Bán đồ ăn phải mang bao tay

22/10/2018 07:29 GMT+7

Bán đồ ăn không mang bao tay bị phạt hành chính đến 3 triệu đồng.

"Không đeo bao tay, đội mũ; không cắt móng tay, đeo đồng hồ, nhẫn, lắc tay; hút thuốc... khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu đồng" quy định tại Nghị định 115/2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực từ 20.10.
Đáng nói, dù nghị định đã có hiệu lực nhưng từ người bán hàng, người chế biến thực phẩm đến người tiêu dùng, không mấy ai hay biết có quy định mới này.
Món ăn đường phố bày bán tại con hẻm 20 thuộc Q.4, TP.HCM ảnh: Ngọc Dương - đồ họa: đông xuân
Món ăn đường phố bày bán tại con hẻm 20 thuộc Q.4, TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương - Đồ họa: Đông Xuân

“Kiểm tra thì mang vào thôi”
Đối diện cổng Trường THCS Lý Thường Kiệt trên đường Thiên Phước (Q.11, TP.HCM), phía bên kia đường là một dãy dài các tủ, quang gánh bán đồ ăn sáng “dã chiến” từ bánh mì, xôi, nui xào, bún gạo xào đến bánh canh, bún bò, hủ tiếu... Đa số người bán hàng tại đây không có thói quen sử dụng bao tay khi bán cho khách. 7 giờ 20 sáng thứ bảy, học sinh mặc đồng phục đến trường khá đông. Em T.H (học sinh lớp 7) dừng mua hộp nui xào bò 20.000 đồng, người bán dùng đũa để gắp nui xào sẵn vào hộp xốp, nhưng khi bỏ thêm cà chua, ngò và dưa leo, bà lại dùng tay trần để bốc.
Đeo bao tay khó xắt thịt lắm, cầm bằng tay ước chừng dễ hơn. Đeo cho khách yên tâm chứ lấn cấn khó chịu, không quen
Một người bán bánh canh

Rồi cũng chính bàn tay đó, nhận tiền từ khách, kéo hộc gỗ mốc meo trước mặt lấy tiền thừa trả khách. Đi hết đường Thiên Phước, vào đường Nguyễn Thị Nhỏ cũng gặp dãy hàng ăn sáng gồm bún bò, hủ tiếu, súp cua...; chiều cơm tấm, bánh xèo... người dừng mua, người kéo ghế ngồi ăn xì xụp lúc nào cũng đông đúc. Dừng ở hàng bán bánh canh, người bán có đeo bao tay bốc miếng chả cua chín, chả bò vào tô cho khách trông khá chuyên nghiệp. Thế nhưng khi vo những viên chả cua nhuộm phẩm màu đỏ gạch còn sống để thả vào nồi nước dùng, bà lại tháo hẳn bao tay ra “làm cho nhanh”.
Tương tự, thái thịt bò, xắt hành, cắt chả bò chín cũng đều tay không. Hỏi, người phụ nữ bán hàng khoảng ngoài 50 tuổi vừa phân trần vừa cười giả lả: “Quên mất. Hơn nữa đeo bao tay khó xắt thịt lắm, cầm bằng tay ước chừng dễ hơn. Đeo cho khách yên tâm chứ lấn cấn khó chịu, không quen”. Chị có biết không đeo găng tay sẽ bị phạt không?; “Nếu họ đi kiểm tra thì mang vào thôi”, chị trả lời hồn nhiên.
Góc đường Ngô Thời Nhiệm - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) đang có công trình xây dựng lớn và một trường cấp 3 nên trở thành “thiên đường” cho các xe, gánh hàng rong, “quán” cơm trưa tự phát. Trên bức tường và dưới nền vỉa hè khu vực này đen nhẻm vì khói và bụi than dùng nấu ăn. Hơn 9 giờ sáng, các vật dụng như bàn ghế, nồi niêu xoong chảo, thịt, cá, rau củ... được dọn ra cắt gọt, chiên xào, nướng ngay tại chỗ. Thức ăn chế biến xong bày trên mặt bàn cạnh bức tường, tất nhiên không được che đậy. Một cái bàn nhỏ cạnh đó chất đầy các bọc đựng dưa leo cắt sẵn, ớt trái, củ cải cắt sợi muối chua… Tranh thủ lúc vắng khách, chủ hàng cho nước tương, nước mắm, canh vào bọc ni lông. Đến khoảng 11 giờ trưa, những cây dù che nắng tạm được dựng lên, bàn ghế được bày ra, vậy là thành một quán ăn dã chiến. Theo quan sát của chúng tôi, nếu chiếu theo Nghị định 115, “quán” cơm trưa này hoàn toàn không đáp ứng một tiêu chuẩn nào cả. Đó là chưa kể việc mua bán lấn chiếm lòng lề đường.
“Không bao tay thì tay em bẩn chứ khách có sao đâu”
Ngay trung tâm TP.HCM, nơi đông du khách qua lại, dễ dàng bắt gặp rất nhiều người bán hàng rong chuyên “bốc tay” bán hàng cho khách. Chiếc bánh chuối chiên vàng ươm, nóng bỏng nhưng người bán hàng vẫn tay không bốc, gói cho khách. Hỏi, cô gái bán hàng tên Thúy trả lời gọn ơ: “Không có bao tay thì tay em dính dầu bẩn chứ khách có làm sao đâu. Tay sáng rửa sạch mà, cả ngày cũng lau tay suốt. Chị yên tâm!”.
Yên tâm chi nổi khi vừa nói, chị Thúy vừa lục dưới thúng tìm mấy thỏi xúc xích vỏ bên ngoài đã đổi màu, tay lột tay xé vội vã làm tiếp món bánh hotdog bày lên khay. Một chiếc bánh chuối chiên giá 10.000 đồng, 4 miếng khoai tẩm bột chiên giòn cũng 10.000 đồng. Thúy cho biết mỗi ngày bán được gần 500.000 đồng, trừ mọi chi phí, cũng lời một nửa số đó. Hỏi Thúy có sợ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng nếu cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thấy Thúy dùng tay trần bán hàng vậy không? Thúy la lớn: “Chị đùa à, ngày bán lời được 200.000 - 250.000 đồng, đi bộ từ Bình Tân lên đây, phạt 3 triệu có mà chết em...”.
Thậm chí, ngay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần trụ sở Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cũng có nhiều quán mà nếu áp theo quy định của Nghị định 115 chắc chắn không đáp ứng đủ yêu cầu. Trong những ngày thực hiện bài viết này, chúng tôi đã vài lần liên lạc qua điện thoại với bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, về kế hoạch triển khai Nghị định 115 nhưng đều không thành. Trong tin nhắn trả lời chúng tôi, bà Lan chỉ nói vỏn vẹn: “Đây là nghị định về xử phạt hành chính. Ban có kế hoạch tập huấn cho thanh tra và quận huyện, doanh nghiệp rồi, lo áp dụng thôi”. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, rất nhiều chủ cơ sở sản xuất thực phẩm cho biết chưa hề được mời tập huấn Nghị định 115. Một cơ sở chuyên rang xay cà phê tại Q.Thủ Đức khẳng định chưa hề nghe đến nghị định mới.
Vấn đề là chất lượng chứ không phải chiếc bao tay
Luật sư Nguyễn Quốc Toản cho rằng, sở dĩ nghị định đã có hiệu lực nhưng khắp nơi vẫn im ắng do chờ thông tư hướng dẫn. Nghị định đang có một vài bất cập, hơi ôm đồm trong nỗ lực quyết liệt dẹp loạn an toàn thực phẩm. Đơn cử Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, đơn vị triển khai tập huấn và kiểm tra, thực thi nghị định này với quân số quá mỏng, rất khó triển khai tốt. Rồi ai đủ trình độ chuyên môn để biết người bán hàng đủ sức khỏe để ra quyết định xử phạt hay không? Chẳng nhẽ nghe người ta hắt hơi, sụt sùi để quyết định xử phạt à?
Theo chuyên gia thực phẩm Phạm Minh Duy, việc không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong chế biến thực phẩm gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe gấp vạn lần câu chuyện phạt tiền nếu không đeo găng tay chế biến. Có bệnh lây lan qua đường ăn uống rất nhanh là viêm gan siêu vi. Tuy nhiên, làm sao kiểm soát được trước một rừng thức ăn đường phố, trong khi lực lượng kiểm tra có chuyên môn mỏng thế này? Cốt lõi của vấn đề là chất lượng thực phẩm bán ra có an toàn không chứ không phải “anh” có đeo găng tay không. Chẳng hạn với các xe đẩy bánh mì, súp cua, hủ tiếu… có nồi nước dùng nấu từ nhà, đẩy đi từ đường này sang phố nọ, làm sao tránh được việc nhiễm khuẩn cho dù nguyên liệu đầu vào bảo đảm. “Giả sử người bán hàng rong đeo đủ găng tay, đội mũ, đáp ứng các tiêu chí tốt, nhưng mua chai nước rửa chén ngập hóa chất giá 2.000 đồng/lít để rửa chén thì ai sẽ phạt việc này?”, ông Duy đặt câu hỏi.
Quá ôm đồm
Chủ cơ sở sản xuất chả Quang Hậu nhận định: “Nghị định 115 quá ôm đồm, khó thực hiện. Nếu cứ quy theo nghị định này mà kiểm tra thì nhìn đâu cũng thấy vi phạm. Vấn đề chính là nên đi sâu vào chất lượng sản phẩm có sạch, an toàn không. Việc thực hiện đúng công bố chỉ tiêu chất lượng hay chỉ là đối phó. Việc sử dụng vượt mức những phụ gia công bố sẽ bị phạt nặng hoặc rút giấy phép thế nào. Vi phạm nhiều lần cần xử lý hình sự. Chứ tăng hình thức phạt bằng tiền chưa thuyết phục. Bởi nếu dùng chất cấm mà bị phạt 100 triệu đồng, họ sẵn sàng làm nếu sản phẩm họ bán ra thu được tiền tỉ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.