Sự kiện văn hóa tuần qua: Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách trong đầu tư phát triển văn hóa

18/12/2022 07:00 GMT+7

Ngày 17.12, Hội thảo văn hóa quốc gia với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” khai mạc tại Bắc Ninh .

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT-DL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Chủ tọa hội thảo có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo văn hóa chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa"

btc

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn đánh giá hiện tại văn hóa chưa được quan tâm như kinh tế. Ông nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nguyên nhân dẫn đến văn hóa còn yếu kém là tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là: “Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ T.Ư đến cơ sở. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa… Sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa”.

Ông Trần Thanh Mẫn nói: “Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ban tổ chức hội thảo sẽ xây dựng báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương để phục vụ công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa”.

Ông Thắng cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta rất cần có khung khổ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên văn hóa, các giá trị văn hóa và con người; cần bảo đảm “tính đúng, tính đủ” các giá trị văn hóa, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình phát triển kinh tế.

Theo ông Thắng phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành tựu về phát triển văn hóa luôn mang lại hiệu ứng cộng hưởng trong các thành tựu phát triển chung. Đây phải là cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bảo đảm tính tổng thể và toàn diện trên tất cả các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Có vậy, các địa phương mới nhận thức rõ trọng trách, sự ưu tiên, đồng thời không cảm thấy bị thua thiệt, nhất là trong thu ngân sách hàng năm khi thực thi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, giá trị văn hóa bền vững của đất nước.

Ông Thắng đề xuất việc thảo luận về xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Theo đó, phải có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách thật cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người hiện nay.

Trong đó, cần nhất là tháo gỡ về phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực phát triển văn hóa; cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa; cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển văn hóa, quy hoạch phát triển của các địa phương giàu tiềm năng văn hóa… để lĩnh vực văn hóa, con người có được những bước đột phá phát triển thật sự.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được trao Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời

Ngày 12.12, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp phiên chung khảo quyết định về việc trao các giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2022.

Từ kết quả bỏ phiếu kín của các ủy viên Ban Chấp hành Hội, Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời được trao cho cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và các tác phẩm của ông (những năm trước đây, khi còn sống, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cho cuốn sách tùy bút, phê bình Giăng lưới bắt chim của ông).

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

t.l

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội cũng quyết định trao Giải thưởng văn xuôi năm 2022 cho tập truyện ngắn Người bay trong gió xanh của nhà văn quân đội Phạm Duy Nghĩa với số phiếu rất cao (trước đây, nhà văn Phạm Duy Nghĩa cũng từng đoạt giải thưởng cao nhất về truyện ngắn của Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN). Năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội không có giải thưởng thơ, không có giải phê bình lý luận và văn học dịch. Ban Chấp hành Hội cũng quyết định kết nạp 31 hội viên mới thuộc các chuyên ngành: thơ, văn xuôi.

Điện Biên Phủ trên không - 50 năm nhìn lại tại TP.HCM

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12.1972 - 12.2022), ngày 16.12 Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) long trọng khai mạc trưng bày chuyên đềĐiện Biên Phủ trên không - 50 năm nhìn lại.

Trưng bày giới thiệu 189 hình ảnh, tư liệu, hiện vật với các nội dung chủ đề: Một chiến dịch hủy diệt; Thích ứng - cuộc sống dưới đạn bom; Bạn bè quốc tế ủng hộ VN đấu tranh; Trận quyết chiến trên bầu trời Hà NộiHòa giải, mang đến câu chuyện toàn cảnh về 12 ngày đêm khói lửa: Từ nguyên nhân, diễn biến của chiến dịch Linebacker - một chiến dịch hủy diệt của Mỹ đến những nỗ lực của nhân dân VN và sự ủng hộ của nhân dân thế giới để mang đến chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Khách tham quan trưng bày chuyên đề Điện Biên Phủ trên không - 50 năm nhìn lại

LÊ CÔNG SƠN

Qua hình ảnh và hiện vật sống động, khách tham quan càng cảm nhận sâu sắc hơn sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá của bom đạn, qua đó hiểu và cảm phục hơn ý chí kiên cường, thích ứng linh hoạt của những người con đất Việt trong khói lửa chiến tranh: trong mưa bom vẫn tổ chức học tập, lao động, trực tiếp sản xuất, xây dựng các phương án tác chiến, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của quân đội Mỹ năm 1972.

Nước mắm Phú Quốc đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 16.12, tại TP.Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Sau khi được thành lập vào năm 2000, Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc đã chủ động đề xuất xây dựng và đăng ký xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý. Đến tháng 6.2021, nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (trái), đại diện trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm nước mắm Phú Quốc

XUÂN LAM

Năm 2012, sau nhiều nỗ lực, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý tại 28 nước liên minh châu Âu. Năm 2017, được nhà nước công nhận nghề và làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm. Đến tháng 5.2021 được Bộ VH-TT-DL chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”.

Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc được hình thành hơn 200 năm nay. Phú Quốc hiện có hơn 7.000 thùng gỗ chượp cá, mỗi thùng có sức chứa từ 12 - 15 tấn cá. Hằng năm, Phú Quốc sản xuất từ 20 - 30 triệu lít nước mắm tính từ 25 độ đạm trở lên.

Tại buổi lễ, 5 tập thể 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen vì có những đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Ngay sau lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo phát triển bền vững nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc.

Nhà văn Trần Huy Quang qua đời

Nhà văn Trần Huy Quang sinh ngày 9.11.1943 tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã qua đời 17 giờ 40 chiều 15.12.2022 vì bệnh ung thư, thọ 80 tuổi.

Nhà văn Trần Huy Quang tốt nghiệp khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong chiến tranh từng là bộ đội pháo binh, phụ trách thanh niên xung phong rồi dạy văn hóa trong quân đội. Sau giải ngũ, ông là phóng viên báo Độc Lập, rồi về làm biên tập viên báo Văn Nghệ, nghỉ hưu năm 2008.

Nhà văn Trần Huy Quang

t.l

Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học VN giai đoạn đổi mới. Các tác phẩm đã xuất bản: Chiếc áo màu lửa (tập truyện ngắn 1970); Sự trắc trở đã qua (truyện ngắn 1984); Ngày mai (tiểu thuyết 1985); Ngọn khói (tiểu thuyết 1986); Người làm chứng (tập truyện ký 1988); Nước mắt đỏ (tiểu thuyết 1989); Mối tình hoang dã (tiểu thuyết 1990); Chị dâu (tiểu thuyết 1994); Khúc hoàn lương (tiểu thuyết 1995); Những cô gái Đồng Lộc (tiểu thuyết 1998); Những chân trời xa thẳm (tiểu thuyết 2008). Nhà văn Trần Huy Quang được trao nhiều giải thưởng văn học và báo chí của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn Nghệ, Đài Tiếng nói VN, Hội Nhà văn VN, Hội Nhà báo VN. Ông còn là một nhà báo phóng sự nổi tiếng với bút ký Câu chuyện về ông vua lốp đoạt giải nhất cuộc thi Báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói VN tổ chức năm 1986.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.