Tác động toàn cầu từ lệnh phong tỏa Thượng Hải

30/03/2022 16:45 GMT+7

Việc chính quyền thành phố Thượng Hải ( Trung Quốc ) ra lệnh phong tỏa một nửa đã gây ra một loạt tác động đến kinh tế trên toàn cầu, từ giảm giá dầu , một phần đình trệ sản xuất đến ác mộng về hậu cần.

Một khu dân cư ở Thượng Hải bị rào lại ngày 29.3

reuters

Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 27.3 đã áp lệnh phong tỏa sau khi kết quả xét nghiệm trên diện rộng phát hiện nhiều “ổ dịch quy mô lớn” khắp thành phố.

Theo đó, trong 9 ngày, hai nửa thành phố Thượng Hải - ngăn cách bằng con sông Hoàng Phố - sẽ lần lượt bị phong tỏa để các nhân viên y tế luân phiên xét nghiệm.

Hiện cư dân ở phía đông Thượng Hải phải ở nhà. Phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả dịch vụ gọi xe, đã bị tạm dừng. Nhiều công ty và nhà máy đã tạm ngừng sản xuất hoặc cho người lao động làm việc từ xa. Trong khi đó, người dân bên kia sông đang cố gắng tích trữ nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho đợt phong tỏa sắp tới, một khung cảnh ngày càng quen thuộc do chiến lược zero-Covid của Trung Quốc.

Thượng Hải phong tỏa chống Covid-19, du học sinh than thở "như sống trong lồng"

Theo tạp chí Fortune, các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America ngày 28.3 nhận định “Trung Quốc khó có thể từ bỏ chính sách zero-Covid trong thời gian tới, bất chấp những thách thức từ làn sóng Omicron”.

Trong lúc người dân Thượng Hải vật lộn tình hình dịch bệnh và mất thu nhập do thành phố phong tỏa, nền kinh tế toàn cầu cũng hứng chịu tác động của biện pháp chống dịch này.

Giá dầu giảm

Sau khi quyết định phong tỏa Thượng Hải được đưa ra, giá dầu ngày 28.3 đã giảm đến 8%. Tình trạng này là một phần do lo ngại nhu cầu dầu của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ giảm xuống, dù có nhiều nguyên nhân khác tác động giá dầu.

Giá dầu thô Brent giảm còn khoảng 112 USD/thùng vào giữa ngày 28.3. Trong khi đó, dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giảm sâu hơn, xuống dưới mức 106 USD/thùng.

Việc giá dầu giảm khiến người tiêu dùng nhẹ nhõm trong bối cảnh giá xăngMỹ vẫn ở gần mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo xu hướng giảm giá hiện tại có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Sau 2 ngày biến động, ngày 30.3, ghi nhận 12 giờ trưa (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 110 USD/thùng, dầu thô WTI là106 USD/thùng.

Đường cao tốc Thượng Hải vắng bóng xe cộ trong thời gian phong tỏa

reuters

“Các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 ​​sẽ chỉ là đoạn xuống dốc nhỏ trong xu hướng tăng trong dài hạn của giá dầu”, Fortune dẫn lời bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng trực tuyến Swissquote, cho biết.

“Tác động của việc đóng cửa lên nhu cầu dầu trung hạn chắc chắn rất hạn chế. Trong khi đó, những lo ngại về việc giảm nguồn cung - vốn càng thêm trầm trọng do căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út với lực lượng Houthi - sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu”, chuyên gia này nói thêm.

Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, ngày 28.3 cũng nói với khách hàng rằng ông tin giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao khi Trung Quốc cố gắng giảm thiểu tác động kinh tế của việc phong tỏa và thị trường toàn cầu tìm cách thay thế nguồn cung từ Nga.

“Kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt và gián đoạn nguồn cung đã khiến tình hình trở nên rất biến động. Theo quan điểm của chúng tôi, Nga là một nhà sản xuất năng lượng quan trọng mà không thể dễ dàng thay thế được bằng các nước khác”, ông Haefele viết.

Hệ thống khép kín

Một số nhà máy ở Thượng Hải đã tạm thời đóng cửa do thành phố phong tỏa. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã cố gắng hết sức để ngăn chặn việc sản xuất bị đình trệ bằng cách tạo ra hệ thống khép kín. Điều này giúp một số nhà máy có thể tiếp tục mở cửa, miễn là công nhân chỉ ở trong khuôn viên nhà máy và tuân thủ các quy trình xét nghiệm Covid-19.

Dù vậy, nhà máy khổng lồ ở Thượng Hải của Tesla đã buộc phải tạm dừng dây chuyền lắp ráp theo yêu cầu của nhà chức trách ngày 28.3. Nhà máy này có thể sẽ vẫn đóng cửa cho đến hết ngày 31.3.

Tuy nhiên, nhà máy Thượng Hải của các công ty như GM và Volkswagen vẫn tiếp tục vận hành. Nhà cung cấp Pegatron của iPhone và nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải - cũng có thể duy trì hoạt động của các nhà máy.

Cảnh sát mặc đồ bảo hộ bên ngoài các cửa hàng thực phẩm ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 29.3

reuters

Bank of America cho biết tác động đối với ngành sản xuất có thể "kiểm soát được" nếu các đợt ngừng hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn và không lan rộng khắp Trung Quốc. Song, thiệt hại đối với lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng Trung Quốc có thể đáng kể hơn.

“Một ổ dịch nhỏ bùng lên trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra những cú sốc đáng kể lên nhu cầu của người tiêu dùng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong nhiều tháng sau khi dịch lắng xuống”, các nhà phân tích của Bank of America cho biết.

Hệ thống khép kín này cũng đang được sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải áp dụng để tiếp tục duy trì hoạt động thị trường vốn lớn thứ hai thế giới. Theo South China Morning Post, hàng trăm kỹ thuật viên, nhân viên tuân thủ và nhân viên văn phòng đang phải sinh hoạt ngay tại công ty sau khi toàn bộ quận mới Phố Đông bị phong tỏa để chống dịch.

Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, sàn giao dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, cho biết họ sẽ tổ chức lễ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trực tuyến khi bắt đầu giao dịch cho các công ty mới niêm yết.

Ác mộng về hậu cần

Việc Thượng Hải phong tỏa cũng đã gây áp lực đáng kể lên các chuỗi cung ứng và hoạt động hậu cần xung quanh thành phố.

Dù các cảng của Thượng Hải và sân bay Phố Đông vẫn hoạt động, tài xế xe tải ở Thượng Hải đang gặp khó khăn. Chính xác hơn là họ không thể có đủ giấy phép để dỡ hàng trong cơn ác mộng hậu cần đang diễn ra tại đây.

Ông Thomas Gronen, quản lý khu vực Trung Quốc của công ty vận chuyển Fibs Logistics, ngày 28.3 cho biết việc vận chuyển đến và đi từ các cảng ở Thượng Hải cũng như đến sân bay Phố Đông - sân bay hàng hóa lớn nhất Trung Quốc - sẽ “gần như không thể” diễn ra trong những ngày tới.

“Đã có sự gián đoạn đáng kể đối với hoạt động vận chuyển của xe tải, khiến nhiều hàng hóa sẵn sàng bốc dỡ ngày hôm nay không thể được vận chuyển đến cảng”, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần Woodlands Group có trụ sở tại Anh tuyên bố.

Cảnh sát mặc đồ bảo hộ canh giữ bên cạnh cây cầu dẫn đến khu Phố Đông bắc qua sông Hoàng Phố, Thượng Hải ngày 28.3

reuters

Các công ty hậu cần đang chuyển sang cảng Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) gần đó hoặc thậm chí là cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) xa hơn trong nỗ lực ngăn chặn sự hỗn loạn chuỗi cung ứng xung quanh Thượng Hải. Tuy vậy, người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ sớm cảm nhận được tác động của cơn ác mộng này.

Dù vậy, Bloomberg dẫn lời ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho biết Trung Quốc có thể hạn chế thiệt hại đối với chuỗi cung ứng, miễn là việc phong tỏa không kéo dài sang vài tuần tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.