Tai mắt nhân dân trong chính quyền đô thị

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
13/05/2020 17:38 GMT+7

Khi thực hiện tuyến bài Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng , tôi đã ghi nhận nhiều góp ý của những người có chuyên môn vào cách xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại TP năng động nhất miền Trung này.

Nhưng cũng nổi lên một lo ngại, đó là việc giám sát cán bộ thực thi công vụ sẽ được thực hiện thế nào khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường…
Trước đó, trong giai đoạn 2009 - 2016, Đà Nẵng đã từng thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường với nhiều kết quả khả quan. Trong khoảng thời gian 7 năm thí điểm, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công với tỷ lệ hài lòng do cơ quan, đơn vị tự khảo sát đều ở mức cao hằng năm, 80 - 98%... Đó là câu chuyện của vài năm trước. Còn thời gian gần đây, mặc dù HĐND cấp huyện, quận, phường đã được tái lập nhưng Đà Nẵng đã có sự tụt dốc các chỉ số, chẳng hạn như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Lo ngại nhất là thái độ công vụ của công chức các địa phương. Trước thực trạng nhiều cán bộ gây phiền hà, hành dân trong thủ tục gây bức xúc trong dư luận, cuối năm 2019, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có công văn chấn chỉnh, yêu cầu rà soát, bố trí đội ngũ công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, kịp thời thay thế những cá nhân vi phạm, có biểu hiện tiêu cực… Xây dựng chính quyền đô thị theo đề xuất của Đà Nẵng có thể thấy nổi lên ưu điểm tinh gọn bộ máy chính quyền, nhưng cũng đặt ra vấn đề giám sát đội ngũ công chức khi “bỏ qua” kênh giám sát là HĐND. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, Đà Nẵng cần ứng dụng công nghệ thông tin để người dân góp ý kiến và giám sát, đồng thời cũng cần có chế tài với người lợi dụng giám sát để thông tin sai sự thật. Chẳng phải lâu nay, thông tin giám sát từ tai mắt nhân dân vẫn luôn tốt và chính xác sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.