Sự kiện văn hóa tuần qua: Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
22/05/2022 07:00 GMT+7

Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 132 ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2022).

Sáng 19.5, Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành, đưa vào hoạt động công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến dự và cắt băng khánh thành có ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh; Ban giám đốc Công an tỉnh và các lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Long.

Công trình được khởi công vào tháng 2.2022, nằm trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Vĩnh Long, với diện tích 81 m², trong đó khu thờ chính có diện tích 25 m2 và hành lang xung quanh 56 m². Sau 3 tháng thi công, công trình hoàn thành vào đúng ngày kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022)

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cùng các vị lãnh đạo tỉnh và Ban giám đốc Công an tỉnh cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

XUÂN PHÚC

Nguồn kinh phí xây dựng công trình được cán bộ chiến sĩ tự nguyện đóng góp và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ, góp phần xây dựng và hoàn thành.

Việc khánh thành công trình là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ đảng viên, nhân dân nói chung và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Phát biểu tại buổi lễ, đại tá Nguyễn Trọng Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn trước công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, nhấn mạnh Công an tỉnh Vĩnh Long quyết tâm, phấn đấu thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an tỉnh nhà thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, xứng danh là “thanh bảo kiếm của Đảng”, “lá chắn thép” vững vàng trong đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

5 đặc sản thiên nhiên và quà tặng nổi tiếng Việt Nam được đề cử kỷ lục châu Á

Danh sách đề cử Kỷ lục châu Á món ăn đặc sản Việt Nam (2021 – 2022) ngoài 5 món ăn đặc sản: bánh canh Nam Phổ (Thừa Thiên - Huế); bánh mì Hội An (Quảng Nam); gỏi sầu đâu (An Giang); gỏi cá Trích Phú Quốc (Kiên Giang); lẩu mắm U Minh (Cà Mau), còn có 2 đặc sản thiên nhiên và 3 đặc sản quà tặng.

Các đặc sản Việt Nam được đề cử lần này gồm: vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang) - đặc sản thiên nhiên đầu tiên còn được mệnh danh là “nữ hoàng” của xứ sở trái cây đất này. Cái tên vú sữa Lò Rèn là do người Vĩnh Kim, huyện Châu Thành đặt ra vì muốn ghi nhớ công ơn của người thợ rèn đã nhân giống vú sữa ngon cho vùng đất này. Đặc sản thiên nhiên thứ 2 được đề cử Kỷ lục châu Á năm nay là vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).

Rượu sim Phú Quốc có vị rất đặc trưng: thơm nồng, chát và ngọt vị rất thanh

VIETKINGS

3 đặc sản quà tặng cũng là niềm tự hào của người Việt gồm: yến sào Khánh Hòa, tỏi Lý Sơn Quảng Ngãi và rượu sim Phú Quốc.

Để có thể quảng bá rộng rãi các giá trị ẩm thực, đặc sản của Việt Nam một cách rộng khắp, từ năm 2010 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã tiến hành đề cử Kỷ lục châu Á cho các món ăn, đặc sản, quà tặng Việt Nam theo bộ tiêu chí xác lập Giá trị ẩm thực châu Á. Theo đó, đã có 22 món ăn, 8 đặc sản quà tặng nổi tiếng của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận trong năm 2012 và 2013.

Cà Mau ra mắt câu lạc bộ Kể chuyện Bác Ba Phi

Ngày 18.5, tin từ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết đơn vị này phối hợp cùng UBND H.Trần Văn Thời tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ Kể chuyện Bác Ba Phi.

Câu lạc bộ Kể chuyện Bác Ba Phi có 20 thành viên là các nghệ sĩ và nhân viên Trung tâm Văn hóa H.Trần Văn Thời. Khi đi vào sinh hoạt, câu lạc bộ sẽ mời người dân tại địa phương có nhu cầu tham gia.

Câu chuyện tiếu lâm của Bác Ba Phi qua lời kể của các thành viên trong câu lạc bộ

CTV

Được biết, sau khi ra mắt, câu lạc bộ Kể chuyện Bác Ba Phi sẽ sinh hoạt tối thiểu 1 lần/tháng. Tuy nhiên, khi du khách có yêu cầu thì câu lạc bộ sẽ phục vụ hoàn toàn miễn phí.

Bác Ba Phi tức Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (1884-1964) được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian năm 2003.

Không gian trong chuyện Bác Ba Phi nằm trong địa giới U Minh, những nhân vật là đặc sản của rừng U Minh Hạ như: lúa gạo, trăn, rắn, rùa, mật ong... Tuy nhiên, nhân vật trong truyện của “vua tiếu lâm” cái gì cũng to, cũng lạ, cũng khác thường.

Tác phẩm của Bác Ba Phi đã trở nên quen thuộc với những người con sinh ra và lớn lên tại vùng đất Nam bộ. Hằng năm, vào ngày 3.11 (âm lịch) nhiều người đã quy tụ về Khu lưu niệm Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Long Phi ở ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời để tưởng nhớ và làm đám giỗ cho ông.

Bà Rịa-Vũng Tàu và An Giang trưng bày chuyên đề Văn hóa Óc Eo

Ngày 18.5, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng tỉnh An Giang khai mạc trưng bày chuyên đề n hóa Óc Eo tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 4 Trần Phú (TP.Vũng Tàu).

Theo đó, bảo tàng trưng bày giới thiệu 124 hình ảnh, 112 hiện vật về nền văn hóa Óc Eo được lựa chọn từ các cuộc khai quật khảo cổ học, di chỉ; các hiện vật phổ biến sử dụng trong tín ngưỡng, sinh hoạt, các sản phẩm thủ công, trang sức... được chế tác từ các loại chất liệu đa dạng như: gốm, đá, gỗ, kim loại...

Các đại biểu xem ảnh chụp trưng bày tại buổi khai mạc

NGUYỄN LONG

Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa lớn được hình thành và phát triển vào khoảng cuối thế kỷ thứ I đến đầu thế kỷ VII sau Công Nguyên, do nhà khảo cổ học người Pháp tên là Louis Malleret phát hiện vào tháng 4.1942, tại gò Óc Eo, xã Vọng Thê (H.Thoại Sơn, An Giang).

Năm 1944, ông Malleret đã cho tiến hành khai quật và công bố những phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc bằng gạch, đá, nhiều cọc gỗ, nhà sàn di vật bằng gốm, đất nung, đồng, chì, thiếc, vàng, bạc, đá quý, thủy tinh…

Nhiều tàn tích thực vật, xương cốt động vật nằm trong các lớp đất đã được Malleret phân tích, từ đó đưa ra nhận định Óc Eo là một đô thị có hoạt động mậu dịch, thương mại, là một thành phố cảng có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa và chính trị.

Tại địa điểm di tích Óc Eo đã có một quá trình cư trú lâu dài và đây được coi là một cảng biển quốc tế đặc biệt phát triển nhất lúc bấy giờ.

Từ những phát hiện đầu tiên của ông Malleret, 30 năm sau, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thì các nhà khảo cổ của Việt Nam đã tìm thấy được hàng trăm địa điểm thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Trong số đó có hàng chục di chỉ đã được khai quật với diện phân bố rộng lớn hơn, không chỉ có ở An Giang như trước đây, mà còn phân bố rộng khắp các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An… Tuy nhiên, có thể nói An Giang là địa bàn phát triển nhất nền văn hóa này.

Trưng bày chuyên đề Văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết thúc vào ngày 18.6.

Khai mạc LHP Cannes 2022

Liên hoan phim (LHP) Cannes diễn ra từ ngày 17 đến 28.5 mang theo hy vọng từ ngành công nghiệp điện ảnh rằng sẽ kéo khán giả trở lại rạp chiếu phim.

LHP Cannes 2022 khai mạc hôm 17.5 tại thành phố cảng Địa Trung Hải của nước Pháp, tràn ngập các ngôi sao điện ảnh, khán giả tham dự lễ hội và những người yêu quý sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập LHP bậc nhất thế giới.

“Tôi thật là vui mừng khôn xiết”, chủ tịch ban giám khảo của LHP Cannes 2022 Vincent Lindon nói trong một cuộc họp báo, có sự tham gia của các thành viên ban giám khảo gồm các diễn viên và nhà làm phim: Rebecca Hall, Noomi Rapace, Deepika Padukone, Jeff Nichols, Asghar Farhadi, Ladj Ly, Joachim Trier.

Nữ diễn viên, Hoa hậu Pháp Amandine Petit xuất hiện trên thảm đỏ

REUTERS

LHP Cannes 2022 mở màn bằng bộ phim Final Cut do Michel Hazanavicius đạo diễn, sau đó là sự góp mặt bom tấn Top Gun: Maverick của ngôi sao Tom Cruise - đưa anh trở lại LHP lần đầu sau 30 năm - và phim tiểu sử Elvis về danh ca Mỹ Elvis Presley của Baz Luhrmann.

Thảm đỏ với sự xuất hiện hàng loạt ngôi sao điện ảnh khắp thế giới, rất hiếm người mang khẩu trang khiến đại dịch Covid-19 dường như là một ký ức xa xôi. Khán giả nhận ra các diễn viên đóng Final Cut là Romain Duris, Bérénice Bejo, chủ tịch ban giám khảo Vincent Lindon - một diễn viên kỳ cựu Pháp gần đây đóng vai chính trong phim Titane của nữ đạo diễn Julia Ducournau đoạt Cành cọ vàng LHP Cannes 2021 cùng hàng loạt sao khác trên thảm đỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.