Theo thông tin từ các diễn đàn, vụ việc được xác định xảy ra vào hơn 18 giờ ngày 9.3.2024 tại một tuyến đường qua địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thời điểm nói trên, một tài xế đang lái ô tô đi trên đường bất ngờ bị đèn pha của xe ngược chiều rọi vào gây lóa mắt, dẫn đến mất kiểm soát. Ô tô con sau đó suýt đâm vào đuôi xe máy cày chở gỗ lưu thông cùng chiều. May mắn, không có tai nạn nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, vụ việc này vẫn gây xôn xao trên mạng xã hội. Bởi lẽ, nhiều người tỏ ra bức xúc với cách sử dụng đèn pha của ô tô lưu thông ngược chiều trong tình huống nói trên.
Ô tô con suýt gặp tai nạn vì đèn pha của xe ngược chiều gây lóa mắt tài xế
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Tuân Nguyễn, một người thường xuyên lái xe di chuyển ban đêm trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ cho biết, anh thường xuyên gặp phải tình trạng tương tự như vụ việc trong đoạn video. "Cách đây vài tháng, tôi thậm chí gây tai nạn với một xe máy cùng chiều trên Quốc lộ 62 (đoạn qua địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An – PV) vì bị một xe tải ngược chiều rọi đèn pha gây lóa mắt. Rất may lúc đó tôi chạy với tốc độ vừa phải nên vẫn kịp xử lý".
Thực tế, những trường hợp giống với anh Tuân không phải hiếm. Theo dõi các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về giao thông thường xuyên sẽ thấy, những vụ va chạm nguy hiểm xuất phát từ việc tài xế bị đèn pha ngược chiều gây lóa mắt, mất hoàn toàn tầm nhìn xảy ra rất nhiều. Điều này cho thấy một thực tế đáng báo động, là rất nhiều lái xe đang sử dụng đèn pha một cách "vô tội vạ", không đúng chức năng.
Khi nào bật đèn chiếu xa (đèn pha)?
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, ô tô khi tham gia giao thông phải trang bị các loại đèn chiếu sáng để đảm bảo an toàn. Cụ thể, các loại đèn bắt buộc phải có trên xe bao gồm đèn chiếu sáng gần (đèn cos), đèn chiếu xa (đèn pha), đèn soi biển số, đèn báo hãm (đèn phanh) và đèn tín hiệu (xi-nhan).
Trong đó, đèn chiếu xa và đèn chiếu gần là hai loại đèn chính, sử dụng linh hoạt tùy thuộc vào khung thời gian và điều kiện đường, thời tiết… Đèn chiếu sáng gần là đèn có cường độ vừa phải, tầm chiếu thấp và gần phía trước xe. Còn đèn chiếu xa hay còn gọi là đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh hơn, tầm chiếu cao và xa hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa.
Tuy nhiên, chính vì tầm chiếu cao và cường độ mạnh nên luật quy định, loại đèn này không được sử dụng khi ô tô di chuyển trong khu đô thị, nơi đông dân cư mà chỉ sử dụng trên đường trường hoặc đường cao tốc. Bởi nếu bật đèn pha trong nội đô sẽ gây lóa mắt, che tầm nhìn của các xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm.
Ngoài ra, Điều 17 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định, trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau, tài xế không được dùng đèn chiếu xa.
Bật đèn pha "vô tội vạ" xử phạt ra sao?
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã có quy định rõ về việc sử dụng các loại đèn trên ô tô khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều tài xế không nắm rõ luật, hoặc biết nhưng vẫn cố tình phớt lờ. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều ô tô, xe máy rọi đèn pha loạn xạ, gây nguy hiểm cho các phương tiện cùng lưu thông và khiến nhiều người bức xúc.
Liên quan đến chế tài xử phạt với hành vi sử dụng đèn chiếu xa trên xe không đúng quy định, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rõ. Đối với ô tô, phạt tiền 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ. Tương tự, với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt 400.000 - 600.000 đồng.
Trong khi đó, với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng nếu tài xế sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Bên cạnh mức phạt hành chính, nếu người lái thực hiện hành vi vi phạm nói trên mà gây tai nạn giao thông; còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Bình luận (0)