Chưa kiểm soát được ô nhiễm không khí

03/10/2019 06:35 GMT+7

Nguồn khí thải từ hoạt động giao thông và sản xuất công nghiệp được nhận định là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhưng tại Hà Nội và TP.HCM, các nguồn phát thải này hiện vẫn chưa được kiểm soát.

Kết quả tổng hợp của Trung tâm quan trắc môi trường TP.HCM cho biết thông số bụi đo tại một số vị trí quan trắc chịu ảnh hưởng do hoạt động giao thông ở TP từ năm 2007 đến 2017 đều ở mức vượt chuẩn. Trong đó những chất khí có nhiều trong không khí như NO2, SO2, CO2 đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đáng nói, sau gần 15 năm áp dụng quy chuẩn khí thải ở mức thấp nhất, tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2019 nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, nhưng xe máy - chiếm hơn 80% lượng khí thải từ phương tiện cơ giới đối với môi trường - vẫn vô tư ngoài vòng kiểm soát.

Theo thống kê từ Sở GTVT, hiện TP.HCM có gần 7,5 triệu mô tô, trung bình 1,5 người có 1 mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ô xit ni tơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 - 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Ngành môi trường “sốt ruột” nhưng “ông” giao thông vẫn chưa đưa ra được quyết sách nào nhằm kiểm soát khí thải từ xe gắn máy.
TP.HCM đã nhiều lần gửi văn bản thúc giục Bộ GTVT sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành và trong trường hợp chưa thể ban hành quy định áp dụng trên cả nước, địa phương mong được Bộ hướng dẫn thủ tục để có thể thực hiện thí điểm. Tuy nhiên do phải chờ sửa đổi, bổ sung luật Giao thông đường bộ, đề án này đến nay vẫn phải nằm chờ trên giấy.
Ngoài khí thải từ các phương tiện giao thông, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường VN, khẳng định khí thải từ các khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, nhiệt than là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo ông Sơn, Hà Nội hiện có hàng chục khu công nghiệp, mỗi khu công nghiệp có vài chục nhà máy, mỗi nhà máy có hàng trăm phân xưởng. Hầu hết hơi dầu, hơi hóa chất, phát thải từ những khu vực này không được thu gom mà đẩy hết ra ngoài. Chỉ riêng khí thải độc hại từ các khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện phát sinh ra đã là con số khổng lồ. Bản thân mỗi công nhân khi bước chân vào các khu xưởng cũng luôn cảm thấy tức thở, ngột ngạt. Đó là biểu hiện của không khí đang bị ô nhiễm nặng.

Kiểm soát tận gốc nguồn phát thải

Ông Phạm Văn Sơn nhận định ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã ở mức báo động nhưng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với ô nhiễm chưa được chú trọng. Ngay cả khi các sự cố về môi trường xảy ra, các cơ quan chức năng vẫn rất chậm chạp và bị động, thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Số liệu quan trắc, nguyên nhân ô nhiễm tù mù, cảnh báo đưa ra sau khi người dân đã phải lãnh chịu hậu quả.
“Cần có một chiến lược rõ ràng trong công tác ứng phó, phòng chống ô nhiễm không khí tại VN. Trường hợp khẩn cấp, cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, thông báo cho người dân biết phải làm gì để giảm thiểu khả năng nhiễm không khí độc. Trong thời gian tới, Bộ TN-MT cần sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc để có đủ cơ sở đưa ra những cảnh báo sớm, phát ngôn chính thức về ô nhiễm không khí. Về lâu dài, cần một chiến lược tổng thể với sự góp sức của tất cả các bộ ngành từ Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, quản lý xuất nhập khẩu... để kiểm soát, xử lý tận gốc các nguồn phát thải gây ô nhiễm. Đơn cử, nhanh chóng thông qua kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng và di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi khu vực nội đô” - ông Phạm Văn Sơn đề xuất.
Đồng tình, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh, khuyến nghị đối với các ngành có nguy cơ ô nhiễm không khí cao như nhiệt điện dùng than, xi măng, thép, hóa chất phải có các biện pháp kiểm soát khí thải chặt chẽ cụ thể. Phí khí thải, chính sách thuế, phí môi trường cần được công khai rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy phát triển các công nghệ sạch. Các nhà máy nhiệt điện than nên dần được thay thế bằng các nhà máy có mức xả thải thấp hoặc không phát thải như năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...) tùy theo tiềm năng của mỗi vùng.
Về chuyện khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm số lượng các phương tiện cá nhân, bà Khanh cho rằng cần có những biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống xe công cộng trong thành phố thuận tiện hơn. Song song, kiểm soát nghiêm ngặt khí thải, nâng cao tiêu chuẩn về khí thải của các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.