Tăng tỉ đô vốn ngoại trong năm nay

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/03/2021 06:12 GMT+7

Sở KH-ĐT TP.HCM vừa đặt mục tiêu trong năm nay phải thu hút 5,4 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao hơn năm ngoái 1 tỉ USD.

Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng mạnh từ Covid-19, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với gần 4,4 tỉ USD. Tuy nhiên, con số này hiện giảm hơn 47% so với cùng kỳ. Toàn TP có gần 10.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên đến 48,2 tỉ USD.

Lực hút từ các hiệp định mới

Trong 2 tháng đầu năm nay, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TP bao gồm cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước… đạt được 337,76 triệu USD, giảm gần 30% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 3 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 115 triệu USD, giảm 98,39% số dự án cấp mới và tăng hơn 38% vốn đầu tư so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 22 dự án FDI điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn khoảng 53,3 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn); 168 trường hợp nhà đầu tư ngoại làm thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 169,45 triệu USD.
Thu hút vốn FDI tăng 1 tỉ USD chỉ là 1 trong 8 mục tiêu mà Sở KH-ĐT TP.HCM đặt ra trong năm nay như lập mới hơn 40.000 doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) thuộc nhóm 5 cả nước, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 91%; giải quyết, xử lý tất cả các phản ánh của người dân; 98% hồ sơ được xử lý đúng hạn; toàn bộ văn bản, tài liệu, trao đổi công việc giữa các cơ quan hành chính xử lý bằng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống điện tử trong công việc.
Như vậy, với tham vọng đạt 5,4 tỉ USD, trung bình mỗi tháng, vốn FDI vào TP.HCM khoảng 450 triệu USD. Rõ ràng đây là tham vọng khá lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết. Thế nhưng, TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM, cho rằng điều đó hoàn toàn thực hiện được bởi tầm và quy mô của TP.HCM. Đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM có thêm TP.Thủ Đức với loạt chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ trong năm nay. Ông nói: “So với những nơi khác, TP.HCM có nhiều lợi thế vì hầu như các nhà đầu tư lớn nước ngoài đến Việt Nam đều có văn phòng đặt tại đây. TP là nơi giao thương lớn, gặp gỡ, hội tụ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước và là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Năm 2021, lợi thế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong thu hút FDI là các hiệp định thương mại quan trọng mà chúng ta ký kết trong năm qua và vài năm trước. Theo tôi, nếu chúng ta tuân thủ tốt các cam kết đã ký, đặc biệt cam kết trong luật bảo hộ đầu tư… chắc chắn nguồn vốn xã hội hóa sẽ tăng mạnh. TP.HCM đang cần thu hút các dự án hạ tầng, chuyển đổi số, môi trường… Nhiều ý kiến cho rằng, năm nay vẫn đang dịch giã vậy, mục tiêu tăng tỉ đô vốn ngoại trong năm nay đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, tôi nghĩ không đúng, vì vắc xin ngừa Covid-19 đã bắt đầu được triển khai tại Việt Nam. Ngày 5.3, Sở Y tế TP.HCM cũng có báo cáo với Bộ Y tế và Viện Pasteur danh sách hơn 44.000 người dân tại TP.HCM được ưu tiên tiêm ngừa Covid-19 đợt 1. Tôi hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Thế nên, nói gì thì nói, nhịp độ sống, làm việc, kinh doanh, sản xuất, đầu tư… vẫn phải vào guồng trong năm nay”.
Tăng tỉ đô vốn ngoại trong năm nay

Có 22 dự án FDI được điều chỉnh tăng vốn trong năm qua

Ảnh: Ng.Nga

Khó nhất là vốn

Tuy nhiên, theo vị này, khó khăn lớn nhất của TP.HCM trong thời gian qua là vốn. Hiện TP đang cần nguồn vốn lớn để làm đô thị thông minh, chống ngập, hạ tầng kết nối logistics… Những dự án đều cần nguồn vốn lớn từ hàng chục triệu đến hàng tỉ tỉ đô. Thế nhưng, trong bối cảnh ngân sách còn khá chật vật, bắt buộc TP phải tìm được nguồn đầu tư phụ, thông qua các tập đoàn kinh tế tư nhân trong và ngoài nước. Một số đơn vị tư vấn đầu tư tại TP.HCM chia sẻ, nhiều nhà đầu tư ngoại đang quan tâm đến mô hình đô thị thông minh tại TP.Thủ Đức, họ rất quan tâm và muốn tham gia. Thế nhưng, các chính sách liên quan thu hút vốn ngoại từ quỹ đầu tư lại đang làm “nghẽn” nhiệt huyết của họ. Chẳng hạn, nhà đầu tư tìm được nguồn vốn đầu tư từ quỹ đầu tư ngoại để tham gia dự án lớn lại TP.HCM. Theo quy định của luật Đầu tư, dự án tuy đã được TP.HCM duyệt chủ trương rồi, phải qua ngân hàng trung ương giải trình về vấn đề tài chính, các bộ liên quan, thậm chí các bộ bảo chờ hỏi Thủ tướng… “Chưa bắt tay vào làm, nhưng đã quá nhiêu khê và ngay lập tức chúng tôi là nhà tư vấn quỹ, nhụt chí ngay. Không thể nào tiếp tục bắt đầu một dự án lớn với rừng thủ tục không rõ ràng và có quá nhiều quy định ràng buộc như vậy. Tôi hiểu TP.HCM đang nỗ lực cải cách, nhưng bộ máy chung của cả nước là vậy, một con én không thể làm nên mùa xuân, đành chịu”, chuyên gia tư vấn đầu tư Sơn Nguyễn (TP.HCM) chia sẻ.
TSKH Trần Quang Thắng hoàn toàn đồng ý với khó khăn về thủ tục và quy định giải ngân mà nhiều nhà đầu tư gặp phải. Ông bổ sung: “Thực tế, TP.HCM không thiếu đất để đầu tư mà là thiếu cơ chế thông thoáng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Như tôi đề cập ở trên, nguồn vốn xã hội hóa rất quan trọng cho các dự án hạ tầng, chống hạn ngập. Phát triển được TP.Thủ Đức thành trung tâm tài chính phải giải quyết xong những vướng mắc tại Thủ Thiêm. Quỹ đầu tư ngoại sẽ giải quyết được phần nào bộ mặt đô thị tại hai khu vực này. Theo luật bảo hộ đầu tư mà Việt Nam ký với EU, nếu được thực thi đúng, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tiếp nhận vốn ngoại của các tập đoàn tài chính để triển khai các dự án của mình. Dòng vốn này có thể không nhất thiết phải qua ngân hàng trung ương theo quy định lâu nay, với mức lãi suất cực kỳ ưu đãi. Nếu những cải cách được thông qua trong kỳ họp bầu Quốc hội, HĐND các cấp của TP.HCM vào tháng 5 tới, tôi hy vọng những điểm “nghẽn” gây khó cho sự phát triển của TP.HCM sẽ được giải quyết phần nào, trong đó, quan trọng nhất là giải bài toán vốn, muốn có đáp án phải cải thiện, nói đúng hơn là làm mới hoàn toàn môi trường đầu tư”.

Tăng tốc tháo gỡ các điểm “nghẽn”

Mới đây, tại cuộc họp của UBND với các sở ngành tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhắc lại một số dự án kéo dài suốt một nhiệm kỳ qua nhưng chưa làm được của TP như trung tâm thương mại do Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) làm chủ đầu tư, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Trung tâm thương mại quốc tế (Lê Lợi)... và đề nghị Sở KH-ĐT trong năm nay phải tham mưu, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Phong khẳng định năm 2021, TP thực hiện các đề án để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ TP lần thứ 11 với chủ đề xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Ông nói, tức là TP phải có những biện pháp quyết liệt, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động nguồn lực tốt hơn. Ngoài ta, UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở KH-ĐT rà soát lại toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn và làm rõ còn bao nhiêu khu vực, dự án có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Sở cần có giải pháp cụ thể. Mục đích là có thể “dẫn dắt” kinh tế TP chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, hạn chế thấp nhất các ngành sử dụng nhiều lao động.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN về rà soát, báo cáo các khu công nghiệp có ngành điện tử. Đáng nói, TP hiện không có khu công nghiệp có trên 30% diện tích đất công nghiệp thu hút các dự án điện tử. Tổng số dự án điện tử trong khu công nghiệp là 89 dự án (39 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 3.734,61 tỉ đồng và 50 dự án FDI với vốn đăng ký 5.058,62 triệu USD) với diện tích đất sử dụng khoảng hơn 326 ha.
TP đề nghị Bộ nghiên cứu báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ có các chính sách ưu đãi đầu tư trong việc thành lập các khu công nghiệp điện tử tập trung để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kiến nghị Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan có liên quan hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung điều 18 luật Công nghệ cao năm 2008 theo hướng không cần phải đáp ứng điều kiện 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, doanh thu bình quân để có thể đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi theo quy định…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.