Nghiên cứu được các nhà khoa học của ĐH Leicester (Anh) thực hiện trên 130 bệnh nhân lọc máu do suy thận. Một nửa số bệnh nhân đạp xe tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 30 phút 3 lần một tuần trong khi đang điều trị. Một nửa còn lại được chăm sóc tiêu chuẩn, không tập thể dục.
Sau 6 tháng, kết quả cho thấy tim của nhóm bệnh nhân đạp xe ít bị viêm hơn và hiệu quả điều trị cũng tăng lên đáng kể so với nhóm còn lại. Giáo sư James Burton, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Các bác sĩ thường chỉ điều trị bằng thuốc, nhưng để cải thiện điều trị lâu dài, chúng tôi muốn tập trung vào những cách mới mẻ hơn để giải quyết các yếu tố nguy cơ mà bệnh nhân thận phải đối mặt”.
Nghiên cứu được đăng trên chuyên san Translational của Trường cao đẳng Y học thể thao Mỹ cũng ghi nhận nhóm đạp xe có ít lần nhập viện vì các vấn đề liên quan đến thận hơn, và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2019 chứng minh tập thể dục có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ tái phát một số bệnh ung thư, cũng theo Daily Mail. Những người tham gia nghiên cứu tích cực tập thể dục trong khi đang điều trị ung thư đại trực tràng ít có nguy cơ tử vong hơn tới 30% trong vòng 8 - 10 năm sau đó.
Trong hai nghiên cứu được công bố trên chuyên san Scientific Reports năm 2019 và 2018, TS Keri Schadler, Trung tâm ung thư MD Anderson của Đại học Texas (Mỹ), phát hiện rằng những bệnh nhân ung thư tuyến tụy thực hiện 60 phút hoạt động thể dục nhịp điệu và 60 phút hoạt động tăng cường mỗi tuần đã ghi nhận hiệu quả tích cực trong phương pháp hóa trị hơn hẳn so với những bệnh nhân không tập thể dục.
Bình luận (0)