Theo Bộ Y tế, trong đợt đầu tiên, 117.600 liều vắc xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất được tiêm cho các nhóm ưu tiên. Đây là vắc xin mới, chưa có nhiều dữ liệu về phản ứng sau tiêm. Do đó, các điểm tiêm chủng cần đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện an toàn tiêm chủng, bao gồm thực hành tiêm và theo dõi, xử trí kịp thời các phản ứng bất lợi sau tiêm.
Không lắc lọ trước tiêm
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), vắc xin Covid-19 không sử dụng sau 6 giờ mở lọ và chỉ có hạn trong 6 tháng. “Đáng lưu ý với vắc xin Covid-19 này, không lắc lọ trước tiêm, trong khi vắc xin khác cần lắc đều trước tiêm”, TS Hồng nhấn mạnh.
Theo TS Hồng, phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 rất phổ biến (chiếm từ 10%) gồm: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (trong đó, rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C), ớn lạnh; phản ứng phổ biến (chiếm tỷ lệ từ 1% đến dưới 10%) gồm: người tiêm có sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Ngoài ra, phản ứng nghiêm trọng là sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn… Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có dữ liệu và chưa có bằng chứng về trường hợp phản ứng nghiêm trọng liên quan đến vắc xin này.
Để ý dấu hiệu bất thường
TS-BS Phạm Quang Thái, công tác tại NIHE, hướng dẫn: Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi sức khỏe ít nhất 2 ngày; để ý đến các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ tại vị trí tiêm; tuyệt đối không tự đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm với mong muốn giảm sưng đau. Cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường như: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, vật vã, lừ đừ, khó thở hoặc biểu hiện bất thường khác, cần đến ngay cơ sở y tế.
“Với những người có bệnh nền, sau tiêm vắc xin Covid-19 càng cần cẩn trọng trong giám sát sức khỏe và nên cung cấp cho cán bộ y tế các phản ứng sau tiêm, giúp cơ quan y tế đánh giá đúng về đặc điểm của vắc xin, kịp thời có những điều chỉnh cần thiết”, TS Thái lưu ý.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khuyến cáo: Các phản ứng nặng sau tiêm chủng khởi đầu có thể chỉ là phản ứng nhẹ như: sổ mũi, ngạt mũi, khàn tiếng nhưng sau đó thể diễn biến nặng hơn (khó thở), cần được xử trí cấp cứu. Ngoài ra, cần lưu ý các phản ứng phản vệ, xảy ra rất nhanh chóng, chỉ dưới 5 phút, thậm chí chưa kịp rút mũi tiêm. “Các phản ứng dị ứng đường hô hấp (khó thở) và tuần hoàn (tăng nhịp tim; tăng, giảm huyết áp) là phản ứng nặng, cần xử trí rất nhanh chóng, tính bằng phút, thậm chí từng giây. Do đó, tại mỗi điểm tiêm, các xe tiêm lưu động phải có đầy đủ điều kiện cấp cứu, có hộp chống sốc.
Không tiêm chủng với các trường hợp:
Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39 độ C kèm co giật, tím tái khó thở.
Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc xin Covid-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2; quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược là thành phần của vắc xin. Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
Tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp:
Đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng, mãn tính tiến triển.
Đang mắc bệnh Covid-19 được xét nghiệm xác định: chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.
Người có tiền sử điều trị sử dụng kháng thể kháng Covid-19 trước đó: chỉ định tiêm sau 90 ngày điều trị.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vắc xin phòng bệnh khác.
Vắc xin Covid-19 có hiệu quả bảo vệ tốt nhất sau 2 mũi tiêm, cách nhau 21 ngày. (Nguồn: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và NIHE)
|
Bình luận (0)