TP.HCM tính hồi sinh đô thị sông nước

14/07/2020 06:22 GMT+7

Tốc độ đô thị hóa vượt tầm kiểm soát, lún nền diễn ra nghiêm trọng, đổ hàng tỉ USD vẫn không thể thoát ngập , TP.HCM đang tính phương án biến vùng trũng thành đô thị vệ tinh sông nước.

Dành 5.000 - 10.000 ha để ngập tự nhiên

Tính cả tốc độ sụt lún và nước biển dâng, mỗi năm TP.HCM sẽ ngập - lún khoảng 1,5 cm. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong khoảng 30 - 50 năm nữa, nhiều điểm - vùng trong TP sẽ nằm dưới mực nước biển. Ý tưởng chống ngập nương vào tự nhiên, tận dụng lợi thế sông kênh rạch để hình thành các vùng đô thị sông nước trong lòng TP.HCM đã được rất nhiều chuyên gia đô thị đề xuất nhưng sau nhiều năm vẫn chỉ dừng ở ý tưởng.

Việc giữ lại các vùng ngập tự nhiên để điều tiết nước, giảm ngập, kết hợp xây dựng vùng đô thị du lịch là hợp lý. Tuy nhiên thực tế, người dân vẫn mong muốn ở trên cạn vì di chuyển, cuộc sống thuận lợi nên cần khảo sát nhu cầu người dân để quy hoạch từng vùng nhỏ chi tiết. Trong đó, đặc biệt quan tâm bài toán kết nối giao thông đường thủy, đường bộ, xây dựng cảnh quan để phát triển du lịch...  

TS Võ Kim Cương

Tuy nhiên, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. Trong đó, dự kiến dành 5.000 - 10.000 ha khu vực ven sông để ngập tự nhiên, tạo ra những khu rừng, khu du lịch, khu dân cư xen kẽ để khai thác hiệu quả thay vì san lấp cát làm khu đô thị.
“Suốt thời gian qua, TP đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước. Như khu đô thị mới Thủ Thiêm, chúng ta dành hơn 100 ha làm rừng ngập nước tự nhiên, đến nay đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho động thực vật phát triển. Trong tương lai, TP sẽ tiếp tục quy hoạch theo hướng là đô thị sông nước, sạch, xanh. Mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, người dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, đều hướng tới xây dựng đô thị sông nước với các vùng ven sông, kênh rạch, sẽ dành một phần đất cho ngập tự nhiên”, Phó chủ tịch UBND TP thông tin.
Ủng hộ hướng đi này, TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường đại học Cần Thơ, đánh giá xu hướng chống ngập tại TP.HCM hiện nay vẫn là đắp đê ngăn nước, làm các biện pháp công trình với mục tiêu “hong khô” các điểm ngập. Thực tế, tất cả biện pháp công trình đều không còn hiệu quả nữa, và vô cùng tốn kém. TS Ni dẫn chứng trước đây Mỹ đã nhiều năm nghiên cứu các thành tựu kỹ thuật với niềm tin con người có thể chế ngự được thiên nhiên. Đến năm 2005, khi bão Katrina phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans và khu vực ngoại ô TP khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, họ đã phải chấp nhận “chịu thua ông trời”. Chính quyền Mỹ sau đó đã phải chính thức tuyên bố đây là “khu vực ngập”, không cấm nhưng sẽ không bán bảo hiểm ngập cho bất cứ người dân nào mua nhà và sinh sống tại đây.
“Nói vậy để thấy, đã đến lúc TP.HCM cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng. Những khu vực trọng yếu có thể giữ sẽ được tập trung kinh phí, bao đê quyết liệt, bảo đảm 100% không ngập. Cần thiết xây dựng kịch bản cho những thảm họa đã được cảnh báo”, ông Ni đề xuất.

Người Sài Gòn xếp hàng đi buýt đường sông miễn phí tháng 7.2018

Một Venice trong lòng Sài Gòn ?

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư và con người, cho hay: Từ xa xưa, Sài Gòn đã lớn lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng Sác, kênh rạch, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng... với rất nhiều các hoạt động trên những con nước, là văn hóa cội nguồn của đô thị cho đến nay. Người Sài Gòn xưa đi lại phần lớn bằng ghe thuyền trên hai con kênh lớn Thị Nghè và Bến Nghé, lượn ra “sông mẹ”. Thế nhưng, cùng với sự phát triển đô thị nhanh chóng, dân số bùng nổ, dọc hai tuyến kênh lớn của TP là kênh Bến Nghé - Tàu Hủ và Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và từng đứng trước nguy cơ bị bê tông hóa, chất tải thêm “núi” cao ốc chọc trời.
Bà Thục đánh giá khoảng 10 năm trở lại đây, TP cũng đã dần nhìn nhận ra các sai lầm từ quy hoạch cũ, cố gắng công sức để phục hồi, mở rộng và làm sạch để trở thành 2 tuyến trên bộ dưới thủy với dải cây xanh theo nó cùng nhiều tiện ích dân sinh. Tuy nhiên cả 2 tuyến kênh này vẫn còn tiềm ẩn nhiều tài nguyên vô giá để hồi sinh bản sắc đô thị TP.HCM đáp ứng xu hướng đô thị cảnh quan xanh.
Cụ thể, Xí nghiệp đầu máy xe lửa Sài Gòn có tổng diện tích lên đến gần 8 ha trải dài cạnh bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với ba nhà xưởng vòm cong tuyệt đẹp, cùng khu vực cầu quay đầu máy và đoạn đường sắt kết nối với ga Hòa Hưng có thể được quy hoạch thành bảo tàng di sản đường sắt phục vụ khách du lịch. Có thể điểm xuyết thêm bằng các cuộc đua thuyền, bơi chải. Hai con đường đôi bờ kênh chạy dọc Nhiêu Lộc - Thị Nghè là Hoàng Sa, Trường Sa chính là không gian sông nước lớn, đủ sức tái tạo lịch sử khai phá của một đô thị giữa sông nước và kết nối hoạt động dân cư vào dải xanh khổng lồ này.
Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, từ trước năm 1975, các nhà quy hoạch đã đưa ra ý tưởng xây dựng TP.HCM trở thành TP nửa nổi nửa chìm, một nửa ngập nước giống Venice (Ý). Khi đó, khu vực được đề xuất là cù lao Long Phước (P.Long Phước, Q.9), nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, nên ý tưởng này tạm thời phải gác lại. Tuy hiện nay quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi rất nhiều cấu trúc đô thị của TP.HCM, và nhiều dòng kênh, rạch bị lấp đi thay thế bằng bê tông, cao ốc, nhưng TP hoàn toàn vẫn có thể quy hoạch nhiều vùng trũng trở thành đô thị sông nước.
Trong đó, lấy quy hoạch chống ngập làm gốc, TP có thể nghiên cứu các vùng trũng ở phía ngoài đê, tiếp tục triển khai các biện pháp chống ngập song song để giữ khu vực nội thành thật tốt. Phía trong đê, các khu vực phía nam Sài Gòn, khu Đa Phước, Bình Chánh thấp, trũng có thể đào lên một phần, quy hoạch thành một loại đô thị nước. Khi đó, hệ thống đê bao sẽ giữ mực nước khu vực bên trong ổn định, không bị phụ thuộc vào mưa hay nước triều dâng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.