Sau 20 năm, Taliban đã quay trở lại đỉnh cao quyền lực tại Afghanistan. Tuy nhiên, việc tiếp quản quyền lực đi kèm với những khó khăn to lớn.
Thiếu sự tin tưởng
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Taliban là xây dựng lòng tin từ người dân Afghanistan. Trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1996-2001, Taliban điều hành đất nước với sự hà khắc của luật Hồi giáo, cấm phụ nữ tiếp cận với giáo dục, mạnh tay với các lực lượng đối thủ chính trị và những nhóm người, tôn giáo thiểu số.
Sau khi kiểm soát Kabul, Taliban cam kết sẽ thiết lập thể chế mềm mỏng hơn, đảm bảo quyền của phụ nữ. Đại diện Taliban đã đối thoại với các bên có ảnh hưởng trên chính trường như cựu Tổng thống Hamid Karzai, giao thiệp với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite Hazara thiểu số.
Tuy nhiên, tâm lý e dè của người dân, đặc biệt là phụ nữ được cho là vẫn còn áp đảo và nhiều người cho rằng còn phải chờ xem những hành động của Taliban, theo AFP.
Thách thức kế tiếp mà Taliban cần giải quyết ngay là cuộc khủng hoảng kinh tế, nhân đạo. Afghanistan hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới, viện trợ quốc tế chiếm hơn 40% GDP vào năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết nguồn viện trợ đã bị đóng băng từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Taliban giờ cũng không thể với tay vào nguồn quỹ của ngân hàng trung ương Afghanistan đang được giữ tại Mỹ. Taliban cần nguồn ngân sách để trả lương cho nhân viên chính quyền, duy trì dịch vụ thiết yếu như điện, nước và liên lạc.
|
Liên Hiệp Quốc mới đây cảnh báo thảm họa nhân đạo có thể xảy ra tại Afghanistan, khi nguồn dự trữ lương thực còn rất ít do xung đột triền miên và hạn hán nặng. Taliban tuy có nguồn thu lớn trên phương diện một tổ chức nhưng bị cho là không đủ để đáp ứng nhu cầu của cả một đất nước.
Bài toán nhân lực có chuyên môn cũng là điều Taliban cần giải quyết. Cùng với cuộc rút quân của phương Tây và sự ra đi của chính quyền cũ, một lực lượng đông đảo nhân tài cũng rời khỏi Afghanistan để không phải sống dưới sự quản lý của Taliban. Những người này gồm công chức, quản lý ngân hàng, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư... Đoán trước được cuộc chảy máu chất xám này, những người phát ngôn của Taliban những ngày qua liên tục kêu gọi người Afghanistan có chuyên môn không rời khỏi đất nước.
Thách thức ngoại giao, an ninh
Về đối ngoại, Taliban đứng trước nguy cơ bị cô lập nếu không có những thay đổi so với giai đoạn cầm quyền trước. Khi đó, chỉ có 3 nước gồm Ả Rập Xê Út, Pakistan và UAE công nhận chính quyền Taliban.
Những năm qua, Taliban được cho là đã nỗ lực giao thiệp với nhiều bên nhằm xây dựng hình ảnh trên trường quốc tế, trong đó gồm Pakistan, Iran, Nga, Trung Quốc và Qatar. Đến nay, đa số các nước đều đưa ra những tuyên bố thận trọng, chờ xem hành động của Taliban.
Mối đe dọa tấn công khủng bố cũng là điều khiến Taliban phải dè chừng, đặc biệt là ân oán với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhánh của IS tại Afghanistan là ISIS-K gần đây thực hiện cuộc đánh bom tự sát bên ngoài sân bay ở Kabul làm hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có hàng chục thành viên Taliban.
Dù đều là người Hồi giáo dòng Sunni nhưng IS được đánh giá diễn dịch luật Hồi giáo một cách cực đoan hơn Taliban.
|
Trong tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom ở Kabul, ISIS-K gọi Taliban là những “kẻ bội giáo” và chỉ trích Taliban vì hợp tác với Mỹ để sơ tán người nước ngoài, thông dịch viên và gián điệp làm việc cho quân đội Mỹ nhiều năm qua. Taliban giờ đây phải bảo vệ người dân Afghanistan khỏi những cuộc tấn công mà các tay súng của họ đã thực hiện trong những năm qua. Bên cạnh đó, Taliban cũng phải giữ cam kết với quốc tế về việc không để các tổ chức như IS, al-Qaeda dùng lãnh thổ Afghanistan để tấn công các nước.
Bình luận (0)