Gia tăng tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan nhà nước

Vũ Hân
Vũ Hân
11/11/2019 10:01 GMT+7

Theo đoàn giám sát của Quốc hội, đến 2018, đã có 6 nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ Việt Nam và vẫn còn một số đang chuẩn bị khởi kiện.

Báo cáo giám sát chuyên đề năm 2019 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” vừa được Ủy ban Đối ngoại gửi đến Quốc hội cho biết, từ năm 2016 đến tháng 10.2019, đã có 11.595 dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 69,29 tỉ USD.
Trong giai đoạn này, số vốn giải ngân tăng đều qua các năm, từ 14,5 tỉ năm 2015, tăng lên 15,8 tỉ năm 2016; 17,5 tỉ năm 2017 và 19,1 tỉ năm 2018. Đây là mức tăng kỷ lục về vốn thực hiện trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Đầu tư năm 2014 đã xóa bỏ phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng về quyền thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Theo đó, trừ một số hạn chế về tỉ lệ vốn góp và phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài được quyền thành lập tất cả các loại hình doanh nghiệp quy định tại luật Doanh nghiệp năm 2014; được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tỉ lệ sở hữu không hạn chế và thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định áp dụng thống nhất đối với nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, trong phần hạn chế, vướng mắc, Đoàn giám sát cũng chỉ ra đến 10 điểm chính, gây khó khăn cho việc quản lý của Chính phủ, và cũng cản trở chính các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều thủ tục làm gia tăng chi phí cho nhà đầu tư

Thứ nhất là chưa quy định điều chỉnh một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn như sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư; giám định giá, chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu, tài sản cố định.
Thứ hai là chưa xây dựng danh mục ngành nghề không thu hút hoặc hạn chế áp dụng riêng áp dụng đối với đầu tư nước ngoài, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong thực thi pháp luật và cam kết quốc tế. Thiếu hệ thống các tiêu chí, điều kiện làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển địa bàn, lĩnh vực.
Thứ ba là chưa quy định khái niệm: “Tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ - con quy định tại luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thứ tư là chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đối với trường hợp bổ sung ngành nghề kinh doanh của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, mà ngành nghề kinh doanh dự kiến bổ sung đó thuộc trường hợp phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư theo Nghị định 118/2015 của Chính phủ. Quy định đầu tư theo hình thức mua cổ phần làm gia tăng thủ tục và chi phí cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm là thủ tục mua cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa đủ rõ, không thể tiên đoán và hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan cấp phép.

Khó khăn trong quản lý đầu tư chui, núp bóng

Thứ sáu là sự chồng chéo, thiếu hụt của hệ thống pháp luật, khi luật Đầu tư công; luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; luật Đất đai; luật Xây dựng; luật Kinh doanh bất động sản; luật Nhà ở; luật Bảo vệ môi trường cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng chưa phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật nêu trên.
Thứ bảy là việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp ngày một gia tăng với quy mô lớn trong khi luật Đầu tư quy định đơn giản về thủ tục; không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước quản lý việc góp vốn tại doanh nghiệp dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.
Thứ tám, các vụ khiếu kiện, tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước và với Chính phủ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tốn kém về thời gian và nguồn lực xử lý. Tính đến năm 2018, đã có 6 vụ việc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện nhà nước Việt Nam. Ngoài ra một số vụ việc khác nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định khởi kiện.
Thứ chín, theo luật Đất đai năm 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phải thuê đất từ nhà nước; dẫn đến việc dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế không thể thực hiện được nếu không thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại điều 62 luật Đất đai.
Thứ mười, theo Đoàn giám sát, việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp nước ngoài chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng. Hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài kê khai, báo lỗ khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có hành vi chuyển giá.
Dựa trên kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của luật Đầu tư: khái niệm về đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư; giám định giá, chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định; danh mục ngành nghề không thu hút hoặc hạn chế áp dụng riêng đối với đầu tư nước ngoài; khái niệm: “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.