Sự kiện văn hóa tuần qua: Xuyên tạc lịch sử, tiết lộ bí mật cá nhân trong điện ảnh bị phạt đến 50 triệu

08/01/2023 07:00 GMT+7

Nghị định 128 có hiệu lực từ tháng 2.2023 quy định mức phạt 40 - 50 triệu đồng với các hành vi xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ 15.2.2023.

Đáng chú ý, nghị định này sửa quy định mức phạt hành vi vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Cụ thể, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi hoạt động điện ảnh có một trong các nội dung sau: xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa.

Phim Little Women bị rút khỏi Netflix tại Việt Nam do xuyên tạc lịch sử Việt Nam

t.n

Gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; truyền bá tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội.

Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân. Kích động, chống đối việc thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh từ 1 - 3 tháng đối với hành vi quy định nêu trên.

Hình thức phạt này không áp dụng với các phim có sử dụng bối cảnh Việt Nam nhưng đã bị thu hồi.

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng.

Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định. Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đã được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

UBND H.Hoàng Sa (Đà Nẵng) triển lãm chủ quyền Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa

Sáng 7.1 tại Trường ĐH Đông Á , UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) phối hợp cùng Thành đoàn Đà Nẵng, Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức triển lãm và tuyên truyền biển đảo, chủ đề “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” đến sinh viên nhà trường.

Triển lãm giới thiệu 54 khung trưng bày với hơn 140 tư liệu, hình ảnh về các chủ đề gồm: Lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; tuổi trẻ với biển đảo quê hương.

Triển lãm nhằm tuyên truyền chủ quyền biển đảo đến giới trẻ

NGUYỄN TÚ

Ngoài các tư liệu của UBND H.Hoàng Sa, triển lãm lần này có thêm những hình ảnh từ Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó có các đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, quần đảo Hoàng Sa…

Bên cạnh hình ảnh, bản đồ, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của Nhà trưng bày Hoàng Sa, còn có hình ảnh về hoạt động vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển, những ngư dân – người chủ biển khơi can trường, hình ảnh bạn thuyền, tình quân - dân trên biển.

Triển lãm cũng giới thiệu hình ảnh của Thành đoàn Đà Nẵng và Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Nổi bật là những hình ảnh tuổi trẻ hướng về biển đảo quê hương, thể hiện tinh thần yêu nước, cống hiến, quyết tâm hành động của giới trẻ đối với chủ quyền.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 12.1.

Chương trình sân khấu hóa về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn thành phố - Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thực hiện 2 chương trình nghệ thuật đặc biệt vào ngày 6.1.

Đã 55 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 vẫn còn nguyên vẹn, đó là khát vọng về độc lập - tự do và hòa bình cho tổ quốc; là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là tinh thần độc lập - tự chủ - sáng tạo trong đường lối và chỉ đạo chiến lược; là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả...

NSND Trọng Hữu

Q.THẮNG

Với ý nghĩa đó, chương trình đầu tiên là buổi văn nghệ họp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968, diễn ra vào 8 giờ 30 ngày 6.1 tại Hội trường Thống Nhất (số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM); với sự tham gia của các văn nghệ sĩ: NSND Tạ Minh Tâm, NSND Trọng Hữu, NSƯT Phượng Loan, Phạm Thế Vĩ, Thanh Sử, Duyên Huyền, Thành Tâm, Ngọc Luân, Đăng Nguyên, Nhóm ca Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn TP HCM, Nhóm MTV SG.

Vào 19 giờ cùng ngày diễn ra chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968, với chủ đề Tự hào bản hùng ca xuân Mậu Thân - 1968, diễn ra tại Khu Tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Chương trình có sự tham gia của: nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Ngọc Đợi, Phạm Thế Vĩ, Thanh Sử, Duyên Huyền, Đào Mác, Thành Tâm, Ngọc Luân, Thanh Nguyên, Cao Công Nghĩa, Thuỳ Trinh, Duyên Quỳnh, Đăng Nguyên, Trung Hiếu, Phạm Đồng Diệu Ly, Ryo, Đàm Thu Thủy, Bích Lộc, Trúc My, Liên đoàn Võ Cổ truyền TP.HCM, Nhóm Lạc Việt, Nhóm Nhật Nguyệt, Nhóm 135, Nhóm múa Mặt Trời - Ánh Sáng, Nhóm múa ABC - Alpha, Nhóm Võ cổ truyền TP.HCM, Nhóm múa Mai Trắng - Sen Trắng...

Lễ hội Đường sách TP.HCM Tết Quý Mão 2023

Chủ đề Lễ hội Đường sách TP.HCM Tết Quý Mão năm 2023 là TP.HCM - Xuân an vui, xuân thịnh vượng diễn ra trên tuyến đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, Q.1), do nhiều đơn vị phối hợp cùng thực hiện: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, NXB Tổng hợp TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Trung tâm lưu trữ Quốc gia Khu vực II, Công ty CP Phát hành sách TP.HCM, Công ty CP Văn hóa Phương Nam, Công ty CP Sách Sài Gòn, Công ty CP Sách Thái Hà, Công ty CP Văn hóa Con mèo nhỏ, Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Nhã Nam, Công ty CP Văn hóa Đông A, Công ty TNHH Công nghệ WeWe và một số đơn vị có liên quan.

Lễ hội Đường sách Tết là hoạt động góp phần tuyên truyền nâng cao văn hóa đọc đến người dân, tạo không gian giải trí, hoạt động văn hóa vui xuân trong dịp Tết đến, xuân về

T.L

Đường sách Tết Quý Mão năm 2023 là TP.HCM - Xuân an vui, xuân thịnh vượng diễn ra từ 17 giờ ngày 19.1 đến 22 giờ ngày 26.1 (tức từ 28 tháng Chạp âm lịch đến hết Mùng 5 Tết). Thời gian khai mạc: Lúc 17 giờ ngày 19.1 (28 tháng Chạp năm Nhâm Dần).

Xóa tên nhà văn Trần Thanh Cảnh khỏi Hội Nhà văn Hà Nội

Ngày 3.1, nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã ký quyết định số 01 QĐ/HNVHN có nội dung: “Xóa tên hội viên Hội Nhà văn Hà Nội với ông Trần Thanh Cảnh, sinh ngày 13.1.1959”.

Một thành viên trong BCH Hội Nhà văn Hà Nội cho biết lý do xóa tên ông Trần Thanh Cảnh là: không tham gia sinh hoạt chuyên môn, không đóng hội phí và không có hộ khẩu ở Hà Nội.

Ông Trần Thanh Cảnh từng tự bạch với báo chí: xuất thân là dược sĩ, là chủ một doanh nghiệp, ông viết văn như một sự giải tỏa. Ông là tác giả hai tiểu thuyết lịch sử: Đức Thánh TrầnTrần Thủ Độ. Trước đó, cuốn Kỳ nhân làng Ngọc đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015.

Vào năm 2016, trong danh sách kết nạp hội viên mới không có tên Trần Thanh Cảnh. Ông đã tới trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam rút hồ sơ về. Sau đó, ông tuyên bố không bao giờ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam nữa.

Năm 2022 này, ông Trần Thanh Cảnh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, lĩnh vực văn xuôi.

Trên trang Facebook cá nhân, ngày 30.12.2022,ông Cảnh tuyên bố sẽ rút khỏi Hội Nhà văn Hà Nội với lý do mấy năm qua ông đã không tham dự các hoạt động chuyên môn và không đóng hội phí hàng tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.