Để thận hoạt động tốt thì chúng ta cần uống nhiều nước. Uống quá ít nước sẽ khiến nước tiểu đậm đặc và hàm lượng khoáng chất trong nước tiểu tăng. Qua thời gian, tình trạng này dẫn đến hình thành các tinh thể nhỏ. Đấy là những viên sỏi thận, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Nếu phần lớn lượng protein trong chế độ ăn hằng ngày có nguồn gốc động vật thì nồng độ a xít trong nước tiểu sẽ cao hơn, từ đó dễ gây sỏi thận.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Advances in Nutrition đã phân tích dữ liệu thu thập được từ 14 nghiên cứu khác nhau. Kết quả phát hiện chế độ ăn nhiều protein động vật, ngoại trừ sữa, có thể làm tăng 11% rủi ro sỏi thận.
Tỷ lệ này sẽ là 29% nếu ăn nhiều các loại thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt xông khói và xúc xích. Ăn càng nhiều thịt đỏ, thịt chế biến thì nguy cơ mắc sỏi thận càng tăng. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy thịt gà, cá và sữa lại không liên quan đến sỏi thận.
Ngoài ra, có sự khác biệt giữa việc hấp thụ protein động vật so với thực vật. Nghiên cứu trên chuyên san The Journal of Urology cho thấy những người nạp nhiều protein có nguồn gốc động vật dễ bị sỏi thận hơn 16% so với người nạp protein thực vật.
Trên thực tế, bệnh sỏi thận có thể phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Một nghiên cứu của Đại học Florida (Mỹ) phát hiện trung bình cứ 8 nam giới và 16 phụ nữ thì có 1 người bị sỏi thận vào một lúc nào đó trong đời.
Để giảm cân hay tăng cơ, giảm mỡ thì ăn kiêng là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc áp dụng một số loại chế độ ăn và duy trì trong thời gian dài có thể đẩy chúng ta đến gần hơn với bệnh sỏi thận. Ví dụ, áp dụng chế độ ăn giàu protein để tăng cơ sẽ làm tăng khả năng mắc sỏi thận do a xít uric.
Điều này là do chế độ ăn này tập trung nhiều vào các loại thịt đỏ giàu protein nhưng lại ít ăn rau củ, trái cây. Hệ quả là khiến hàm lượng a xít uric trong máu và nước tiểu tăng cao, dẫn dần lắng đọng thành sỏi thận, theo Healthline.
Bình luận (0)