Tái nhiễm thì hậu Covid-19 có nặng hơn?

28/03/2022 04:16 GMT+7

Bộ Y tế đánh giá, đến nay dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số mắc tăng cao chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron làm lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít tăng số ca nặng hơn.

Trong báo cáo về công tác chống dịch tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3.

NGỌC DƯƠNG

Có trường hợp chỉ 3 - 4 tuần sau khi khỏi đã tái nhiễm

Báo cáo cũng cho hay Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch Covid-19, cập nhật sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2, xây dựng tiêu chí để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định xem xét bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” trong thời điểm thích hợp.

Lý giải cụ thể hơn về lý do “sau khỏi bệnh vẫn tái nhiễm, thậm chí có trường hợp chỉ 3 - 4 tuần sau khi khỏi đã tái nhiễm”, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng những người này không có kháng thể, không có miễn dịch trong lần mắc trước đó; hoặc có thể do kết quả xét nghiệm âm tính, dù họ chưa khỏi bệnh.

Một chuyên gia về dịch tễ cũng lưu ý, không như một số bệnh truyền nhiễm nhóm B thông thường, mắc 1 lần có miễn dịch bệnh vững (như sởi, quai bị...), miễn dịch ở người mắc Covid-19 giảm dần, do đó dù mắc rồi nhưng vẫn có thể tái nhiễm. “Đặc biệt, nguy cơ này càng cao khi SARS-CoV-2 có thêm các biến thể mới”, chuyên gia này giải thích.

Về mức độ nặng với các ca tái nhiễm, một lãnh đạo của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho hay hiện chưa có khẳng định tái nhiễm nặng hơn hay nhẹ hơn, vì phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mỗi người. Tuy nhiên, để ngăn ngừa nhiễm, tái nhiễm, mỗi người luôn cần có ý thức phòng bệnh, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và luôn cần theo dõi sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng tốt để cơ thể khỏe mạnh.

Mắc Covid-19 lần 2, lần 3 thì hậu Covid-19 như thế nào?

Về câu hỏi hậu Covid-19 lần 2, 3 có nặng hơn lần 1? Theo TS-BS Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng chưa thể biết được vì mọi điều là mới, phải có thêm dữ liệu mới có thể phân tích và đánh giá. Có những trường hợp hậu Covid-19 kéo dài, tuần lễ 1 - 2 bệnh nhân không viêm phổi, không thở máy, ECMO, nhưng 14 ngày sau xuất hiện biến chứng rối loạn đông máu, tắc mạch máu…

BS Nguyễn Thế Hân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, chuyên gia khám hậu Covid-19, BV Thống Nhất (TP.HCM), cho biết thêm, với người mắc Covid-19 lần 2, lần 3 và hậu Covid-19 nặng hơn hay nhẹ hơn là không quan trọng. Bởi hậu Covid-19 của chủng Omicron là nhẹ, ít xâm lấn phổi hơn so với Delta. Nhưng chủng Omicron tác động làm viêm xoang nhiều và nhiều trường hợp đông máu.

Những điều cần biết về tái nhiễm Covid-19

Về thắc mắc lần 1 mắc Covid-19 đã uống thuốc kháng vi rút Molnupiravir thì mắc lần 2 có uống tiếp được không? Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nếu nói mắc lần 2 có triệu chứng và có chỉ định thì cần thiết vẫn được uống Molnupiravir.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi từ tháng 4

Ngày 27.3, Bộ Y tế cho biết chính phủ Úc đã chính thức cam kết viện trợ cho VN khoảng 13,7 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR) đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Úc để đưa vắc xin về VN trong tuần này. Vắc xin về VN và được kiểm định chất lượng an toàn sẽ được chuyển tới các địa phương để tổ chức tiêm chủng từ đầu tháng 4 tới. Bộ Y tế và Chương trình TCMR cũng đang tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, COVAX Facility và chính phủ các nước để sớm có cam kết tài trợ thêm khoảng 8 - 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm 2 liều cho em từ 5 - 11 tuổi của VN. Mục tiêu đặt ra là có đủ vắc xin để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trước tháng 9 năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.