Mối nguy từ những cuốc xe 'chui'

06/10/2019 14:33 GMT+7

Vụ việc tài xế Grab bị hành khách sát hại tại Hà Nội đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về các biện pháp bảo vệ tài xế công nghệ.

Tính năng bảo vệ dày đặc...

Những ngày cuối tháng 9, dư luận, đặc biệt là giới tài xế công nghệ khắp cả nước xôn xao vụ nam sinh 18 tuổi chạy Grab bị 2 hành khách sát hại chỉ vì không có tiền trả cuốc xe. Người xót xa thương tiếc cho một phần đời còn quá trẻ, người căm phẫn lên án hành vi của 2 nghi phạm nhưng để lại đằng sau là cả nỗi trăn trở lớn về sự an toàn của các tài xế xe công nghệ.
Chỉ cần trên 18 tuổi, có phương tiện và một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể trở thành tài xế công nghệ với thu nhập từ cả chục triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng năng suất. Tuy nhiên thực tế không hề đơn giản như vậy. Số lượng tài xế ngày càng tăng lên khiến sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Không chỉ đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền, tài xế công nghệ đang dần trở thành “miếng mồi ngon” của những tên tội phạm, cướp giật.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Grab - hãng xe công nghệ đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay - cho biết: Tại Grab, an toàn cho mỗi chuyến xe luôn là mục tiêu hàng đầu. Ngoài việc triển khai các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, hãng thường xuyên nhắc nhở, cập nhật các khu vực có tình hình an ninh phức tạp cũng như triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao an toàn cho đối tác tài xế và hành khách.
Đơn cử, từ ngày 1.2, trên ứng dụng Grab của toàn bộ đối tác tài xế đã được tích hợp tính năng hướng dẫn an toàn như phím gọi khẩn cấp S.O.S giúp đối tác tài xế kết nối trực tiếp với đường dây nóng 113 của cảnh sát trong trường hợp khẩn cấp; Chia sẻ chuyến đi giúp tài xế chia sẻ vị trí và điểm đến theo thời gian thực cho người thân, bạn bè hay đội cơ động của Grab. Ngoài ra, tài xế còn có thể nhắn tin khẩn cấp cho các số liên hệ S.O.S nhằm nhanh chóng gửi tin nhắn vị trí theo thời gian thực của tài xế cho các số liên hệ S.O.S đã được lưu trên điện thoại trước đó. Không những thế, từ trước đó, Grab đã triển khai nhiều tính tăng hỗ trợ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mỗi chuyến xe như "telematics" trên ứng dụng của đối tác tài xế GrabTaxi và GrabCar: giúp nhận diện những hành vi lái xe không an toàn bao gồm chạy quá tốc độ, chuyển hướng đột ngột, thắng gấp hoặc tăng tốc đột ngột... sau đó hướng dẫn tài xế cách cải thiện. Trên ứng dụng Grab còn có tính năng cảnh báo tài xế khi họ đã chạm đến “ngưỡng” mệt mỏi và nhắc nhở họ nên nghỉ ngơi để đảm bảo lái xe an toàn.
"Chúng tôi cũng là doanh nghiệp gọi xe công nghệ đi đầu trong việc mua bảo hiểm tai nạn cho đối tác tài xế và hành khách trong chuyến đi với mức bảo hiểm tối đa lên đến 115 triệu đồng/người. Ngoài ra, Grab còn tổ chức lớp đào tạo kỹ năng phòng vệ hằng tháng nhằm trang bị cho đối tác cách nhận diện rủi ro, kỹ năng phòng vệ cơ bản và thực hành ứng phó với các tình huống nguy hiểm trong quá trình hoạt động... do các võ sư chuyên nghiệp huấn luyện" - vị này thông tin thêm.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, Grab luôn sẵn sàng hỗ trợ gia đình đối tác tài xế một cách tốt nhất và nhanh nhất

... bị cuốc "chui" xé rào

Có một tình trạng là thời gian qua, tài xế nhận khách rồi thỏa thuận hủy chuyến trên ứng dụng để chạy ngoài, lách tiền chiết khấu, diễn ra khá phổ biến. Thế nhưng theo chính các tài xế, thực tế các cuốc xe trong app lợi hơn nhiều. 
Tài xế Phạm Mi Sên đang chạy cho ứng dụng Grab phân tích, cuốc xe trong app có lợi nhiều hơn so với cuốc xe ngoài app như có thêm "ngọc" để đạt mốc thưởng, có cơ hội để tăng số sao - tăng tỷ lệ hoàn thành; Hưởng các ưu đãi từ chương trình Benefix và có sự "gánh đỡ thiệt hại" từ chế độ bảo hiểm nếu chẳng may gặp phải sự cố, tai nạn... Quan trọng nhất, tài xế sẽ thấy yên tâm khi nắm rõ thông tin khách hàng, qua đó giảm thiểu nguy cơ gặp phải nạn trấn lột, hành hung, cướp bóc... Thế nhưng, vấn nạn bị cướp, bị giết từ những cuốc xe ngoài app vẫn cứ tồn tại. Theo anh Sên, nói đến cuốc xe ngoài ứng dụng, gần như ngay lập tức mọi người đều nghĩ đến lý do muôn thuở "Muốn lấy trọn tiền xe". Thật ra, không phải hoàn toàn như vậy. Một người khách lỡ đường, đứng vẫy tay ngoắc xe, một ai đó nói với tài xế rằng mới ở quê lên, không biết xài app, điện thoại hết pin, không có 3G... Có tới hàng ngàn lý do, thật giả khó phân định khiến anh em tài xế khó lòng từ chối.
"Công bằng mà nói, không phải tài xế nào nhận cuốc xe ngoài app cũng vì muốn ăn gian tiền Top up hay vì muốn chặt chém khách hàng. Rất nhiều anh em tôi chứng kiến chỉ tính giá theo app, thậm chí đôi khi còn giảm giá cho khách hàng. Họ nhận cuốc xe chỉ vì lòng tốt muốn giúp đỡ mọi người, vì tiện thể trùng hướng về nhà, hoặc có khi vì... ế cuốc. Mà cái lý do ế cuốc thì cũng vô vàn. Có khi vì chạy quá ít dịch vụ, vì điện thoại yếu, sức khỏe yếu, vì xe yếu hay có khi lại chỉ vì quá kén chọn cuốc xe. Vậy là họ nhận cuốc ngoài app, bất chấp nguy cơ. Trong rất nhiều vụ việc xảy ra, đã có nhiều người phải trả giá bằng cả sinh mạng, còn kẻ thủ ác thì vẫn nhởn nhơ. Tất cả đều là cuốc xe ngoài app, nên không có thông tin để truy tìm thủ phạm" - anh Sên thở dài.
Đại diện Grab cho biết với những chuyến xe không được thực hiện thông qua ứng dụng, hãng sẽ không thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý một cách nhanh chóng nếu xảy ra sự cố. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, quyền lợi trong chuyến đi của mình, bao gồm cả bảo hiểm tai nạn cho cả đối tác tài xế và khách hàng, Grab khuyến khích khách hàng luôn đặt xe thông qua ứng dụng và đối tác tài xế chỉ nhận cuốc xe thông qua ứng dụng. "Trong trường hợp cần sự hỗ trợ, Đội cơ động 24/7 của chúng tôi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ đối tác tài xế ngay lập tức. Ngoài ra, đối tác tài xế có thể liên hệ Tổng đài Grab (028-71087108) hoạt động 24/7 để được hỗ trợ kịp thời" - vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.