Người dân sẽ được giảm tối đa khoảng 62.000 đồng tiền điện

Mai Phương
Mai Phương
07/04/2020 17:46 GMT+7

Bộ Công thương đã đề xuất giảm giá điện 10% cho sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình từ tháng 4 đến tháng 6. Nếu được thông qua, giá điện sẽ được giảm bao nhiêu?

Tối thiểu giảm 8.390 đồng

Cụ thể đối với khách hàng là hộ gia đình, Bộ Công thương đề nghị giảm 10% giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Theo sản lượng tiêu thụ điện các năm trước thì số tiền được giảm là gần 3.000 tỉ đồng. Bộ Công thương cho rằng, các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ Công thương muốn giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, giá điện sinh hoạt của người dân vẫn đang áp dụng ở 6 bậc khác nhau với đơn giá tăng lũy tiến theo từng bậc. Từ 0 - 5kWh giá là 1.678 đồng/kWh; 51 - 100 kwh có giá 1.734 đồng/kWh; 101 - 200 kWh có giá 2.014 đồng/kWh; 201 - 300 kWh giá 2.834 đồng/kWh... Cụ thể hơn, những hộ đang sử dụng trong 50 kwh/tháng phải trả 83.900 đồng thì sắp tới sẽ được giảm 8.390 đồng xuống còn 75.510 đồng. Những gia đình nào sử dụng dưới 100 kWh/tháng phải trả tiền điện là 170.600 đồng thì sẽ được giảm 17.060 đồng xuống còn 153.540 đồng. Tương tự, nhà nào đang sử dụng dưới 200 kWh/tháng phải trả tiền điện là 372.000 đồng sẽ được giảm 37.200 đồng và sử dụng dưới 300 kWh sẽ được giảm 62.560 đồng xuống còn hơn 563.000 đồng...

Ước tính giá điện được giảm 10% mỗi tháng

Theo số liệu từ Bộ Công thương, cả nước có khoảng 9 triệu hộ sử dụng điện dưới mức 100 kWh/tháng, chiếm 35% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt. Nhưng trên thực tế, tính toán từ nhiều chuyên gia cho thấy đây là những người có thu nhập rất thấp, lao động phổ thông. Mức sử dụng điện như này chỉ đủ cho một quạt máy và thắp sáng, không sử dụng máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh... Còn số đông người dân sẽ rơi vào bậc 3 - 4, tương đương trên 300 kWh/tháng trở lên.

Mức giảm quá thấp cho hộ nghèo

Trước thông tin đề xuất giảm 10% tiền điện, anh Trung (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tỏ ra rất vui vì “giảm được đồng nào hay đồng đó” trong mùa dịch bệnh Covid-19. Bình thường mỗi tháng gia đình anh chỉ đóng tiền điện hơn 200.000 đồng do chỉ còn 2 vợ chồng. Nhưng từ sau tết đến nay, tiền điện bắt đầu nhích dần lên do 2 đứa con đang học đại học được nghỉ nên về nhà.
“Sau tết miền Trung còn lạnh nên ít xài quạt. Chứ nay bắt đầu nóng dần lên thì chắc tiền điện tháng 4, tháng 5 sẽ lên hơn 300.000 đồng. Giảm 10% là được giảm khoảng 30.000 đồng cũng mừng. Nhưng mà nếu được giảm khoảng 30 - 40%, có nghĩa là chỉ còn đóng tiền tương đương các tháng trước đây thì tốt hơn”, anh Trung nói.

Thời gian ở nhà để cách ly xã hội khiến tiền điện các hộ gia đình đều gia tăng

Ngọc Thắng

Trong khi đó, gia đình chị Thanh Thảo (quận 7, TP.HCM) cho hay hóa đơn tiền điện ngay sát tết (giữa tháng 1.2020) phải trả gần 750.000 đồng, bước sang kỳ 2.2020 tăng thêm 130.000 đồng lên khoảng 880.000 đồng. Đến kỳ 3.2020 tiền điện nhà chị vọt lên gần 1,1 triệu đồng. Theo tính toán, nhà chị Thanh Thảo chỉ giảm được tối đa hơn 62.000 đồng vì lượng điện sử dụng luôn cao hơn 300 kWh (tương đương từ bậc 5 trở lên).
“Từ lúc 2 đứa con nghỉ học ở nhà sau tết đến nay thì tiền điện cũng tăng theo vì phải sử dụng quạt, đèn, máy giặt nhiều hơn. Nhà có máy lạnh nhưng cũng ráng tiết kiệm lắm, hạn chế sử dụng vì biết là tiền điện sẽ tăng. Chưa kể hơn 2 tuần nay cả 2 vợ chồng đều làm việc tại nhà thì chắc kỳ tới giá điện sẽ tăng mạnh nữa. Mùa dịch bệnh thu nhập đã giảm 40 - 50% mà chi phí lại tăng, nếu kéo dài hoài chắc khó sống. Không lẽ nhà ai có tủ lạnh, ti vi, máy giặt đều là giàu hết hay sao? Chỉ mong nhà đèn xem xét giảm nhiều hơn trong lúc khó khăn này”, chị Thanh Thảo tâm sự.
TS.Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng nên tăng mức giảm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ví dụ giảm 50% cho hóa đơn điện các hộ sử dụng điện ít nhất dưới 200 kWh/tháng. Bởi đây là đối tượng sử dụng điện ít, nhu cầu không nhiều, đa số là hộ nghèo như những người bán hàng rong, bán vé số và đang phải ở nhà trọ tại các thành phố lớn. Hiện nay với quy định cách ly xã hội khiến nhiều người không có thu nhập, chạy ăn từng bữa nên cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.