Mạnh tay với lô cốt bầy hầy

23/11/2019 07:24 GMT+7

Lô cốt, rào chắn thi công “ngự” ngày này qua tháng nọ không chỉ cản trở giao thông, gây ùn tắc mà còn làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân TP.HCM.

Sở GTVT TP vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý, giám sát xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị thi công không đảm bảo các yêu cầu về tái lập mặt đường, tiến độ thi công không đúng giấy phép thi công.

Ùn tắc bủa vây, đô thị nhếch nhác

135 vị trí rào chắn trên 60 tuyến đường

Số liệu thống kê từ Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết tính đến tháng 10, có tổng số 135 vị trí rào chắn (tăng 34 vị trí so với tháng 9) trên 60 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn TP.
Thực tế, theo ghi nhận của Thanh Niên, tình trạng các công trình thi công thời gian dài, lô cốt bủa vây các tuyến đường đang đẩy nhiều người dân TP.HCM vào tình cảnh khốn khổ.
Khu vực ngã tư Phan Văn Hớn - QL1 (P.Tân Thới Nhất, Q.12) và đường Lạc Long Quân (P.3 và P.10, Q.11), lô cốt chiếm hơn nửa lòng đường, chỉ còn chừa chưa tới 2 m cho mỗi làn xe lưu thông. Xe máy di chuyển đã khó, ô tô thì “chịu thua”, chạy đến đây gặp lô cốt có muốn quay đầu xe cũng rất vất vả. Cũng trên đường này có đoạn lô cốt đã tháo dỡ, nhưng không tái lập mặt đường, chỉ rải một lớp đá dăm lởm chởm nên bụi mịt mù khi trời nắng, sình lầy khi trời mưa.
Tương tự, đường Bến Vân Đồn (Q.4), dọc bờ kênh Tàu Hũ, chỉ dài chưa tới 1 km, nhưng có đến 5 lô cốt. Tất cả đều thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2”, đơn vị thi công là liên doanh YASUDA - KOLON. Chiếm quá nửa diện tích đường, xe cộ hằng ngày lưu thông cũng rất chật vật. Đáng chú ý, trên tấm bảng thông tin dự án được gắn ngoài lô cốt, thời gian thi công đoạn rào chắn có dấu hiệu bị sửa, lúc đầu ghi từ ngày 20.10.2016 - 27.8.2017, sau đó sửa đè lên thành từ ngày 18.8.2017 - 24.8.2018. Nhưng dù tính thời gian đã sửa lại thì công trình này cũng đã trễ hẹn khá lâu.
Nếu rào chắn tại các tuyến đường kể trên chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông thì gần 10 công trình dang dở chạy dọc đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) còn đẩy người dân vào cảnh khốn khổ vì đường hỏng, nhà cũng hỏng. Chỉ vào vết nứt trên tường, ông Nguyễn Thanh Tùng, bảo vệ Kho điện lực Tân Thuận (số 22 Tôn Thất Thuyết, P.18, Q.4), ngao ngán: Lô cốt trước mặt thi công được vài tháng thì không chỉ nứt đường, nứt nhà mà còn giật cả vỉa hè, tạo thành rãnh sâu ngăn giữa nhà dân và vỉa hè. Dọc cả tuyến đường trước kia mặt đường nhựa bằng phẳng, sạch sẽ bỗng biến thành “bãi chiến trường” bẩn thỉu, bụi bặm không thể chịu được. Mặt đường bị cày nát, vỉa hè thì bật cả nền bê tông lên, vô cùng nguy hiểm. Xe chở đất hằng ngày qua lại kéo theo sình, bùn rải khắp đường, lô cốt chạy đến đâu thì bùn trải tới đó.
Trong một cuộc họp về các vấn đề giao thông, đô thị của TP diễn ra hồi cuối năm 2018, một lãnh đạo UBND TP đã không giấu nổi bức xúc về tình trạng thi công tràn lan, lô cốt bủa vây. “Ra khỏi cửa là thấy bụi bay mù mịt, lô cốt khắp nơi, nhìn đã thấy khó chịu rồi. Một thành phố hiện đại, thành phố du lịch mà đã ùn tắc lại còn nhếch nhác như vậy thì không thể chấp nhận được”, vị này chỉ đạo.

Chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm

Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay việc chấp hành của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát vẫn chưa nghiêm. Tình trạng thi công không đúng theo quy định về tập kết, vận chuyển vật tư; không đúng theo giấy phép thi công được cấp, phương án tổ chức phân luồng giao thông được chấp thuận; tái lập sau thi công, sử dụng rào chắn thi công, biển công bố thông tin công trường không đúng quy định; tổ chức xử lý sự cố công trình không chấp hành theo quy định... vẫn diễn ra thường xuyên và phổ biến.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã phát hiện và xử lý 778 vụ vi phạm với số tiền xử phạt hơn 5,246 tỉ đồng trong lĩnh vực thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Trong đó, hành vi không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện, vật dụng thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong là 221 vụ với số tiền xử phạt là hơn 1,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GTVT, mức xử phạt khá nghiêm, nhưng để xảy ra các tồn tại nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đầu tư đã chưa làm hết vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý, chế tài đối với đơn vị thi công, tư vấn giám sát. Do đó, để tăng cường chấp hành và xử lý nghiêm theo quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác, Sở GTVT đề nghị các chủ đầu tư cập nhật các quy định về thi công trên đường bộ, chỉ đạo các đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu thi công chấp hành đúng quy định của TP trong thi công trên đường bộ đang khai thác. Đồng thời, có biện pháp, hình thức chế tài cũng như rà soát điều chỉnh khối lượng công tác liên quan đến đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Sở GTVT đề nghị Thanh tra Sở GTVT phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định của UBND TP, hướng dẫn của Sở GTVT. Cụ thể, xử lý theo hình thức tăng nặng các đơn vị chủ đầu tư, thi công, giám sát thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm; rà soát và áp dụng các hình thức xử lý bổ sung thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công chặt chẽ theo quy định. Các hồ sơ không xây dựng đầy đủ biện pháp, phương án theo quy định kiên quyết không cấp giấy phép.

Nên tăng cường ứng dụng công nghệ đào ngầm

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chế tài mạnh chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Hầu hết các công trình nâng cấp hệ thống hạ tầng trên địa bàn TP.HCM hiện nay đang được áp dụng theo biện pháp thi công cuốn chiếu. Sở GTVT chỉ cấp giấy phép đào đường mỗi lần 100 m dài, thi công xong cấp phép tiếp. Chính điều này khiến nhà thầu phải tịnh tiến rào chắn theo từng đoạn, rồi tập kết thiết bị, vật tư để thi công cho nên lúc nào cũng thấy rào chắn tồn tại trên một tuyến đường.
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn đường sắt, metro - Trường ĐH GTVT TP.HCM, đánh giá quá trình thực hiện thi công, tái lập mặt đường vẫn còn khá nhiều bất cập, cơ bản nhất là công tác phục vụ cho giao thông chưa được chuẩn bị tốt, người dân lưu thông rất khó khăn. Đơn vị thi công thường xuyên tập trung vật tư tại công trường nhiều hơn khối lượng thực tế thi công trong ngày nên dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, làm mất mỹ quan đô thị và cản trở giao thông… Đáng nói, đào đường bằng những biện pháp thi công như hiện nay làm hư hỏng kết cấu đường, không thể hoàn trả mặt đường nguyên trạng như trước.
Để hạn chế tình trạng rào chắn đào đường tràn lan, ông Hà Ngọc Trường cho rằng nên tăng cường ứng dụng công nghệ khoan ngầm khi đào đường, trừ những trường hợp bất khả kháng. Ở các nước phát triển, việc thi công công trình ngầm thường sử dụng công nghệ rô bốt khoan ngầm nên thời gian thi công rất nhanh, an toàn và không ảnh hưởng đến giao thông bên trên. Cũng theo ông, thực tế trong nhiều năm qua, đường bị đào để thực hiện các hoạt động quản lý và thi công công trình ngầm nên đã hư hỏng rất nhiều, nhưng không được bồi hoàn theo nghĩa sửa chữa đem lại chất lượng như trước. Điều này đã tăng thêm gánh nặng kinh phí cho công tác quản lý và bảo dưỡng đường bộ. Hư hỏng chồng lên hư hỏng đã làm hệ thống đường xuống cấp, trong khi nguồn từ ngân sách cấp không đủ khả năng cân đối.
“Vấn đề không chỉ là tái lập phui đào sau khi đã kết thúc thi công công trình ngầm, mà phải bồi hoàn chất lượng đường (cụ thể là phần kết cấu mặt đường) sau những hoạt động sử dụng đường bộ đang khai thác của các ngành đang quản lý công trình hạ tầng ngầm”, ông Trường đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.