'Đãi' khối ngoại, thiệt khối nội

26/08/2019 06:46 GMT+7

Lần đầu tiên, các vấn đề chuyển giá, đầu tư “núp bóng”, đầu tư “chui”, dự án vốn mỏng... liên quan đến doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được đưa vào Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị vừa ban hành.

Chuyển giá, núp bóng xuất xứ và FDI "li ti"

Chưa bao giờ, tình trạng đầu tư “chui”, “núp bóng” nóng như hiện nay, sau khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra và ngày càng leo thang. Nhiều doanh nghiệp (DN), chủ yếu từ Trung Quốc tìm mọi cách "ẩn" vào DN Việt để xuất khẩu hàng qua Mỹ, nhằm né mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa nước này khi xuất qua Mỹ. Biểu hiện rõ nhất là doanh số xuất khẩu của nhiều đơn vị trong nước bỗng dưng tăng đột biến. Đơn cử trong tháng 7 vừa rồi, Tổng cục Hải quan đã điều tra 6 công ty gỗ có sản lượng gỗ sản xuất và xuất khẩu tăng tại Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn và Phú Thọ. Đa số đều vi phạm về lập hồ sơ xin cấp C/O. Một số DN nhập ván bóc, bán thành phẩm từ Trung Quốc để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O.

VN không nên tiếp tục lựa chọn chính sách chỉ dựa vào lợi thế là chi phí rẻ, ưu đãi về thuế, phí để thu hút vốn FDI. Nếu không quyết liệt thay đổi thì tiền có thể thu được từ hoạt động các dự án FDI có khi không đủ để tái tạo lao động, tái tạo môi trường

TS Huỳnh Phước Nghĩa
Tương tự, tình trạng “vốn mỏng”, ẩn chứa nhiều nguy cơ đáng lo ngại ngày càng nhiều. Khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cho thấy, tỷ lệ DN FDI có vốn dưới 5 tỉ đồng từ 29,6% năm 2015 đã tăng lên 37,7% năm 2018. Tại TP.HCM đã có những DN FDI vốn chỉ vài chục triệu đồng được cấp phép. Ví dụ Công ty TNHH tư vấn J&P (Pháp, đăng ký vốn 3.000 USD), Công ty TNHH Learntalk Việt Nam (Philippines, vốn 3.000 USD), Công ty TNHH Streamy (Ireland, vốn 2.600 USD), Công ty TNHH Fairway (Mỹ, vốn 2.500 USD) và thấp nhất là Công ty TNHH Evocom (Pháp, vốn 2.200 USD)... VCCI cảnh báo, khi DN FDI siêu nhỏ vào VN càng nhiều, cơ hội để DN nhỏ VN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu càng hẹp vì phải cạnh tranh với cả nhóm FDI “li ti” này.
Đặc biệt, nguy cơ chuyển giá đã từng được đề cập từ hơn 1 thập niên trước. Năm 2005, lần đầu tiên vấn đề chuyển giá đã được đặt nghi vấn khi Coca Cola VN sau 10 năm vào VN đều trong tình trạng thua lỗ triền miên dù doanh thu tăng đều.
Năm 2012, cơ quan quản lý thuế công bố tình hình sản xuất kinh doanh của DN này lỗ lũy kế lên đến 3.768 tỉ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Thế nhưng, Coca Cola tiếp tục kéo dài thời gian lỗ lã đến 20 năm liên tiếp. Đến năm 2014, Coca Cola VN mới bắt đầu đóng thuế khiêm tốn.
Ngoài Coca Cola, rất nhiều tên tuổi FDI lớn liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng quy mô và doanh thu đều đặn tăng như Pepsi VN (gần 20 năm báo lỗ), Adidas AG... Metro VN sau 12 năm hoạt động tại VN đã lỗ 1.657 tỉ đồng cho đến khi chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư Thái Lan và đổi sang tên MM Mega Market. Hay như Keangnam Vina, một công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc vào VN tháng 7.2007 nhưng 5 năm sau đó liên tục báo lỗ và không nộp đồng thuế nào. DN này sau đó đã thừa nhận hành vi chuyển giá và điều chỉnh lại lợi nhuận, thuế khi bị thanh tra.

Phản ứng chính sách phải nhanh hơn nữa

Theo Bộ Tài chính, có đến 52% DN FDI báo lỗ nhưng vẫn mở rộng hoạt động đầu tư với tốc độ cao. 140 DN FDI có vốn vay lên gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong khi đó chi cổ tức của các DN FDI rất lớn, khoảng 10 tỉ USD. Rõ ràng, tình trạng chuyển giá đang ngày càng phức tạp mà Nghị quyết 50 được đánh giá như “thượng phương bảo kiếm” trong tình hình quản lý đầu tư FDI hiện nay.
TS Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định hiện tượng thua lỗ liên tục hay các chiêu trò đầu tư “núp bóng” là nhằm che giấu bớt nguồn gốc vốn đầu tư hoặc tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế của các DN FDI. Ngoài ra, các tập đoàn nước ngoài còn có chiêu liên doanh, liên kết nhưng dần dần thôn tính luôn các thương hiệu trong nước để chiếm thị trường.
Để hạn chế và không lặp lại những vấn đề đó, chiến lược thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới phải bắt đầu từ việc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn chung mà bất kỳ tỉnh, thành nào cũng không được bỏ qua khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài.
“VN không nên tiếp tục lựa chọn chính sách chỉ dựa vào lợi thế là chi phí rẻ, ưu đãi về thuế, phí để thu hút vốn FDI. Nếu tiếp tục thì sẽ quay trở lại như giai đoạn trước đây và tạo ra các dự án thâm dụng lao động nhưng không làm tăng được năng suất, công nghệ kém, gây tác động môi trường. Nếu không quyết liệt thay đổi thì tiền có thể thu được từ hoạt động các dự án FDI có khi không đủ để tái tạo lao động, tái tạo môi trường”, TS Huỳnh Phước Nghĩa nói.
Đánh giá cao Nghị quyết 50, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho rằng sau nghị quyết này, phải thay đổi nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý nhà nước. Nhắc lại vấn đề chuyển giá của Coca Cola từng được Bộ Chính trị đưa ra cảnh báo cách đây 14 năm, GS Nguyễn Mại nói, đến bây giờ vẫn chưa có luật nào về chống chuyển giá là quá chậm. “Phản ứng chính sách của chúng ta quá chậm, nếu để thời gian trôi đi thì dù có bao nghị quyết cũng không có hiệu quả. Vấn đề bây giờ là thời điểm phải thay đổi”, GS Nguyễn Mại nêu quan điểm.
Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2020 vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 20.8 vừa qua. Trong đó, một số vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh là “số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn... hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp”.
Đặc biệt, nghị quyết nhấn mạnh các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Từ thực trạng đó, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.