điểm cách ly y tế dự phòng để làm nơi khai báo y tế chi tiết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, ho, sốt và có yếu tổ dịch tễ. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn tăng cường khoảng 300 người, gồm y tế, công an và lực lượng của ban quản lý,... nếu khách đông sẽ xin thành phố hỗ trợ lực lượng.
“Để chở du khách, chúng tôi yêu cầu thuyền nhỏ chở tối đa 6 người, thuyền to tối đa 12 người. Khi di chuyển khách ngồi cùng chiều, chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch tốt nhất”, ông Hiển nói.
Tại các điểm thờ tự và thực hiện nghi lễ tôn giáo, ban tổ chức kẻ vạch để người dân hành lễ theo một chiều, đồng thời bố trí lực lượng hướng dẫn du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn và thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ, đảm bảo khoảng cách.
Bố trí người đón lễ bên trong, người ra trả lễ bên ngoài theo một chiều ngay sau khi du khách lễ xong để rút ngắn thời gian hành lễ.
Tại các cơ sở lưu trú phải thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn và thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với khách. Các cơ sở ăn uống bắt buộc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các bàn ăn phải có vách ngăn bằng kính, mica, nhựa đủ độ dày và chiều cao.
“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sự an toàn. Chủ đề lễ hội năm 2021 là “chùa Hương - điểm đến an toàn, thân thiện” nên chúng tôi khuyến cáo du khách chủ động các trang bị thiết yếu, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh”, ông Hiển cho hay.

Vợ chồng nghệ sĩ Thương Tín và con gái

ẢNH: T.L

Thương Tín nhận 800 triệu đồng và xe hơi

Cuộc đời phiêu bạt và vừa trải qua cơn bạo bệnh, nam diễn viên Biệt động Sài Gòn Thương Tín đang trông mong cùng vợ con xây dựng được một ngôi nhà nhỏ, mở tiệm tạp hóa để có "đồng ra đồng vào" như ông hằng ao ước.
Khi hay tin nghệ sĩ Thương Tín nhập viện nhưng hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, không có tiền để trả viện phí, rất đông mạnh thường quân trong và ngoài nước đã giang vòng tay ủng hộ, giúp đỡ ông. Nhiều nghệ sĩ vào thăm, động viên tinh thần, đặc biệt các tên tuổi nổi tiếng: NSND Kim Cương, NSƯT Trịnh Kim Chi, Lý Hùng ... ngoài đóng góp bằng tiền túi của mình, còn vận động kêu gọi mọi người ủng hộ, giúp đỡ nam nghệ sĩ trả viện phí. Tổng số tiền sau 3 đợt quyên góp được nghệ sĩ Kim Chi công bố là hơn 400 triệu đồng.
Nữ nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cho biết, số tiền này được dùng để chi trả viện phí, trao cho Thương Tín 100 triệu đồng tiền mặt, còn lại sẽ dành mua bảo hiểm lo cho con gái ông đến 18 tuổi. May mắn, Thương Tín còn được một người quen tặng chiếc xe hơi để làm phương tiện đi lại. Ít ngày sau khi xuất viện, Thương Tín đã theo chiếc xe này về quê dưỡng bệnh tại Phan Rang (Ninh Thuận).
Ngoài ra, bà xã của nghệ sĩ Thương Tín còn nhận được hỗ trợ 400 triệu đồng từ mạnh thường quân trong và ngoài nước gửi về tài khoản cá nhân (được MC Phạm Anh giúp đỡ mở tài khoản, kêu gọi quyên góp ban đầu).
Với khoản hỗ trợ không hề nhỏ là hơn 800 triệu đồng và chiếc xe hơi, nhiều khán giả bắt đầu lo lắng và đặt câu hỏi: "Thương Tín sẽ sử dụng số tiền quyên góp như thế nào cho phù hợp?". Mặt khác, chiếc xế hộp ông được tặng cũng đã gây nên những tranh cãi trái chiều trên cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, món quà là tấm lòng của mạnh thường quân nhưng lại không phù hợp với hoàn cảnh của Thương Tín, đôi khi là lợi bất cập hại. Mặt khác, quá khứ ăn chơi của Thương Tín cũng là nguyên nhân sâu xa, khiến công chúng bàn tán quanh chuyện ông được tặng xế hộp và 800 triệu đồng tiền mặt sau cơn đột quỵ.
Thương Tín đang ở quê. Nói đến số tiền hỗ trợ và quà xe hơi của các nhà hảo tâm, ông cảm kích trước tấm lòng của mọi người dành cho mình. "Nhờ sự giúp đỡ của anh - chị - em nghệ sĩ, các đồng nghiệp, khán giả khắp mọi nơi... mà tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Khi nằm viện, tôi còn lo không có tiền để trả. Tôi thật sự cảm ơn khán giả gần xa đã yêu thương và san sẻ với tôi trong lúc bệnh tật. Để đáp lại tình cảm của mọi người, tôi sẽ cố gắng đóng thật nhiều phim, cố gắng cống hiến cho đến phút cuối cùng", Thương Tín chia sẻ.
Nam diễn viên Biệt động Sài Gòn cho biết, có đọc những bình luận của khán giả trên mạng xã hội dành cho mình. Ông buồn nhưng hiểu được tâm lý của công chúng, khi đặt niềm tin cho một người từng có quá khứ sống buông thả, ăn chơi.
Gạt bỏ những tranh luận và lo lắng, Thương Tín cho thấy ông đã thay đổi, đặc biệt sau cơn "thập tử nhất sinh" vừa qua. Làm lại cuộc đời, sống tích cực, theo nam diễn viên đó là tình yêu dành cho cô con gái bé nhỏ. Phần lớn số tiền hỗ trợ, ông và vợ sẽ dành cho con gái, còn lại để lấy vốn làm ăn sau này. Nghệ sĩ Thương Tín tâm sự: "Hơn ai hết, tôi là người hiểu rõ nhất sức khỏe của mình. Tháng ngày còn lại, tôi muốn bù đắp cho vợ con, đặc biệt là con gái. Diễn viên Trịnh Kim Chi đã mua bảo hiểm 300 triệu đồng cho con gái tôi đến 18 tuổi. 100 triệu tiền mặt còn lại, tôi chi ra để sửa chiếc xe hơi được tặng, vì đó là xe cũ còn ở trong gara. Tôi dự định sẽ tìm người cho thuê chiếc xe này để kiếm tiền chi tiêu hằng tháng".
Về phần tiền được hỗ trợ trong tài khoản vợ ông, nghệ sĩ Thương Tín cho biết, tổng cộng được 400 triệu đồng. "Tôi và bà xã quyết định mở sổ tiết kiệm 100 triệu đồng, để dành cho con gái. Tôi cũng dự tính mở cửa hàng tạp hóa nhỏ cho vợ buôn bán, với số vốn 150 triệu đồng. Còn lại, tôi sẽ xây dựng căn nhà nhỏ, để con gái có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng. Mảnh đất này được cha mẹ vợ tôi cho khi vợ chồng tôi lấy nhau, nhưng vẫn chưa cất nhà được vì chưa có tiền. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà ước mơ có căn nhà cho riêng mình của tôi cuối cùng cũng có thể thực hiện được. Tôi biết ơn nhiều lắm", nghệ sĩ Thương Tín nói.

Hoàng gia Anh “mất tinh thần” sau cuộc phỏng vấn chấn động của vợ chồng Hoàng tử Harry

Cung điện Buckingham (Anh) “kinh hoàng và mất tinh thần” khi Hoàng tử Harry bị buộc tội “làm nổ tung gia đình” bằng cuộc phỏng vấn của vợ chồng anh trên đài CBS (Mỹ).
Nữ hoàng Elizabeth II, Thái tử Charles và Hoàng tử William họp suốt cả ngày 8.3 để bàn cách ứng phó với một loạt các cáo buộc của Hoàng tử Harry và vợ - Meghan Markle tung ra trong chương trình đặc biệt kéo dài hai giờ với Oprah Winfrey trên kênh truyền hình Mỹ.
Những người trong Cung điện Buckingham mô tả tâm trạng “sốc và buồn bã”, rằng Hoàng tử Harry đã nhấn nút “bom hạt nhân cho gia đình của mình”. Cuộc phỏng vấn của vợ chồng Hoàng tử Harry trên kênh CBS vào tối 7.3 (giờ Mỹ) gây chấn động khắp thế giới khi cặp đôi tiết lộ mức độ rạn nứt của họ với Nữ hoàng và các thành viên hoàng gia cao cấp khác.
Họ cáo buộc một thành viên hoàng gia giấu tên phân biệt chủng tộc khi hỏi “đứa con trai của họ sẽ đen đến mức nào”, đồng thời cho biết họ rời khỏi nước Anh, một phần do phân biệt chủng tộc. Harry tiết lộ mối quan hệ rạn nứt đáng kinh ngạc với cha mình – Thái tử Charles, rằng gia đình cắt đứt nguồn tài chính với anh.
Cung điện Buckingham, nơi không nhận thông báo về cuộc phỏng vấn của cặp đôi trước khi nó được công bố lần đầu tiên vào tháng trước, đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất. Nhưng các trợ lý không thể dự đoán cuộc phỏng vấn của cặp đôi này thu hút lượng khán giả “khủng”: hơn 17 triệu người xem chỉ riêng ở Mỹ chưa tính lượng khán giả toàn cầu gấp nhiều lần, bao gồm cả trên kênh ITV ở Anh.
Tờ Daily Mail thông tin rằng các nhân viên hoàng gia thức đến 3 giờ sáng để xem cuộc phỏng vấn với cảm giác “kinh hoàng và buồn bã”. Nhân viên IT của điện Buckingham thiết lập một mạng lưới máy tính để họ có thể xem cuộc phỏng vấn, trong khi các nhân viên khác xem trên máy tính xách tay của họ khi làm việc tại nhà, Daily Telegraph đưa tin.
Nữ hoàng Elizabeth II đang ở tại lâu đài Windsor, đã nói chuyện với con trai - Thái tử Charles và cháu trai William. Trong khi đó những người trong nội bộ hoàng gia rất ngạc nhiên khi Meghan Markle tuyên bố rằng họ cố gắng ngăn cản con trai cô ấy (Archie) có được tước vị, quyền được bảo vệ vì thành kiến chủng tộc do cha cô là người da trắng còn mẹ da đen. “Họ không muốn con trai tôi trở thành hoàng tử”, vợ Hoàng tử Harry nói với Oprah Winfrey.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.