Top 16 sân bay được chờ đợi nhất thế giới
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết cấu hạ tầng tốt, hiện đại, kinh tế mới phát triển, mới có thể kéo “đại bàng”, “sếu đầu đàn” đến làm tổ lâu dài. Vì vậy, Chính phủ luôn chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hàng không.
Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.
|
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa qua đường hàng không ngày càng lớn, trong khi hạ tầng chậm được cải thiện đã tạo thành điểm nghẽn. Các cảng hàng không (CHK), sân bay lớn đều khai thác vượt quá công suất thiết kế, đặc biệt Nội Bài, Tân Sơn Nhất thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải.
Thiếu chỗ đậu và bay đã làm mất đi cơ hội kêu gọi các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam, để sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Nếu khắc phục được các tồn tại này, ngành hàng không Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
“Dự án CHK quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay”, Thủ tướng nhấn mạnh. Nếu dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, theo một tổ chức quốc tế của Úc đánh giá, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 - 5%.
Mục tiêu xây dựng CHK quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là mức cao nhất theo tiêu chuẩn của ICAO, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực. Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.
Phát triển kinh tế sân bay
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh Long Thành với vị trí địa lý thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất. Đáng chú ý, để kết nối với Long Thành, sẽ có 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt (gồm đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết). Thủ tướng đánh giá những tuyến này cùng sân bay Long Thành mở ra không gian phát triển mới cho vùng kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế.
Tháng 12.2025 khai thác Long Thành giai đoạn 1Theo Quyết định số 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 tháng 11.2020, dự án chia làm 4 thành phần: Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay; Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong CHK; Dự án thành phần 4 - Các công trình khác. Trong đó, dự án thành phần 3 được giao cho ACV làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV.
Quy hoạch đã được phê duyệt, dự án CHK quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của H.Long Thành (Đồng Nai). Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó, đất xây dựng kết cấu hạ tầng CHK là 2.750 ha; đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha; đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (16,03 tỉ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, CHK quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
|
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan phải chủ động nghiên cứu, đưa vào quy hoạch phát triển khu vực để có sự đồng bộ, phát huy tác dụng lớn lao của sân bay Long Thành. Trong đó, xây dựng một nền kinh tế xung quanh sân bay, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, quốc tế, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng mạnh dịch vụ, kể cả dịch vụ trong sân bay, góp phần giải quyết nhiều việc làm không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Nam bộ và cả nước... Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải nỗ lực đảm bảo dự án Long Thành phải có chất lượng hàng đầu, tiến độ đúng yêu cầu, chủ đầu tư gương mẫu, không thất thoát, lãng phí, tiêu cực và tuyệt đối an ninh, an toàn.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết đến nay, tỉnh đã bàn giao khoảng 2.600 ha cho giai đoạn 1 của dự án. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tập trung lực lượng hoàn thiện diện tích còn lại trong năm 2021, đồng thời kiến nghị sớm triển khai các tuyến cao tốc kết nối để đảm bảo giao thông khi dự án đi vào vận hành.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án thành phần 3, cho biết có 2 yếu tố thuận lợi cho ACV trong việc thực hiện dự án. Thứ nhất, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng và đã bàn giao phần đất cần thiết cho giai đoạn 1. Thứ hai, nguồn vốn được đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng, dự kiến giải ngân khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm 2021.
Sẵn sàng giao thông kết nốiTheo quy hoạch, sẽ có 5 tuyến cao tốc kết nối các tỉnh, thành khu vực phía nam với sân bay Long Thành. Mới nhất là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vừa chính thức khởi công ngày 30.9. Tuyến đường dài 99 km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022.
Cùng với đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện hữu đang quá tải đã được Bộ GTVT đồng ý triển khai sớm giai đoạn 2 của dự án, mở rộng lên 8 làn xe vào năm 2025. Song song, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2016 đang được nghiên cứu triển khai trước đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ. Dự kiến, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Nếu Bộ GTVT đồng ý, dự án cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt dài hơn 200 km từ TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất, Đồng Nai) đến đầu đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), cũng sẽ được khởi công trong quý 3/2022 và hoàn thành năm 2025.
Đối với tuyến cao tốc Long Thành - Bến Lức được khởi công tháng 7.2014 với tổng mức đầu tư 31.000 tỉ đồng, kế hoạch thông xe ban đầu vào cuối năm 2018, nhưng đến nay chỉ đạt 80% khối lượng do thiếu vốn và vướng mặt bằng. Hồi tháng 8, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án với mốc hoàn thành cuối năm 2023, làm cơ sở để làm thủ tục gia hạn vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tạo điều kiện cho dự án tiếp tục triển khai về đích.
M.H - H.M
|
Bình luận (0)